Bỏ nhà đi bụi - cảnh báo!

Chính trị - Ngày đăng : 08:48, 17/11/2005

Sinh nhật một đứa trong nhóm: đi bụi; chung một độ cà phê: đi bụi; cá độ một trận đấu bóng đá: đi bụi; cổ vũ cho một CLB bóng đá tận bên Anh, I-ta-li-a, Đức, Tây Ban Nha, cũng xuống đường đi bụi... Đi bụi đã trở thành một thứ “giải trí” được nhiều thanh, thiếu niên gọi là “sành điệu”. Đương nhiên, cái gọi là “sành điệu” ấy có rất nhiều chuyện đáng lo ngại cần phải bàn.

Sinh nhật một đứa trong nhóm: đi bụi; chung một độ cà phê: đi bụi; cá độ một trận đấu bóng đá: đi bụi; cổ vũ cho một CLB bóng đá tận bên Anh, I-ta-li-a, Đức, Tây Ban Nha, cũng xuống đường đi bụi... Đi bụi đã trở thành một thứ “giải trí” được nhiều thanh, thiếu niên gọi là “sành điệu”. Đương nhiên, cái gọi là “sành điệu” ấy có rất nhiều chuyện đáng lo ngại cần phải bàn.

Thời gian gần đây, việc nhiều thanh, thiếu niên bỏ nhà đi bụi đã làm đau đầu khá nhiều bậc cha mẹ. Phần lớn các em lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, dùng thuốc lắc... Và vài ngày sau, khi đã mệt mỏi và rỗng túi, các em lại quay về gia đình nhưng chỉ ít thời gian saulại tìm cớ để tiếp tục bỏ nhà “đi đâu đó “ vài hôm. Lý do mà các em đưa ra để biện bạch cho việc làm của mình thật muôn màu, muôn vẻ: buồn vì chuyện gia đình, thấy cô đơn, thích làm người “sành điệu”, thích chứng tỏ mình là người đã lớn...

Tuổi mới lớn có nhiều chuyển biến phức tạp về tâm lý, rất cần sự quan tâm chỉ bảo của người thân thì việc cả tuần lễ cả nhà không có lấy một buổi sum họp đầy đủ, thậm chí không có nổi một bữa cơm chung, mỗi người một việc, không ai có thì giờ hỏi han, quan tâm về chuyện học hành, về những khúc mắc của con cái sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý cảm thấy mình đơn độc và không cần cho ai ở các em. Chuyện của gia đình P.A là một ví dụ. Cha của P.A - ông B.- làm việc cho một Cty liên doanh, thường xuyên phải đi công tác xa. Ngoài giờ làm việc, ông còn theo học hệ tại chức ở trường đại học. Cũng giống như chồng, công việc ở cơ quan khiến bà H. không còn thời gian dành cho gia đình. P.A vốn là người trầm tính, ít nói và suốt từ cấp I đến cấp III luôn là học sinh giỏi, được các bạn trong lớp quý mến. Cả nhà ai nấy đều bận rộn với công việc nên ít khi có thời gian nói chuyện với nhau. Thậm chí cả tuần lễ không có chung một bữa cơm. Những lúc ấy, P.A một mình ăn, tự học rồi lặng lẽ đi ngủ một mình. Cuộc sống của gia đình P.A cứ bình yên như vậy trôi qua nếu như không có một ngày P.A bị điểm kém. Mẹ P.A không hỏi nguyên nhân mà lớn tiếng trách mắng con. Nghĩ rằng bố mẹ không còn yêu thương mình, lại cảm thấy cô đơn, buồn chán, P.A quyết định rủ hai bạn trai cùng lớp đón xe xuống Hải Phòng, đi bụi... cho biết. P.A cho biết: “ Em luôn có cảm giác mình bị bỏ rơi, không ai quan tâm đến. Em chỉ muốn bỏ đi vài ba hôm xem ba mẹ có còn thương mình nữa không...”.

Bên cạnh kiểu đi bụi để giải sầu, để “phá đời” ở những em có điều kiện gia đình khá giả nhưng thiếu sự quan tâm của cha mẹ thì có nhiều trường hợp bỏ nhà, bỏ họcđi lang thang kiếm sống vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, éo le. S. quê ở Thạch Thất, Hà Tây đã bỏ nhà đi cũng bởi hoàn cảnh, cha mất sớm, mẹ ốm triền miên. Gánh hàng rong vốn là nguồn sống duy nhất của gia đình rồi cũng không kham nổi, bốn mẹ con S. đành sống nhờ vào lương của bố dượng. Ông thường nhậu say rồi kiếm cớ đánh vợ và chửi S. là “của nợ trong nhà”, là kẻ ăn bám...Thương mẹ, hận bố dượng, S. bỏ học, không về nhà nữa rồi lên Hà Nội tìm việc kiếm sống. Mới đầu thì ngủ công viên, xin rửa chén bát ở mấy quán phở để có cái ăn. Sau S. quyếtđịnh gia nhập đội quân bán vé số rong.

Khác với đám trẻ đi bụi vì chuyện gia đình, nhóm của L. gồm 8 người ở trường THPT L.Q.Đ lại đi bụi với lý do thích làm dân “ sành điệu” và thích chứng tỏ mình đã là người lớn. Gặp tôi, L. cho biết: “ Tụi em đi riết... đâm ra ghiền luôn, hễ một tuần mà không được đi chơi over night với hội bạn là em cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó...”. Qua tìm hiểu, tôi được biết những nơi mà nhóm của L. thường đếnqua đêm là những quán bar, karaokê, vũ trường ... Với một môi trường đầy cạm bẫy và tệ nạn xã hội luôn rình rập như thế, ở cái tuổi thích tìm tòi và dễ bị kích động, liệu các em có vượt qua những phút yếu lòng ?

Thực tế cho thấy, các em bỏ nhà đi bụi đều có chung tâm lý muốn mọi người chú ý đến mình, muốn cho mọi người thấy rằng mình đã lớn có thể tự làm được mọi thứ và muốn “sành điệu” hơn bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, ở vào lứa tuổi “nửa trẻ con, nửa người lớn” ấy, các em chưa đủ kinh nghiệm sống để hiểu rằng có bao nhiêu cái bẫy vô hình trước mặt nên đã không ít trường hợp sa vào nghiện ngập, trượt dài theo con đường tội lỗi, trở thành phần tử “bất hảo” của xã hội.

Ởvào lứa tuổi chuyển biến khá phức tạp về tâm lý và nhạy cảm nhất trong quá trình hình thành nhân cách, nếu không được người lớn quan tâm và ngăn chặn kịp thời thì các em sẽ tự đánh mất lúc nào không hay. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần phải gióng hồi chuông cảnh báo và ngăn chặn kịp thời việc nhiều thanh, thiếu niên bỏ nhà đi bụi.

HNM

ANHTHU