Sớm đáp ứng tiêu chí về xử lý nước thải theo đề án xây dựng Hoài Đức thành quận vào năm 2025
Đời sống - Ngày đăng : 14:23, 26/08/2022
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, hiện nay trên địa bàn huyện mới đầu tư hệ thống thu gom nước thải tại một số khu đô thị; 9 cụm công nghiệp và một số tuyến đường hạ tầng khung đang được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, hệ thống nước thải riêng theo quy hoạch. Các khu vực còn lại chưa được đầu tư hệ thống thu gom riêng nên nước thải khu dân cư vẫn thoát chung với hệ thống thoát nước mưa.
Về trạm xử lý nước thải đô thị, các khu đô thị mới được xây dựng đều có quy hoạch trạm xử lý riêng trước khi xả ra môi trường và của 3 xã (Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế) được xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà; còn lại 17 xã, thị trấn trên địa bàn chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh. Nước thải chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại nên chưa đạt hiệu quả xử lý, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.
Về tình hình triển khai các dự án thoát nước, huyện có 3 dự án. Đến nay, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã bàn giao mặt bằng và xây dựng xong; còn 2 dự án cải tạo Trạm bơm Đào Nguyên và dự án Trạm bơm Yên Thái chưa được thực hiện.
Về dự án xử lý nước thải, huyện đang triển khai 3 dự án: Nhà máy Xử lý nước thải Vân Canh; Nhà máy Xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng; Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà. Nhưng đến nay, mới có Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị làm rõ thêm về việc trên địa bàn huyện còn tồn tại các điểm ngập sâu cục bộ khi xảy ra mưa với lưu lượng lớn, đến nay vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt tại các khu đô thị: HUD Vân Canh, Bắc Quốc lộ 32, hai bên đường Lê Trọng Tấn; các hầm chui dân sinh trên tuyến Đại lộ Thăng Long, tuyến đường quốc lộ 32 đoạn qua khu dân cư Lai Xá, xã Kim Chung và xã Đức Thượng.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, thực hiện các chỉ đạo của thành phố, huyện Hoài Đức đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
Tính đến nay, các khu đô thị mới xây dựng đều được quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý riêng nước thải trước khi xả ra môi trường (Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Bắc 32, Nam 32, Kim Chung - Di Trạch, Hud Vân Canh, Đại học Vân Canh...). 9/10 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và hệ thống nước thải riêng theo quy hoạch. 4/10 cụm công nghiệp được quyết định đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (Trường An, Lai Xá, La Phù, Lại Yên), trong đó, Cụm công nghiệp La Phù đã hoàn thành; Cụm công nghiệp Dương Liễu được thu gom xử lý nước thải cùng với trạm xử lý nước thải 3 làng nghề…
Dù vậy, Trưởng đoàn giám sát số 1 của HĐND thành phố cũng cho rằng, hệ thống xử lý nước thải các khu vực dân cư tại một số xã vẫn ngược với địa hình và hướng tiêu thoát hiện trạng, gây khó khăn cho công tác thu gom, đầu tư hệ thống tiêu, chi phí đầu tư, vận hành. Một số khu đô thị, tuyến đường, tuyến thoát nước được quy hoạch cao độ đáy cống quá thấp so với hệ thống kênh tiêu, một số tuyến tiêu thoát nước ngược lại. Trên địa bàn huyện còn 2 dự án cải tạo Trạm bơm Đào Nguyên, Trạm bơm Yên Thái chưa được đầu tư. Đặc biệt, Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (8000m3/ngày - đêm) mới đang hoàn thiện đấu nối…
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở, ngành của thành phố và huyện Hoài Đức tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn giám sát; hoàn thiện báo cáo, cập nhật những văn bản chỉ đạo mới nhất của thành phố, làm rõ những vướng mắc tại các dự án, rõ trách nhiệm của địa phương và các sở, ngành, đặc biệt là công tác phối hợp. Qua đó, làm rõ, đầy đủ bức tranh về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn huyện Hoài Đức để đề xuất đầu tư, tháo gỡ vướng mắc thực tế.
Riêng đối với UBND huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu huyện nhanh chóng rà soát lại quy hoạch thoát nước trên địa bàn; tính toán nguồn lực trong điều kiện của huyện, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, để tăng cường biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước sông ngòi, cần có biện pháp xử lý mạnh về vi phạm về môi trường. Ngoài ra, bên cạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức về lĩnh vực này, thì huyện cũng cần chú trọng hơn trong công tác tuyên truyền đến nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị huyện Hoài Đức nghiên cứu, tham mưu thành phố tiếp tục bổ sung các dự án hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn huyện, bảo đảm thu gom, xử lý triệt để nước thải tại khu dân cư, nước thải làng nghề, đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ xử lý nước thải trong Đề án xây dựng huyện Hoài Đức lên quận đến năm 2025.