Sức sống của báo cũ
Văn hóa - Ngày đăng : 20:00, 20/08/2022
Sự thú vị đến từ chất liệu
Triển lãm “Dịch chuyển” trưng bày các tác phẩm tranh xé dán giấy và đa chất liệu trên canvas (collage) của tác giả Mzung Nguyễn diễn ra từ ngày 10-8 đến ngày 30-8 tại VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. 30 tác phẩm với kích thước đa dạng mang đến cho người xem câu chuyện thú vị về chất liệu.
Mzung Nguyễn sinh năm 1982, được biết đến qua các tác phẩm đa thể loại, bao gồm phim truyện ngắn, phim tài liệu, phim thể nghiệm và video-art. Hai bộ phim thể nghiệm “Ngủ trong thành phố” (2017) và “Ánh sáng sau sự sống” (2018) của cô từng được chọn trình chiếu tại nhiều quốc gia. Kể từ năm 2017, Mzung Nguyễn mở rộng thực hành nghệ thuật theo hướng đa phương tiện. Cô bắt đầu sáng tác tranh sơn dầu và sử dụng chất liệu hỗn hợp.
Để hoàn thành 30 tác phẩm nói trên, Mzung Nguyễn đã dành nhiều năm sưu tầm, chắt lọc từ khoảng 2.000 tờ báo, tạp chí cũ, được xuất bản trong vòng 2 thập niên trở lại đây rồi phân loại để tái sử dụng. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Vì sao tôi dùng báo chí? Đó là vì nếu bạn muốn nhìn thấy một kỷ yếu nào đó, hay thấy dòng thời gian trôi thì bạn phải tìm đến một kho dữ liệu vô cùng lớn”. Và chất liệu báo cũ đã được sử dụng để khắc họa sự dịch chuyển của thời gian và không gian, những giá trị cũ và mới, truyền thống và hiện đại, sự tương phản giữa nhân sinh và thế giới tự nhiên trong đời sống đô thị qua góc nhìn tác giả.
“Tôi đặc biệt ưu ái trạng thái dịch chuyển và nó đã trở thành chất dung môi cho tôi hình thành các ý niệm. Trải nghiệm về sự dịch chuyển giữa các thể loại, sắp xếp các chất liệu trong thực hành nghệ thuật giúp tôi khám phá cái vô tận của mối liên kết không gian và thời gian, mối tương quan của các thành tố cấu thành xã hội loài người. “Dịch chuyển” (từng có tên gọi “Khi phố là nhà”) được lấy cảm hứng từ đặc điểm của đô thị Sài Gòn trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng, sự đối lập giữa cái mới và cái cũ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa những thôi thúc của sự phát triển và sự tĩnh lặng” - Mzung Nguyễn giới thiệu về triển lãm.
Chất liệu báo cũ giúp người xem cảm nhận được nhiều thông điệp ý nghĩa. Chia sẻ về triển lãm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay: “Rất nhiều bức tranh chứa đựng thông điệp về bảo vệ môi trường, tính nhân văn, tình yêu với con người trong cuộc sống”. Giám đốc Hanoi Grapevine, chị Uyên Ly cũng đánh giá: “Các dấu vết của thiên nhiên có tác động với nhau như thế nào, điều đó thể hiện rất rõ trong tranh của Mzung Nguyễn bằng một hình thức rất sôi nổi, rất nhiều năng lượng”.
Báo cũ, một chất liệu của mỹ thuật
Việc sử dụng báo cũ làm chất liệu cho các tác phẩm mỹ thuật đã được thực hành từ khá lâu - cả trên thế giới và Việt Nam. Đúng như chia sẻ của Mzung Nguyễn, chất liệu này mang đến cho người xem cảm giác rất rõ ràng về sự thay đổi của dòng thời gian. Từ màu mực, sự đổi màu của giấy báo đến những hình ảnh, nội dung được đăng tải trên báo đều có sức mạnh khơi gợi ký ức, từ đó tạo nền tảng cho sự sáng tạo.
Trong những năm tháng kháng chiến hay ở thời bao cấp thiếu thốn, rất nhiều họa sĩ Việt Nam phải dùng báo cũ để vẽ tranh, kể cả người nổi tiếng như danh họa Bùi Xuân Phái. Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ: “Bột màu - báo cũ thời trước Đổi mới 1986, khi thiếu thốn sơn dầu, chính là lựa chọn của nhiều họa sĩ. Tôi mê chất liệu này và hiện vẫn giữ được rất nhiều tác phẩm mà mình vẽ từ ngày còn là sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tôi cũng có bộ sưu tập tranh bột màu - báo cũ của nhiều họa sĩ đương thời”.
Ngày nay, dù không còn thiếu thốn nhưng nhiều họa sĩ vẫn chọn báo cũ làm chất liệu để thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình. Năm 2016, triển lãm “Nhân dân - Tranh trên báo cũ” diễn ra nhân dịp kỷ niệm 65 năm Báo Nhân dân ra số đầu tiên đã gây ấn tượng rất mạnh đối với người xem.
Đây là lần đầu tiên có một triển lãm chuyên về chất liệu báo cũ quy tụ được nhiều gương mặt họa sĩ đương đại. Từ những tên tuổi như họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Đỗ Hoàng Tường, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương, Đặng Tiến, Lý Trực Dũng, Phạm An Hải, Vi Kiến Thành, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Phương... đến những cái tên trẻ hơn Doãn Hoàng Lâm, Phạm Hà Hải, Trương Tiến Trà, Phạm Trần Quân...
Tại triển lãm này, họa sĩ Hồng Phương chia sẻ: “Thời bao cấp, bố tôi (họa sĩ Nguyễn Bích) thường tận dụng báo cũ nhuộm nước trà cho ngả màu để vẽ. Khi được đặt hàng ý tưởng này, tôi rất thích vì nó giúp tôi được sống lại với kỷ niệm xưa. Tôi rất thích vì giấy báo có những sắc độ màu mà mình không thể tự tạo. Vẽ trên một tờ giấy trắng sẽ có cảm xúc khác. Với giấy báo, họa sĩ có thể tận dụng các mảng màu rất sâu mà trên giấy thường không thể có được”.
Gần đây, thỉnh thoảng cũng có một số họa sĩ cho ra mắt tác phẩm vẽ trên báo cũ, chẳng hạn như những bức vẽ Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. Báo cũ, với các họa sĩ hôm nay, trở thành chất liệu sáng tác giúp họ thể hiện nhiều ý tưởng, đặc biệt là sự kết nối với đời sống, khơi gợi ký ức...
Xu hướng nghệ thuật tái chế
Việc sử dụng báo cũ làm chất liệu cho các tác phẩm mỹ thuật đương đại nằm trong xu hướng nghệ thuật tái chế mà nhiều nghệ sĩ đang theo đuổi. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa từng bày tỏ: “Thay vì đọc một tờ báo xong và bỏ đi, nhờ tác phẩm hội họa, chúng tôi tận dụng và giữ lại gần như trọn vẹn trang báo cho nhiều năm sau. Nó sẽ như một trang nhật ký hằng ngày mà mình giữ lại bằng một tác phẩm nghệ thuật”. Bản thân chất liệu cũng gửi đến người xem thông điệp về sự chuyển hóa, về bảo vệ môi trường...
Xu hướng nghệ thuật tái chế được manh nha tại Việt Nam cách đây khoảng một thập niên và rất phát triển trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều triển lãm sử dụng vật liệu tái chế. Dù nhiều triển lãm trong số đó chưa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại được người xem trân trọng bởi thông điệp về môi trường, lối sống xanh mà nhân loại đang theo đuổi.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, tái chế là một phong cách sống hiện đại và thông qua nghệ thuật, thông điệp sống xanh được lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cũng khẳng định: Nghệ thuật tái chế là một trong những biểu hiện của nghệ thuật mới. Khi cả thế giới đang kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường thì sự ra đời của các sản phẩm nghệ thuật tái chế, biến những thứ tưởng như bỏ đi trở nên hữu dụng là một sự tìm tòi mới.
Để đi tới đỉnh cao nghệ thuật thì cần sự dụng công, tài năng của nghệ sĩ, song xu hướng sử dụng chất liệu cũng góp một tiếng nói quan trọng thể hiện quan điểm của thời đại. Đúng như kiến trúc sư Trần Huy Ánh từng chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: Sáng tạo để biến rác thành nghệ thuật, qua đó làm thay đổi nhận thức, triết lý sống. Nghệ thuật sáng tạo ấy có tính thức tỉnh sâu sắc hơn rất nhiều so với nhiều biện pháp khác.