Những hiệu sách không chỉ bán sách
Văn hóa - Ngày đăng : 08:11, 09/10/2022
Sau 3 tháng quyến luyến tạm biệt với những chương trình giảm giá sách, tặng postcard kỷ niệm cho mọi đơn hàng, Nhà sách Cá Chép Hà Nội vừa chính thức ngừng hoạt động, để lại sự tiếc nuối cho độc giả Thủ đô. Mới hơn 5 tuổi nhưng Cá Chép Hà Nội đã trở thành một phần ký ức đẹp của nhiều học sinh, sinh viên sinh sống và học tập tại Thủ đô. Bởi Cá Chép Hà Nội không đơn giản là nơi bán sách, mà còn là không gian sáng tạo, một điểm hẹn văn hóa.
Xuất hiện từ năm 2017, Cá Chép Hà Nội là tổ hợp nhà sách, cà phê và triển lãm nghệ thuật. Tại đây, nhiều chương trình ra mắt tác phẩm mới, trưng bày bộ sưu tập sách hay các buổi giao lưu tác giả - dịch giả - độc giả đã được tổ chức. Tiếc thay, sau hơn 5 năm, Nhà sách Cá Chép Hà Nội đã phải gửi lời chào tạm biệt. Không ít người bày tỏ sự tiếc nuối, mong “Nhà sách Cá Chép đóng cửa để đổi tên thành nhà sách Hóa Rồng” và tiếp tục đồng hành cùng độc giả.
Trước Cá Chép Hà Nội, độc giả Thủ đô từng hụt hẫng khi không gian sách The booksquare đóng cửa. Quãng hơn 7 năm về trước, không gian sách mới lạ của The booksquare vừa ra mắt đã ngay lập tức chinh phục độc giả. Đã quá quen với những hiệu sách truyền thống đơn thuần là nơi mua bán sách, nên sự xuất hiện của một không gian đọc được thiết kế hiện đại, thoáng đãng, nhiều màu sắc và đa chức năng thực sự là điểm nhấn cuốn hút bạn đọc.
Không gian sách ở The booksquare được chia theo lứa tuổi, mỗi khu vực đọc được bố trí khác nhau, tạo cảm hứng cho độc giả. Bạn đọc không chỉ đến The booksquare để lựa chọn sách, mà còn tham gia hoạt động giáo dục, thực hành dành cho trẻ em với các chương trình như "Giờ kể chuyện lý thú", "Câu lạc bộ đọc sách", "Thử tài họa sĩ", "Lớp học làm bánh", "Trình diễn robot", "Giáo dục STEM"... Nhiều sự kiện ra mắt sách, giao lưu tác giả - độc giả đã được tổ chức tại nơi này. Tuy nhiên, mô hình của The booksquare không tồn tại được lâu do chi phí thuê mặt bằng cao, thu không đủ bù chi.
“Nếu một trong những cửa hàng đóng cửa, tôi không mong đó là cửa hàng sách”, đó là chia sẻ của một độc giả khi phải chứng kiến những không gian văn hóa sách giăng biển chào tạm biệt. Song, thật may mắn khi Cá Chép Hà Nội hay The booksquare chỉ là hai trong số ít những điểm hẹn văn hóa sách phải ngừng hoạt động tại Hà Nội. Ngày càng có nhiều nhà xuất bản cũng như các đơn vị liên kết nhận thấy sức mạnh của không gian văn hóa sách gắn liền với tác phẩm của đơn vị mình.
Với tiêu chí “vì khách hàng là cả thế giới”, Nhã Nam sở hữu hệ thống hiệu sách ở các tỉnh, thành phố lớn. Luôn có thể bắt gặp trong các hiệu sách của Nhã Nam những góc đọc nhỏ xinh, đặc biệt là không gian đọc cho độc giả nhỏ tuổi. Ngoài ra, thương hiệu Nhã Nam books n’coffee tích hợp quán cà phê và không gian sách mang đến những góc đọc riêng, độc đáo và đẹp đẽ. Ngay cả khi đông khách, các không gian này vẫn giữ được sự yên tĩnh, bởi thế, không ít người tìm đến đây để đọc sách, thậm chí học tập và làm việc. Nhờ những không gian này, độc giả biết đến thông tin xuất bản của Nhã Nam - từ tác phẩm mới cho đến các chương trình giao lưu, ra mắt sách. Ngược lại, những chương trình hoạt động về sách của Nhã Nam tại các địa điểm Nhã Nam books n’coffee luôn thu hút đông người tham dự.
Thái Hà book, Đinh Tị, hay mới đây là Quảng Văn cũng là những đơn vị liên kết quan tâm đến sự phát triển của các hiệu sách, coi đó như một kênh kết nối với độc giả. Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Quảng Văn Books khẳng định: “Hiệu sách không chỉ là nơi bán sách, mà còn là không gian văn hóa của cộng đồng. Hiệu sách cũng là nơi giao lưu giữa những người làm sách với tác giả, dịch giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, họa sĩ, nhà đầu tư, cổ đông..., và trên hết là những người yêu sách”.
Không chỉ đơn vị làm sách tư nhân mà nhiều nhà xuất bản lớn, như Kim Đồng, cũng nghĩ cách đầu tư cho các không gian trưng bày sách với quan điểm đây không chỉ là nơi bán sách mà còn là địa chỉ khuyến đọc, giới thiệu sách mới, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu liên quan đến sách. Thực tế, rất nhiều độc giả cảm thấy hào hứng khi được “check-in” tại “đại bản doanh” của đơn vị xuất bản cuốn sách mà mình yêu thích. Những chương trình giao lưu được tổ chức tại chính đơn vị xuất bản thường thu hút nhiều độc giả đến tham dự. Mỗi một lượt bày tỏ cảm xúc thích, mỗi một lượt chia sẻ thông tin về sách của độc giả trên các trang mạng xã hội là thêm một lần tên tuổi đơn vị làm sách, tác giả - tác phẩm được biết đến nhiều hơn.