Thế Hùng - lãng tử đa tài
Văn hóa - Ngày đăng : 21:03, 01/10/2022
1. Nghe danh nhà thơ - nhạc sĩ - họa sĩ - Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng đã lâu nhưng gần đây tôi mới có dịp tiếp xúc. Sau lần gặp ấy, tôi thậm chí còn muốn viết một cuốn bút ký về nhân vật độc đáo này. Trong mắt tôi, Thế Hùng là một trong số không nhiều lãng tử đích thực của Hà Nội.
Trong sự kiện ra mắt “Tuyển tập Thế Hùng 2” hồi tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng đã tặng Thế Hùng bức chân dung tuyệt đẹp. Bức ảnh “bắt” chính xác khoảnh khắc lột tả thần thái, khí chất con người nghệ sĩ phóng khoáng mà sâu lắng, tự do mà linh hoạt ứng biến. NSNA Trần Hồng kể với tôi rằng, ông chơi với Thế Hùng đã lâu và trọng con người này về sự đa tài và nhân cách, cho dù với bất cứ ai ông cũng đối xử rất tử tế, cả với những người ít tuổi hơn, mới gặp, thậm chí cả với người từng nói không đúng về mình. Khi dấn thân vào ngành nào Thế Hùng đều học tập nghiêm túc, nghiên cứu sâu sắc và trả lại cho đời những tác phẩm, cống hiến xứng đáng. NSNA Trần Hồng cũng nhận định Thế Hùng là người có đầu óc kinh tế nhạy bén, biết tạo giá trị cho tác phẩm nghệ thuật và sống phong lưu từ những sáng tạo nghệ thuật, từ việc kinh doanh sản phẩm trí tuệ, giáo dục đào tạo của mình.
Tôi cũng có dịp trò chuyện với dịch giả Văn Minh Thiều, người dù không thân thiết lắm với Thế Hùng nhưng lại rất hiểu ông qua tác phẩm. Hôm ấy, dịch giả Văn Minh Thiều đọc vanh vách và phân tích tỉ mỉ những áng thơ để đời của Thế Hùng cho tôi nghe. Văn Minh Thiều nhận định, Thế Hùng là một người đa tài hiếm hoi, ngay cả những điều tưởng là biến cố nhưng khi xảy đến với Thế Hùng, chúng đều tạo nên cảm xúc mạnh để ông sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật lay động trái tim biết bao người. Đơn cử như bài “Nhặt tiếng đàn rơi” trong tập "Mưa lá", bài thơ mà Văn Minh Thiều thích nhất với những câu thơ khắc khoải như: “Đêm/ Đường Tăng Bạt Hổ/ Người lính trở về dưới vòm cửa sổ/ Nhặt tiếng đàn rơi.../ Khoảng sáng tầng hai/ Người bạn gái ấy đâu rồi? Tuổi học trò đâu rồi? Tiếng đàn năm xưa đâu rồi?/... Đêm/ Đường Tăng Bạt Hổ/ Người lính trở về với cây nạng gỗ/ Bồi hồi/ Nhặt/ Tiếng/ Đàn/ Rơi”. Sự xúc động của dịch giả Văn Minh Thiều tác động mạnh tới tôi, đến nỗi tôi tự nhủ sẽ tìm gặp Thế Hùng lần nữa để hỏi ông thật kỹ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Nhặt tiếng đàn rơi”.
Và rồi một chiều thu 2022, tôi đã có dịp gặp Thế Hùng bên hồ Trúc Bạch. Nhắc về nguồn cảm hứng khiến ông viết bài thơ, Thế Hùng bồi hồi nhớ lại. Hồi đó ông mới hai mươi tuổi, yêu một thiếu nữ xinh đẹp, con nhà giàu ở phố Cửa Nam (Hà Nội). Cô ấy chơi đàn piano tuyệt hay, những bản nhạc cổ điển vang lên dưới những ngón tay mềm thiếu nữ lướt trên phím đàn. Vẻ yêu kiều, tài năng và tâm hồn người đẹp khiến Thế Hùng như bị thôi miên. Thế nhưng, đáp lời kêu gọi của non sông, Thế Hùng nhập ngũ, từ giã người tình nhỏ bé để đi vào chiến trận.
Hiểu rằng chiến tranh tàn khốc, ra đi không biết ngày trở về nên ông viết thư dặn người yêu: “Em hãy đi lấy chồng! Đừng chờ anh. Nếu anh còn sống trở về mà em đã có chồng con, anh hứa vẫn đến thăm em”. Một thời gian sau, cô gái đi lấy chồng, có con, chuyển về sống ở phố Tăng Bạt Hổ. Thế Hùng bị thương trong một trận đánh rồi chống nạng gỗ trở về. Đêm đêm ông âm thầm đứng bên dưới cửa sổ nhà người yêu, da diết mong chờ được nghe tiếng đàn của người yêu dấu, dù chỉ một lần nữa thôi... Nỗi buồn da diết, tiếc nuối vô bờ ấy đã “tượng hình” bài thơ “Nhặt tiếng đàn rơi”. Đó là biểu tượng tình cảm, là nỗi đau chia cắt mà chiến tranh đã tạo ra cho bao lứa đôi thời ấy. Sau này Thế Hùng tự phổ bài thơ đó thành ca khúc cùng tên, và người bạn thân của ông - Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ đã nói hộ lòng ông khi biểu diễn rất thành công ca khúc trên sóng VTV năm 1993.
2. Đã có nhiều bài báo đề cập đến những cống hiến nghệ thuật của Thế Hùng. Nhưng một điều độc đáo ở Thế Hùng khiến nhiều người tò mò, đó là đầu óc bén nhạy của một nhà kinh doanh, biết biến những tác phẩm văn học nghệ thuật và năng lực của mình thành tiền. Thế Hùng chia sẻ, cụ thân sinh ra ông là một giáo sư ngành tài chính - nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng đầu tiên của Học viện Tài chính. Từ khi Thế Hùng còn nhỏ đã thường nghe cha dặn: “Không được phép nghèo!”. Cụ đưa ra “kim chỉ nam” cho con rằng: “Con hãy làm tất cả mọi việc để đạt đến sự giàu có, miễn là những việc lương thiện, tử tế”. Và trong suốt cuộc đời mình, Thế Hùng “nằm lòng” điều bố dặn dò. Ông đã nỗ lực để đạt được sự giàu có cả về vật chất và tinh thần. Điều khiến ông hạnh phúc là trong quá trình phấn đấu ấy, ông còn giúp được biết bao học trò, bạn bè, người thân phát triển, thay đổi để có một cuộc sống tốt hơn.
Thế Hùng đã viết hàng chục cuốn sách kỹ năng, nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Số bản sách các loại mà Thế Hùng viết và đã in lên tới 25.000 cuốn để phục vụ cho 1.500 cuộc thuyết trình trên cả nước. Có thể nhận định ông là một bestseller về sách kỹ năng. Ông kể, các buổi ông đi thuyết trình, giảng dạy kỹ năng sống, khoảng 15 phút giải lao học viên tranh nhau mua sách và thầy ký mỏi tay. Thế Hùng đã tạo ra một vòng tròn khép kín từ việc viết sách, giảng dạy, nói chuyện xung quanh nội dung sách và bán sách.
3. Trong phong cách cư xử, Thế Hùng thực sự là một lãng tử. Ông lịch lãm, chu đáo với bạn bè thân hữu. Với đồng nghiệp, ông cũng không giấu giếm cách thức làm kinh tế. Ông thẳng thắn bộc lộ về số tiền mà mình kiếm được, về cách kiếm tiền. Chơi với ai ông cũng nghĩ cách giúp họ kiếm tiền, và tất nhiên, cũng có thể từ mối quan hệ ấy mà ông tạo ra việc làm nhằm phát triển kinh tế cho chính mình.
Một nguyên tắc cư xử của Thế Hùng là không bao giờ nói xấu sau lưng người khác. Ông luôn tìm ra những ưu điểm của bạn hữu, người quen để ca ngợi; hào phóng giúp đỡ bạn hữu, học trò, đàn em nhưng với cách “cho cần câu chứ không cho con cá”. Thế Hùng để lại nhiều giai thoại trong làng văn nghệ sĩ và giới giảng dạy, đào tạo. Và bởi sự tài hoa, khí chất và sự tinh tế ấy mà ông luôn được coi là một lãng tử đa tài, lôi cuốn bao người, bất kể tuổi tác.
Từng là phóng viên Báo Văn nghệ, Thế Hùng đã có hàng ngàn bức ảnh tư liệu, hàng trăm bài phê bình âm nhạc, hội họa và nhiếp ảnh. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã xuất bản 6 tập thơ. Là nhạc sĩ, ông đã sáng tác 150 ca khúc, in 2 tập nhạc. Là họa sĩ, ông đã vẽ khoảng 500 bức tranh và bán “rất được”. Là Tiến sĩ mĩ học kiêm diễn giả, ông tham gia giảng dạy tại 10 trường đại học, học viện tại Hà Nội, thuyết trình 12 chuyên đề với 1.500 buổi đào tạo, xuất bản 22 cuốn sách, 8 DVD bài giảng về Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa học, Kỹ năng sống...