Tương lai của văn học trinh thám Việt: Cơ hội cho truyện trinh thám Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 02/10/2022
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều:
Có thể tổ chức một cuộc thi về tiểu thuyết trinh thám
Người Việt Nam hầu hết đều thích những câu chuyện trinh thám. Khi còn nhỏ, tôi thường ngóng buổi tối thứ bảy để nghe những câu chuyện cảnh giác, nó có gì đó như trong truyện trinh thám, ở đó luôn chứa đựng những bí ẩn của đời sống. Mà con người ta sinh ra ai cũng có bản năng tò mò, bị cuốn hút bởi những gì bí ẩn xung quanh mình. Đó chính là lợi thế của văn học trinh thám.
Ở Việt Nam hiện nay, số lượng sách trinh thám của tác giả Việt Nam quá ít ỏi. Tôi nghĩ, thể loại văn học nào cũng đều quan trọng. Vậy tại sao văn học Việt Nam lại ít có tác phẩm trinh thám đến vậy?
Văn học Việt Nam thiếu hai điều rất quan trọng mà văn học thế giới đang làm rất thành công, đó là tính giễu nhại, hài hước và văn học trinh thám. Tôi nghĩ rằng, sẽ có một lúc nào đó Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với một số cơ quan liên quan để tổ chức một cuộc thi về văn học trinh thám. Một điều đáng mừng là các nhà văn trẻ hiện viết truyện trinh thám nhiều hơn thế hệ chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một trong những đề tài, thể loại văn học. Nó không chỉ để giải trí, mà đã đi qua ranh giới của giải trí, tiếp cận cuộc sống. Bí mật của một câu chuyện, của một vụ án chứa đựng bí ẩn của đời sống, những góc khuất bên trong con người. Từ câu chuyện trinh thám, người ta có thể lý giải, mở khóa những vấn đề khác của con người ẩn chứa trong đời sống sôi động.
Nhà văn Di Li:
Mong có “dàn đồng ca” về văn học trinh thám Việt Nam
Bất kể một thể loại văn học nào cũng cần một người kể chuyện hấp dẫn và một câu chuyện kịch tính để cuốn hút độc giả hơn. Với trinh thám, tính điển hình là cái kết bất ngờ và nghệ thuật kể chuyện với những cao trào, nút thắt.
Dòng văn học trinh thám ở Việt Nam và châu Á nói chung trước giờ không phát triển bằng trinh thám phương Tây. Lý do đơn giản, bởi trinh thám là thể loại văn học giả tưởng, trong khi trí tưởng tượng là một hạn chế của người châu Á nói chung, bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Và, nhìn chung, ngay cả trong giáo dục học đường của chúng ta cũng không khuyến khích được học trò sáng tạo. Khi học trò viết một bài văn dựa theo văn mẫu thì đương nhiên trí tưởng tượng sẽ sớm bị triệt tiêu. Khi trí tưởng tượng không được phát huy thì không chỉ trinh thám mà tất cả các thể loại giả tưởng khác như khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, huyền ảo, kinh dị... đều không có cơ hội phát triển.
Buổi tọa đàm có ý nghĩa về văn học trinh thám như một sự thừa nhận của Hội Nhà văn Việt Nam với thể loại trước giờ được coi là giải trí. Đây là cơ hội cho văn học trinh thám. Khi một xã hội càng phát triển về công nghệ, kỹ thuật thì người ta sẽ càng quan tâm đến các thể loại văn học giả tưởng. Số lượng người đọc trinh thám càng tăng thì số lượng người viết cũng sẽ tăng lên. Bởi một tác giả viết truyện trinh thám trước hết là một độc giả trinh thám. Di Li cũng vậy, trước đây là một độc giả mê truyện trinh thám, và vì quá yêu thích đọc mà trở thành một người viết trinh thám. Có câu nói rằng “buôn có bạn, bán có phường”, dãy phố nào đông khách sẽ thành “phố nghề”. Di Li mong thời gian sắp tới sẽ có "dàn đồng ca" về văn học trinh thám Việt Nam tại Việt Nam.
Giám đốc nội dung Truyền hình K+ Trịnh Thủy Liên:
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám Việt rất thành công về số lượng người xem
Dòng phim trinh thám hành động là một trong những thể loại được ưa thích nhất, đặc biệt là trên các kênh truyền hình trả tiền hay các nền tảng như Netflix, Amazon, iQIYI... Là một trong những đơn vị truyền hình trả tiền hàng đầu Việt Nam với những nội dung bản quyền về thể thao đỉnh cao và phim "bom tấn", trinh thám là dòng phim mà Ban Nội dung K+ yêu thích, lựa chọn giới thiệu với khán giả. Rất nhiều phim trinh thám phát sóng trên K+ được chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám của các tác giả nổi tiếng thế giới như Keigo Higashino, Tử Kim Trần, Harlan Coben, Agatha Christime..., hoặc phim về các nhân vật trinh thám huyền thoại trong văn học như thám tử Shelock Holmes, thanh tra Maigret...
Từ năm 2021, K+ đã ra mắt thương hiệu K+ORIGINAL đầu tư vào phim truyền hình. Một trong những thể loại mà chúng tôi có chiến lược phát triển chính là phim trinh thám. Tác phẩm được K+ mua bản quyền chuyển thể đầu tiên chính là “Trại Hoa Đỏ” của nhà văn Di Li, do đạo diễn Vitor Vũ thực hiện, phát sóng trên K+ vào tháng 7-2022. Bộ phim rất thành công, tỷ lệ người xem vào khoảng 17 - 24% (các phim khác chỉ 3 - 4%). "Trại Hoa Đỏ" trở thành bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam được các hạ tầng nội dung quốc tế mua để phát sóng khoảng 4 tháng sau khi bộ phim kết thúc trên K+. Đây là tin vui, cho thấy câu chuyện Việt Nam có thể lan tỏa trên thế giới như thế nào.
Tiếp nối thành công của “Trại Hoa Đỏ”, K+ tiếp tục mua quyền chuyển thể “Câu lạc bộ số 7”, tác phẩm trinh thám thứ 2 của nhà văn Di Li. Bộ phim đang trong quá trình làm kịch bản và sẽ ra mắt khán giả trong năm 2023. K+ cũng đang thương thảo bản quyền chuyển thể một số tác phẩm trinh thám châu Á và thế giới để tiếp tục phát triển dòng phim này.
K+ luôn chào đón các ý tưởng, kịch bản, format, sách truyện của các tác giả văn học Việt Nam để có thể hợp tác đưa các tác phẩm này lên phim, qua đó lan tỏa các câu chuyện Việt Nam một cách tốt hơn, rộng rãi hơn.
Nhà văn Đức Anh:
Văn học trinh thám đã có sẵn nguồn độc giả, chúng ta chỉ cần chinh phục mà thôi
Tại Việt Nam, lượng độc giả yêu thích văn học trinh thám khá lớn. Chẳng hạn, Hội thích truyện trinh thám trên facebook có gần 37 nghìn thành viên hoạt động liên tục, sôi nổi, trong đó có nhiều cuộc trao đổi chuyên môn đắt giá. Đây là nguồn độc giả lớn cho các đơn vị xuất bản có thể tự tin phát triển dòng văn học trinh thám, là động lực để các tác giả Việt Nam dấn bước vào “con đường chông gai” sáng tác truyện trinh thám. Nguồn độc giả đã có sẵn rồi, chúng ta chỉ cần chinh phục mà thôi.
Các bạn trẻ ngày nay có điều kiện nhiều hơn để khai thác thông tin cũng như bồi dưỡng vốn kiến thức để viết truyện trinh thám. Sự du nhập đều đặn và cập nhật các dòng sách trên thế giới đã thay đổi thị hiếu và thẩm mỹ của độc giả Việt Nam, qua đó tác động đáng kể tới các nhà văn và những người muốn viết truyện. Số lượng nhà văn viết truyện trinh thám ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với số đầu sách trinh thám được xuất bản tại Việt Nam. Các công ty truyền thông và xuất bản sách như Nhã Nam, Bách Việt, Đinh Tị và đặc biệt là Cổ Nguyệt và Phúc Minh - hai đơn vị gần như sống bằng sách trinh thám, giả tưởng - đã liên tục giới thiệu sách trinh thám của các tác giả đương thời. Các NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ hay NXB Công an Nhân dân cũng chọn trinh thám là một trong những dòng sách được quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, hiện có rất ít cuộc tọa đàm về văn học trinh thám hiện đại đề cập đến tiêu chí, kỹ thuật và giá trị xung quanh dòng văn học đã rõ sức cuốn hút này.