Tết Trung thu 2022 - Khơi niềm yêu di sản

Văn hóa - Ngày đăng : 06:22, 10/09/2022

(HNM) - Tết Trung thu - ngày hội của thiếu nhi lại về, mang đến không khí tươi vui, rộn ràng, náo nức khắp phố phường Hà Nội. Cùng với các hoạt động quan tâm, chăm sóc trẻ nhỏ, lễ hội trông trăng còn là dịp để nhiều tổ chức, cá nhân chú trọng lưu giữ truyền thống, trao gửi yêu thương thông qua các hoạt động khơi niềm yêu di sản độc đáo và hấp dẫn. Tất cả nhằm tạo nên một mùa lễ hội bổ ích, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

Các em thiếu nhi trải nghiệm làm đèn ông sao tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm).

Tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp

Sau hai mùa trung thu phải hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tết Trung thu năm nay trở lại với bầu không khí tưng bừng, náo nức. Khắp phố phường Hà Nội, đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động hướng về ngày hội trăng rằm, như: Tổ chức mâm cỗ trông trăng, thi múa lân sư rồng, tặng quà thiếu nhi… Tại nhiều bảo tàng, di tích, điểm đến di sản… cũng mở ra những chương trình, sự kiện đặc sắc, giàu tính sáng tạo. Điểm chung của các “sân chơi” chính là việc chú trọng giáo dục di sản, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Là một trong những nơi khởi động sớm nhất trên địa bàn Thủ đô, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long mang đến cho công chúng, đặc biệt là các bạn nhỏ, không gian trưng bày đèn trung thu lung linh, trong đó có những mẫu đèn từ đầu thế kỷ XX, đã được các nhà nghiên cứu phục dựng theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử. Đến với khu di sản dịp này, các bạn trẻ còn được trải nghiệm không gian check-in “xuyên không” bằng công nghệ; lưu giữ kỷ niệm với người thân, bạn bè bằng việc thử mặc cổ phục hay học làm bánh trung thu, các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ, diều giấy, mặt nạ giấy bồi; thưởng thức múa lân sư rồng vào các khung giờ cố định. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, vui Tết Trung thu là hoạt động thường niên, nhằm phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của khu di sản, đồng thời tạo thêm cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nói chung, Tết Trung thu nói riêng cho du khách và trẻ nhỏ.

Một điểm đến để trải nghiệm không khí trung thu giàu truyền thống khác, là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với chủ đề “Sức sống đồ chơi dân gian”. Tại đây, khách tham quan được tìm hiểu về ý nghĩa ngày Tết đoàn viên, các phong tục đẹp của dân tộc cũng như cách làm các món đồ chơi truyền thống chỉ xuất hiện trong dịp lễ đặc biệt này. Thông tin từ Bảo tàng Dân tộc học, chỉ trong hai ngày cuối tuần, nơi đây đã đón hơn 8 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Lưu giữ truyền thống, trao gửi yêu thương

Trong những ngày này, tại nhiều điểm đến di sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là khu phố cổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nổi bật là hoạt động tái hiện Tết Trung thu xưa của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội được “rải” đều khắp các điểm di tích, không gian giao lưu văn hóa.

Tại Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu trưng bày, giới thiệu mâm cỗ trung thu truyền thống và đèn trung thu cua, cá cổ truyền phục dựng; giới thiệu bộ ảnh trung thu phố cổ đầu thế kỷ XX, giúp người xem hình dung, cảm nhận rõ hơn về không khí ngày vui hội trăng rằm của người Hà Nội. Cách đó không xa là di tích đình Kim Ngân và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội với không gian sắp đặt không khí đón Tết Trung thu truyền thống; giới thiệu và hướng dẫn cách làm ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi… của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội, như lời gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.

Đặc biệt, tại không gian bích họa Phùng Hưng hay không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm Tết Trung thu, như: Tái hiện không gian chợ Tết Trung thu; tổ chức các trò chơi dân gian độc đáo và bổ ích. Em Đặng Minh Anh (lớp 4D, Trường Tiểu học Hồng Hà) chia sẻ: “Được nhà trường tổ chức cho đi tham gia các hoạt động đón Tết Trung thu tại phố cổ, em rất thích được học làm đèn ông sao, con giống bột, tìm hiểu về ông tiến sĩ giấy hay vì sao trong những ngày này trẻ em thường rước đèn, đánh trống…”.

Có nhiều năm tham gia tư vấn, hỗ trợ các đơn vị tổ chức chương trình tìm hiểu về truyền thống thông qua các hoạt động đón Tết Trung thu, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, Tết Trung thu không chỉ là dịp để thể hiện tình yêu, sự quan tâm của gia đình, xã hội dành cho trẻ nhỏ, mà còn là cơ hội để các em tiếp cận, tìm hiểu văn hóa truyền thống, qua đó bồi đắp tình yêu di sản, niềm tự tôn dân tộc, điều rất cần thiết cho các mầm non tương lai của đất nước. Điều này cần tiếp tục được cổ vũ, khích lệ nhiều hơn để có thêm cách làm sáng tạo và hấp dẫn.

Nguyễn Thanh