Số người thiệt mạng do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên tới hơn 12.000 người
Thế giới - Ngày đăng : 02:35, 09/02/2023
Theo ghi nhận, hoạt động cứu nạn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh nhiệt độ ở khu vực hạ thấp. Tại các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ như Kahramanmaras, mức nhiệt trung bình là âm 6 độ C tới 1 độ C. Tương tự, nhiệt độ tại Gaziantep chỉ từ âm 5 độ C tới 1 độ C. Riêng vùng Diyarbakir còn chứng kiến tuyết rơi dày, với nhiệt độ cao nhất chỉ 2 độ C.
Bên cạnh đó, việc quy mô thiệt hại quá lớn, máy móc thiếu thốn, kết hợp với thực tế nhiều khu vực vẫn bị chia cắt do đường sá hư hại và chiến sự là những yếu tố cản trở công tác cứu hộ.
Các chuyên gia nhấn mạnh, quãng thời gian 72 giờ "vàng" cho việc cứu các nạn nhân đã gần hết. Sau mốc thời gian này, tỷ lệ sống sót của những người bị mắc kẹt chỉ còn 22%. Sau ngày thứ năm, cơ hội sống sẽ chỉ còn 6%. Một số địa phương như Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ hy vọng, trong bối cảnh tất cả nạn nhân được tìm thấy gần đây đều đã tử vong.
Trước diễn biến trên, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc El-Mostafa Benlamlih tại Syria đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan gác lại các vấn đề chính trị, tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động cứu nạn. Theo ông El-Mostafa Benlamlih, giờ là lúc không có chỗ cho sự chờ đợi và thảo luận, bởi khi những tranh cãi kết thúc đã là quá muộn.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các đội ngũ chuyên gia và vật tư y tế đã được gửi tới hai nước hứng chịu động đất trên ba chuyến bay. Trong khi đó, từ Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis đã gửi lời thăm hỏi nạn nhân của trận động đất, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục dồn sức cho các nỗ lực cứu trợ người bị nạn.
Phát biểu trong chuyến công tác tới tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) - khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất từ trận động đất kinh hoàng với hơn 3.300 người đã thiệt mạng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi người dân đoàn kết để vượt qua khó khăn; đồng thời khẳng định sẽ không chấp nhận các ý đồ lợi dụng sự việc lần này để đạt lợi ích chính trị.
Cũng theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, nước này và Syria đang phối hợp mở thêm hai cửa khẩu, nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển hàng hóa viện trợ. Trong khi đó, hãng hàng không Pegasus Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo tăng cường các chuyến bay đến và đi những địa điểm chịu thiệt hại từ động đất.
Tại Syria, kênh truyền thông nhà nước Sana cho biết đã có hơn 298.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, con số này mới chỉ thống kê ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, do đó con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Hiện, Chính phủ Syria cũng đã thiết lập 180 khu tạm trú cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất.
Damascus cũng đã kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU), qua đó yêu cầu gia tăng các biện pháp hỗ trợ từ khối 27 quốc gia EU và 8 quốc gia khác. Hiện, EU cũng đã huy động các đội tìm kiếm và cứu nạn để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống vệ tinh Copernicus của EU đã được kích hoạt để cung cấp các dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp.