Để Hà Nội ''đẹp từng centimet''
Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 01/09/2022
Khó nhưng không phải là không thể
Giống với nhiều thành phố lớn, Hà Nội là nơi đất chật người đông, việc tạo dựng không gian công cộng, nơi vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa cho mọi người là tương đối khó khăn, cần tính toán kỹ lưỡng. Thế nhưng, trong thời gian qua, dù còn nhiều trở ngại, song không thiếu những không gian công cộng hữu ích đã được hình thành. Thậm chí, nhiều địa chỉ được hình thành ngay từ những bãi đất bị chiếm dụng, khu tập kết phế thải tự phát hay một nhà máy bị di dời...
Có thể kể đến câu chuyện cải tạo bãi rác bờ vở sông Hồng, khu vực phường Chương Dương và phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là một ví dụ. Từ một nơi ô nhiễm nặng nề với hàng trăm tấn rác thải, nước thải xả trực tiếp ra môi trường, khu vực này đã được nhóm cộng đồng mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cùng người dân địa phương chung tay dọn dẹp, cải tạo, biến thành không gian công cộng đa chức năng với vườn rừng, sân chơi, đường kết nối cộng đồng...
Ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cho biết: “Chỉ sau hai tháng triển khai, không gian công cộng đa chức năng đã được hình thành. Hàng trăm cây giống được nhân cấy; đồ chơi tự chế với những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường được tạo dựng, trở thành điểm vui chơi lành mạnh, niềm tự hào của người dân trong khu vực”.
Tương tự, dự án cải tạo bờ vở sông Hồng, ý tưởng cải tạo cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, biến không gian đi bộ thuần túy, đơn điệu trở nên vui tươi, sinh động và nghệ thuật hơn trong mắt mọi người, được nhóm nghệ sĩ “Cùng dính” triển khai, cũng nhận được sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), với chủ đề “nước”, cây cầu sẽ giống một đường hầm thủy cung, nơi hiện diện của nhiều loài cá đại dương, được tạo hình từ các vật liệu tái chế, có khả năng hấp thu ánh sáng vào ban đêm. Cây cầu sẽ giống như một gạch nối nghệ thuật giữa không gian phố cổ và không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, tạo thành tour nghệ thuật hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Những ý tưởng, việc làm thời gian qua cho thấy, trong cộng đồng không thiếu những sáng kiến, giải pháp huy động sự chung tay vì một Hà Nội đẹp hơn, văn minh hơn. Đây cũng là khởi nguồn của đề bài thiết kế công cộng “Ha Noi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet”, do Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vietnam Design Group phát động.
Theo Chủ tịch VietNam Design Group Lê Việt Hà, cuộc thi mong muốn tạo nên một chiến dịch làm đẹp cho thành phố, từ những ý tưởng chỉnh trang, cải tạo một không gian rộng lớn, những góc phố, đoạn vỉa hè, hay những việc nhỏ hơn như thiết kế ghế đá trong công viên, thùng rác công cộng, nhà chờ xe buýt…, để Hà Nội thực sự trở thành một nơi chốn "có gu", đẹp chỉn chu từng centimet…
Để làm được điều này, Giám đốc Nghệ thuật Không gian sáng tạo Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn nêu, các giải pháp cần bám sát xu hướng “giảm cứng hóa, tăng xanh”, từ việc chú trọng vật liệu tái chế đến các ý tưởng cải tạo không gian bị bỏ hoang, không gian bị ô nhiễm, hoặc nâng cấp không gian công cộng, thiết chế văn hóa sẵn có nhưng hoạt động không hiệu quả, trở thành nơi chốn mang đến sự thư thái cho mọi người, nơi lưu dấu, vinh danh di sản đô thị.
Là nơi đã và đang triển khai thành công nhiều dự án cải tạo không gian công cộng thời gian qua, như: Phố bích họa Phùng Hưng; không gian 131 vòm cầu dẫn cầu Long Biên, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Trung tâm Nghệ thuật phố cổ 22 Hàng Buồm…, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và giới chuyên môn, không thể thiếu sự chung tay của người dân địa phương trong công cuộc thiết kế không gian công cộng, bởi đây chính là chủ thể của từng không gian. Chính vì vậy, các giải pháp thiết kế cần chú trọng tới yếu tố này, làm sao huy động được sự tham gia chủ động, hiệu quả của cư dân trong khu vực, góp phần hình thành, bảo vệ công trình trong suốt quá trình hình thành, sử dụng.