Di sản văn hoá Việt Nam:"Phong phú đa dạng và đầy bản sắc"

Văn hóa - Ngày đăng : 14:47, 25/11/2005

Tổ chức Ngày hội Di sản Văn hoá là việc làm cần thiết, nhưng sao năm nay mới được tổ chức, thưa giáo sư? - Di sản văn hoá của nước ta rất phong phú, đa dạng lắm. Chúng ta có Vịnh Hạ Long, khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Cố đô Huế, quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, và hàng ngàn di tích khác.

* Tổ chức Ngày hội Di sản Văn hoá là việc làm cần thiết, nhưng sao năm nay mới được tổ chức, thưa giáo sư?

- Di sản văn hoá của nước ta rất phong phú, đa dạng lắm. Chúng ta có Vịnh Hạ Long, khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Cố đô Huế, quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, và hàng ngàn di tích khác.

Những giá trị văn hoá ấy nằm trên khắp các vùng, miền cả nước mà không phải người dân Việt Nam nào cũng có điều kiện được biết đến hết. Vì vậy, Ngày hội Di sản được tổ chức để nhằm cho người dân một cách nhìn tổng quát và có những hiểu biết chính xác về nguồn văn hoá đa dạng của cha ông. Việc tổ chức một ngày hội như thế này là mong mỏi và dự định từ lâu mà những nhà quản lý, nhưng muốn tổ chức được thì cần phải có những sự chuẩn bị và điều kiện cần thiết. Thời điểm này, khi chúng ta đã có nhiều di sản vật thể và phi vật thể được không chỉ trong nước mà thế giới công nhận cũng như các điều kiện khác, đó chính là lúc một Ngay hội Di sản (23/11) ra đời.

* Hiện nay chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phục dựng những di tích lịch sử văn hoá, giáo sư đánh giá thế nào về việc bảo tồn di sản hiện nay? Công tác đó còn gặp những khó khăn gì?

- Vấn đề bảo tồn những di sản làm sao, như thế nào không phải bây giờ chúng ta mới làm mà ngay từ xa xưa ông cha ta đã rất coi trọng việc này. Tuy vậy đúng là hiện chúng ta gặp khá nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phục dựng di sản, đặc biệt là những di sản cần phải phục dựng nguyên dạng. Thực tế là có nhiều địa phương rất nhiệt tình trong việc bảo tồn di sản nhưng lại không có đủ tri thức nên vô hình chung đã phá vỡ di sản đó. Tôi cho rằng việc cần thiết nhất cho công cuộc bảo tồn là bên cạnh việc vào cuộc của các nhà khoa học, sự đầu tư của Nhà nước thì cũng cần phải có sự đồng lòng, dốc sức của cả người dân nữa.

* Cụ thể với Hà Nội, GS đánh giá thế nào về công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị di sản văn hoá?

-TP, Chính quyền Hà Nội rất quan tâm đầu tư đến việc phục dựng, bảo tồn các di sản văn hoá. Và thật sự Hà Nội là niềm tự hào của cả nước vì có có đến 500 di tích là di sản quốc gia. Với một bề dày lịch sử văn hiến như vậy hiếm có địa phương nào lại có nhiều di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng như Thủ đô, Hà Nội. Công tác bảo tồn những di sản văn hoá của Hà Nội được làm rất tốt không chỉ thời gian gần đây mà cả một quá trình dài, để giữ được những Chùa Một Cột, thành Cổ Loa, Tháp Rùa...

* Nhiều người dân, đặc biệt là nhân dân Hà Nội luôn trăn trở rằng, Hà Nội là thủ đô đất nước có rất nhiều di sản văn hoá nhưng vẫn chỉ mang tầm quốc gia chưa vươn được thành di sản văn hoá thế giới. Tại sao vậy, thưa GS?

- UNESCO có những tiêu chí nhất định để đánh giá một di sản mang tầm thế giới, trong đó là phải mang tính toàn cầu, nổi bật. Có nghĩa là di sản đó phải là độc đáo mà các nước khác không có. Ngoài tiêu chí đó ra cũng cần phải có những văn bản pháp quy, chế độ chính sách khoanh vùng bảo vệ rõ ràng. Hà Nội hiện nay đang cố gắng để thực hiện những điều đó. Xét về tiềm năng thì có những di tích ở Hà Nội đã đủ tiêu chí mang tính toàn cầu nhưng lại vẫn đang mắc phải vấn đề là phải có chính sách khoanh vùng bảo vệ rõ ràng. Tôi cho rằng, khi việc khoanh vùng và những chiến lược bảo vệ, tôn tạo được làm tốt và cụ thể thì việc được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới chỉ là một sớm, một chiều. Việc Ditích Hoàng Thành và khu phố cổ đang được UBND TP Hà Nội hoàn tất hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới chính là một ví dụ sinh động về vấn đề này. Không chỉ chúng ta luôn đánh giá cao di tích Hoàng Thành và khu phố cổ Hà Nộ và bạn bè quố tế, giới sử học thế giới cũng coi đây là một sự kiện lớn, một di sản đặc biệt. Điều còn lại là chờ xem thái độ của tổ chức văn hoá thế giới và trong lúc chờ Hà Nội cần phải tiến hành nhiều chính sách bảo tồn cụ thể hơn nữa, đặc biệt là tập hợp được quần chúng nhân dân cùng tham gia vào công việc bảo tồn, phục dựng này.

HNMTC

ANHTHU