TiredCity: Cây cầu kết nối nghệ sĩ với cộng đồng
Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 08/10/2022
Đưa sáng tạo cá nhân vào sản phẩm ứng dụng
Năm 2016, khi Nguyễn Việt Nam, người sáng lập TiredCity, đặt chân đến Hà Nội, anh nhận thấy rằng các tác phẩm nghệ thuật khi ấy đa phần được tìm thấy trong các triển lãm, một không gian được coi là “xa cách” với đa số người dân.
Là một nghệ sĩ, khi hoàn thành một tác phẩm, Nguyễn Việt Nam hơn ai hết cũng muốn tác phẩm của mình đến được với những người yêu thích và có chung niềm đam mê nghệ thuật. Nhưng nếu không phải là các cuộc triển lãm, nơi chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ người dân, thì tìm không gian nào để bắc cây cầu đưa tác phẩm tới công chúng? Câu hỏi ấy lặp đi lặp lại trong suốt hành trình tìm kiếm của Nguyễn Việt Nam. Và cuối cùng, anh tìm được câu trả lời khi đưa các tác phẩm có bản quyền của nghệ sĩ lên sản phẩm gần gũi thường ngày.
Anh Nguyễn Việt Nam chia sẻ: “TiredCity được xây dựng với mục tiêu dung dưỡng và lan tỏa sáng tạo - một phần tự nhiên trong đời sống con người. Cho dù là ai, ở đâu, nhu cầu được sáng tạo luôn hiện hữu. Ở Việt Nam, chúng ta có nguyên liệu tuyệt vời cho hoạt động sáng tạo, nhưng môi trường sáng tạo chưa được quan tâm đầy đủ để phát huy tối đa tiềm năng vốn có. Rất ít nghệ sĩ sống được bằng sáng tạo cá nhân, còn công chúng thì cho rằng việc trải nghiệm sáng tạo thật xa vời trong cuộc sống đời thường. Đó chính là lý do khiến TiredCity ra đời”.
Từ 10 nghệ sĩ hợp tác thương mại ban đầu, đến nay TiredCity đã cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, gần 1.000 artwork và dung dưỡng một cộng đồng sáng tạo gần 100.000 người (Vietnam Local Artist Group). Sản phẩm của TiredCity đơn giản là những cuốn lịch lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh Đông Hồ truyền thống cùng với tình yêu dành cho kỹ thuật tranh sơn mài của Việt Nam; những chiếc pin hình bánh mỳ xinh xắn, bộ sticker hình ghế nhựa, áo thun, postcard, tranh in... mà trên đó là hình ảnh, thông điệp về cuộc sống đời thường của người Việt Nam. Đó là hình ảnh về những món ăn truyền thống của người Việt, quán trà đá ven đường, cột đèn với hàng dây điện giăng ngang... Tất cả đều thân thuộc, bình dị, đan xen hình ảnh Thủ đô Hà Nội hiện đại và cổ kính...
Nối những nhịp cầu
Tại TiredCity, người nghệ sĩ giữ vai trò khởi nguồn sáng tạo. Không đưa ra một “style” sáng tạo nào cụ thể, TiredCity tôn trọng ý tưởng cá nhân, quan niệm rằng chính các nghệ sĩ là người kể lại những câu chuyện mới lạ qua tác phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo độc đáo của mình.
Để các tác phẩm ấy không chỉ nằm trên giấy, trên máy tính cá nhân hay trong cộng đồng nghệ sĩ, 6 năm qua, TiredCity đóng vai trò là cầu nối lan tỏa hàng ngàn tác phẩm của hàng ngàn nghệ sĩ khắp Việt Nam tới công chúng, đưa nghệ thuật và thành quả sáng tạo của các nghệ sĩ, họa sẽ trẻ đến với cộng đồng khách hàng trong nước và quốc tế thông qua các bộ sưu tập sản phẩm in hình những sáng tác có bản quyền của cộng đồng sáng tạo Việt Nam. Trong số này, phải kể đến bộ sưu tập do TiredCity hợp tác cùng họa sĩ trẻ Nguyễn Tất Sỹ nhằm tái hiện hình ảnh đặc trưng của cuộc sống thành thị tấp nập, hối hả.
Ngoài ra, TiredCity còn tổ chức những buổi workshop và talkshow liên quan đến minh họa, nghệ thuật sáng tạo và thủ công với sự hỗ trợ và đồng hành của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế như UNESCO, Goethe Institut, UN-Habitat, Blue Dragon Children Foundation L’Espace... nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, TiredCity thành lập Vietnam Local Artists Group (VLAG) - một sân chơi hướng tới tất cả các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong mảng minh họa và thiết kế, không phân biệt trình độ, lứa tuổi hay phong cách. Sự xuất hiện của VLAG gắn với việc khởi động chương trình "Thử thách vẽ minh họa" ("Illustration Challenge") - gồm những hoạt động thú vị như "Vẽ cổ tích" hay thử tài vẽ con giáp mỗi năm...
Tính đến tháng 9-2022, TiredCity đã hợp tác và cho ra mắt tác phẩm của hơn 300 nghệ sĩ ở các dự án khác nhau. Trong đó, mới nhất là bộ tranh Vietnamese Delivery gắn với hình ảnh chiếc xe máy chở nhiều loại hàng trên đường phố Việt Nam. Tác phẩm là kết quả hợp tác của TiredCity với họa sĩ trẻ Hồ Vũ Thiên An, bước đầu được đông đảo bạn trẻ trong nước, khách du lịch đón nhận.
Lan tỏa khát khao nghệ thuật
Không chỉ thu hút giới trẻ, các triển lãm, workshop và talkshow có sự xuất hiện của những người thuộc thế hệ đi trước, những người quan tâm đến việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc. Nguyễn Thanh Huyền, thành viên TiredCity chia sẻ: “Khi TiredCity tổ chức triển lãm “Tái tưởng tượng Việt Nam”, ngay buổi đầu tiên em đã cảm thấy ấn tượng khi có đông đảo nghệ sĩ, đối tác tham dự. Không khí ấy nói lên rằng, có rất nhiều người quan tâm đến nghệ thuật, quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Qua đây, em cũng nhận ra rằng, công việc của mình, con đường mà mình đang theo đuổi là đúng đắn”.
NSƯT Chu Lượng kể rằng, trong buổi giao lưu sau chuỗi chương trình "Ngược xuôi rối nước” do Nhà hát Múa rối Thăng Long phối hợp với TiredCity tổ chức, ông thấy được sự khát khao tiếp cận nghệ thuật truyền thống của giới trẻ thông qua các câu hỏi mà họ đặt ra tại chương trình. Ban tổ chức buổi giao lưu chỉ phát hành 100 vé nhưng thực tế có rất nhiều người đăng ký. Đó là hoạt động thiết thực bởi thông qua đó, Nhà hát và ngành nghệ thuật sẽ có biện pháp thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật múa rối, về giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống nói chung, từ đó có trách nhiệm cùng bảo tồn và phát huy giá trị ngàn năm.
Chia sẻ về tương lai, Nguyễn Thanh Huyền cho biết, TiredCity hy vọng mở thêm nhiều cửa hàng trưng bày sản phẩm văn hóa độc đáo của họ quanh khu vực phố cổ; tổ chức thêm nhiều cuộc thi, triển lãm, workshop, talkshow... để tạo thêm sân chơi cho các nghệ sĩ. Đó cũng là cách để tạo môi trường nghệ thuật cởi mở, tăng cường sự giao lưu giữa các nghệ sĩ, giúp công chúng tiếp cận nghệ thuật một cách thoải mái, thúc đẩy thị trường nghệ thuật phát triển.
Những gì mà TiredCity đang làm mới là bước ban đầu, nhưng đó là những bước đi đáng ghi nhận, khiến nghệ thuật không còn chỉ dành cho một bộ phận người dân mà dần trở thành tài nguyên văn hóa của đa số công chúng.