Ăn thịt cò thời phòng dịch
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:33, 03/12/2005
Cổng vào vườn cò
Công nghệ bắt cò
Vườn cò vắng tanh. Chúng tôi vừa đánh xe vào cổng thì một cậu thanh niên chạy ra: - Anh cho em 5000 tiền đỗ. Chúng tôi rời xe, lại một nhân viên nữa đon đả: - Đoàn các anh đi mấy người? - Ba. - Tôi trả lời gọn lỏn. - Các anh muốn ăn gì? - Nhà hàng có gì? - Nhiều ạ. Thịt cò, thịt gà, thịt thỏ. Rượu cũng sẵn: Vodka, mật gấu... Tôi phẩy tay: - Từ từ rồi tính.
Chúng tôi đi vào phía trong. Một dãy quán kiểu nửa lều chia lô nửa nhà sàn không vách nằm tơ hơ, trống hoác cho gió thổi. Không một thực khách.. Sâu vào khoảng 10 m nữa, lại một dãy ngang quán như phía ngoài. Cũng không một bóng khách. Ông Phùng Đoài Học, chủ vườn cò kiêm tổ hợp hàng quán lật đật chạy ra, đon đả mời khách. Câu đầu tiên của ông Học cũng hệt như của cô nhân viên. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn ông Học. - Đừng lo. Người ta vẫn ăn đầy ấy mà. - Ông Học khích lệ.
Ông Học năm nay bốn mươi bảy, tuổi Kỷ Hợi. Ông bảo, tuổi năm này nhiều người hanh thông lắm. Vườn cò ông mua lại năm 1992, khi đó chỉ 80 triệu đồng. Vườn rộng 7 ha. Chưa bao giờ có con số thống kê cụ thể nhưng theo ông Học, vào mùa sinh sôi nảy nở cả vườn phải đến ba vạn con cò. Ngoài cò, còn vạc, chim di cư...
- Từng có nhiều đoàn chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước về đây khảo sát. Vườn cò của tôi đã được xếp vào một trong những sân chim lớn của thế giới. Ông Học khoe. Tôi rụt rè hỏi ông cho xem bằng chứng nhận, ông chủ cười xòa: - Mình đâu có mang về.
Cò quanh khu vực vườn Ngọc Nhị Ảnh: PV |
Phải thế, chứ cứ bắt cò như trong truyện, nhất là truyện của cụ Đoàn Giỏi thì có mà đến Tết mới được ăn thịt cò một lần. Nhưng để được như thế, ông Học bảo: - Năm nào cũng phải đánh nhau với “bọn rắn rết” dăm bảy bận mới giữ được vườn như thế này đấy.
Ăn thịt cò thời H5N1
- Thực đơn có những gì? Chúng tôi hỏi. Cô nhân viên vừa đon đả mời vừa chìa thực đơn: Thịt cò luộc này, xào miến này, thịt cò quay này. Mỗi con 17 nghìn. Xào miến 10 nghìn đồng một đĩa.
Không chỉ có thịt cò. Nhà hàng vườn cò Ngọc Nhị còn có gà ri. Chúng tôi liếc qua sổ ghi chép của nhà hàng, mới hôm trước, ngày 15- 11, vẫn có nhiều người đến đây ăn nhậu. Thực đơn? Chả ai kiêng gì thịt gà, thịt cò dù giữa thời cả nước lo phòng dịch.
- Cò thơm mà chặt thịt. - Ông Học giới thiệu: - Thịt cò quay ngon hơn thịt gà. Xào miến cũng được, chẳng kém gì bồ câu.
Chúng tôi quay sang hỏi: - Thế anh không lo cúm H5N1 à?
Ông Học: - Cúm gì đến cò. Người ta vẫn đến ăn đầy. Các anh đi đúng vào đợt lắm ngày lễ chạp cưới xin (Quả thực, hôm chúng tôi đến, ngày 16- 11 là ngày đẹp) nên mới vắng khách. Ngày thường, người Hà Nội các anh chả về đây đầy. - Vừa nói ông Học vừa chỉ sang hai dãy ngang dọc lều quán.
Ông Học dường như là người hiểu biết. Ông tự hào rằng, khối nhà điểu học hàng đầu phải về đây tham vấn kinh nghiệm nuôi cò, nuôi vạc của ông. Theo cách ông lí giải, cò là giống mà H5N1 bất khả xâm nhập: - Giống cò chỉ ăn thức tinh sạch, tươi, không bao giờ ăn xác chết. Vì vậy, nó khó có thể bị nhiễm. Tôi là người kinh doanh, trực tiếp giết mổ. Nếu bị gì thì tôi chết trước. Khách hàng ăn thịt nấu chín còn lo gì nữa.
Tôi hỏi: - Nhỡ các loài chim di cư về đây truyền bệnh cho cò thì sao? Ông Học im lặng một lát rồi trả lời: - Cũng chưa biết.
Điều lạ lùng là, vườn cò Ngọc Nhị rất lớn và có lẽ là sân chim lớn nhất miền Bắc nước ta nhưng tới giờ, giữa thời cả nước sốt sắng phòng dịch, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào, tỉ dụ ngành Nông nghiệp hay bên phòng dịch về nghiên cứu, tìm hiểu biện pháp đối phó.
Chúng tôi làm một vòng quanh khu vườn cò. Rộng. Um tùm. Không một bóng cò. Ban ngày, chúng đi kiếm ăn. Chỉ còn lũ vạc đậu đầy trên các bụi tre, bên bờ ao. Ông Học lại mời: - Các chú làm bữa thịt cò nhé! Tôi từ chối khéo. Rồi chạy một thôi đường ra thị trấn ăn cơm bụi.
Chợt nhớ lời anh bảo vệ Chi cục Thú y tỉnh nói ban sáng, tôi rút máy ra gọi cho một đồng chí lãnh đạo Chi cục về công tác phòng chống dịch. Chỉ nghe tiếng chuông reo cần mẫn.
Anh Tuấn - Phương Thúy