Thế giới chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất chưa từng thấy
Thế giới - Ngày đăng : 19:48, 06/02/2023
Cùng với đó, theo TTXVN, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Nguyễn Phú Tân Hương cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Đại sứ quán đã liên hệ ngay với Vụ phụ trách người nhập cư và Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảnh sát và chính quyền địa phương tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng động đất có người thương vong, gồm Kahramanmaras, Adiyaman, Gaziantep, Hatay, Diarbakir, Kilis, Osmaniye, Sanliurfa, Adana và Malatya, để tìm hiểu thông tin liệu có nạn nhân là người Việt Nam hay không.
Bà Nguyễn Phú Tân Hương nêu rõ, do động đất cường độ mạnh, lại xảy ra vào rạng sáng, khi phần lớn mọi người đều ngủ say, nên có khả năng con số thương vong tiếp tục tăng cao. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm hiểu để có được thông tin một cách sớm nhất có thể.
Trước đó, trận động đất 7,8 độ xảy ra lúc 4h30 phút sáng (giờ địa phương) đã làm sập hàng trăm công trình, trong đó có nhiều nhà cao tầng, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Dư chấn có thể cảm nhận được ở nhiều quốc gia khu vực, như Cyprus, Ai Cập, Israel và Lebanon.
Theo truyền thông quốc tế, tính đến 18h30 ngày 6-2 (giờ Việt Nam) đã có ít nhất 1.504 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất 7,8 độ xảy ra lúc sáng sớm cùng ngày. Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) còn ghi nhận, sau đó khoảng 9 tiếng đồng hồ, một trận động đất thứ hai đã xảy ra, với cường độ 7,5 độ ở khu vực miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Riêng tại Syria, đã có ít nhất 592 người thiệt mạng, tập trung ở các khu vực Aleppo, Hama, Latakia và Tartus. Theo hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, có khoảng 1.089 người đã bị thương.
Bên cạnh thiệt hại về người, nhiều công trình đã bị san phẳng. Ước tính ban đầu cho thấy, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 10 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, thời tiết lạnh và ẩm ướt đang cản trở các nỗ lực cứu hộ và phục hồi. Tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ đang ghi nhận nhiệt độ đóng băng, mưa lạnh và tuyết được dự báo kéo dài đến hết ngày mai. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, giới chức đã yêu cầu người dân rời khỏi các tòa nhà để đảm bảo an toàn, trước nguy cơ có thêm dư chấn.
Được tin về trận động đất, trong ngày, nhiều quốc gia đã chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã điều động các đội cứu nạn từ Bulgaria, Croatia, Czech, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Romania tới Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời vận hành hệ thống vệ tinh giúp nước này theo dõi diễn biến địa chất và những hệ quả của nó. Các quốc gia thành viên khối này cũng có những động thái riêng, trong đó Hà Lan đã vận chuyển 16,5 tấn vật tư, trang bị cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với EU, Nga, Ukraine đều gửi điện chia buồn và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ.
Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các đối tác khác của chính phủ liên bang đánh giá các phương án ứng phó, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Về phần mình, Tổng Thư ký NATO bày tỏ chia buồn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, khẳng định các thành viên NATO đang huy động nguồn lực cho các động thái hỗ trợ cần thiết.
Từ châu Á, Ấn Độ cũng đã cử hơn 100 nhân viên cứu nạn và hỗ trợ vật tư, trong khi Trung Quốc cũng cho biết sẵn sàng trợ giúp nhân đạo cho Thổ Nhĩ Kỳ. New Delhi hiện cũng đang tập hợp các đội ngũ y tế và vật tư liên quan, sẵn sàng chuyển tới hỗ trợ Ankara.
Báo Hànộimới sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mới liên quan tới vụ việc.