Về việc thu hồi 92,7 ha đất ở phường Phú Thượng quận Tây Hồ

Xã hội - Ngày đăng : 08:53, 11/11/2005

Trong nhiều ngày của tháng 9, 10, 11-2005, hàng trăm người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đã tụ tập trước trụ sở các cơ quan hành chính từ cấp phường đến Thành phố, để phản ánh bức xúc liên quan đến giá tiền đền bù thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương…

Vùng đất trồng đào, một phần của dự án khu đô thị Nam Thăng Long

Trong nhiều ngày của tháng 9, 10, 11-2005, hàng trăm người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đã tụ tập trước trụ sở các cơ quan hành chính từ cấp phường đến Thành phố, để phản ánh bức xúc liên quan đến giá tiền đền bù thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương…

Nỗi bức xúc của người dân

...Cùng trong một dự án không thể có hai mức giá đền bù khác nhau. Người nông dân chúng tôi bao năm nay “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, sống ổn định nhờ những diện tích đất nông nghiệp được giao, nay Thành phố thu hồi đất thực hiện dự án, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng trên cùng một thửa đất, giữa những người trong cùng đội sản xuất, cùng xóm, thậm chí trong một nhà, người “tiên phong” giao đất nhận tiền lại chịu thiệt thòi trong khi những người giao đất sau lại được nhận số tiền chênh lệch quá lớn. Dự án kéo dài không phải lỗi của người dân, chúng tôi chỉ muốn công bằng…

Ông Công Xuân Lập, ông Hồ Đắc Đoàn và nhiều người dân Phú Thượng đã bày tỏ nỗi bức xúc của mình như trên khi trao đổi với PV Báo Hànộimới. Cũng theo những người nông dân này, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) 92,7 ha của giai đoạn 2 Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long sẽ “xuôi chèo mát lái” như hơn hai chục dự án khác đã được triển khai trên địa bàn phường nếu như không có chuyện hơn 700 hộ gương mẫu nhận tiền trước chỉ được đền bù tổng cộng 127,8 triệu đồng/sào (1 sào bằng 360m2) trong khi 170 hộ nhận tiền sau lại được 182 triệu đồng/sào. Cho dù đã rất quan tâm và hiểu biết về những quy định của Nhà nước trong việc đền bù khi GPMB nhưng những người nông dân Phú Thượng vẫn bị “sốc” khi số tiền đền bù chênh lệch quá lớn, lên đến hơn54 triệu đồng một sào.

Theo tính toán của những người nông dân Phú Thượng, người bị “thiệt” nhiều nhất trong vụ vịêc này là gia đình ông Đặng Văn Hùng ở tổ 30 cụm 4. Sau khi 5.360m2 đất của gia đình phải thu hồi, số tiền ông được nhận là hơn 900 triệu đồng, còn nếu thời điểm nhận tiền lui lại chỉ sau một thời gian ngắn nữa, gia đình ông sẽ có hơn 1,6 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch, nhiều người “nằm mơ” cũng khó thấy là nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng của hộ ông Hùng. Tương tự, hộ ông Công Xuân Lập có hơn hai nghìn mét vuông bị thu hồi, số tiền đền bù “đáng nhẽ ra” phải được và số tiền đã nhận chênh nhau hàng trăm triệu đồng. Hầu hết hộ đã nhận tiền, người ít cũng thiệt vài chục đến hàng trăm triệu đồng, người nhiều thì lên đến dăm bảy trăm triệu. Cứ cách tính toán ấy, hàng trăm người nông dân Phú Thượng đã nhận tiền đền bù đợt đầu bảo nhau lên phường, quận rồi lên cả Thành phố kiến nghị.

Và giải thích của chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: Chúng tôi hiểu rất rõ nỗi bức xúc của bà con Phú Thượng nhưng khung giá đền bù đất trong GPMB do Chính phủ và Thành phố quy định, không thể làm trái được. Dự án khu đô thị Nam Thăng Long là một dự án lớn, thực hiện trong nhiều năm. Trong mỗi giai đoạn, Thành phố lại có sự điều chỉnh khung giá đền bù đất cho phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm quyền lợi cho người dân, điều này đã dẫn đến việc chênh lệch giá đền bù. Trong vụ việc đang gây bức xúc cho người dân Phú Thượng, những hộ nhận tiền đợt 1 chỉ được 127,8 triệu đồng/sào là vì phương án đền bù được phê duyệt trước thời điểm 1-1-2005 nên vẫn áp dụng những quy định trước đây. Thời điểm này, giá đền bù đất nông nghiệp thu hồi tại phường Phú Thượng được áp dụng theo quyết định số 4340/QĐ-UB ngày 25-7-2003 của UBND TP.

Còn 170 hộ có đất bị thu hồitrong cùng dự án nhưng nhận tiền sau là do còn vướng mắc về nguồn gốc đất, có tranh chấp về quyền sử dụng, sai số trong quá trình điều tra… dẫn đến việc những hộ này được UBND quận phê duyệt phương án đền bù vào năm 2005 – thời điểm mà Quyết định 199/QĐ-UB ngày 29-12-2004 của UBND thành phố về việcBan hành giá các loại đất trên địa bàn TP có hiệu lực. Theo Khoản 2 Điều 3 và Bảng 2 quyết định này, giá đất nông nghiệp tăng từ 147.370 đồng/m2 lên 252.000 đồng/m2. Ngoài ra, căn cứ Quyết định 26/QĐ-UB ngày 18-2-2005 của UBND Thành phố về ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện Nghị định số 197/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội, các hộ này còn được hỗ trợ giá đất nông nghiệp trong đô thị 50 nghìn đồng/m2, cộng thêm 35 nghìn đồng tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Vì vậy số tiền mỗi hộ dân được hưởng cho một sào đất nông nghiệp bị thu hồi lên đến 182 triệu đồng. Cũng theo quyết định 26/QĐ-UB, các dự án đã có phương án bồi thường được phê duyệt và có thông báo cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước ngày thi hành quy định này thì thực hiện theo quyết định đã phê duyệt. Vì vậy, hơn 700 hộ dân nhận tiền đợt đầu không thuộc thời điểm được xem xét, điều chỉnh giá đền bù theo quy định trên...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh, hiện UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục kiến nghị lên Thành phố và cấp cao hơn, đề nghị xem xét, giải quyết những bức xúc của người dân theo hướng có lợi nhất cho bà con.

Được biết, chiều 19-10-2005, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND thành phố đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo quận Tây Hồ, chỉ đạo giải quyết những bức xúc của bà con Phú Thượng, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc tác nghiệp của một số phóng viên tại cánh đồng Phú Thượng.

Từ thực tế, chúng tôi tin rằng một số bà con nông dân phường Phú Thượng có những bức xúc nêu trên sẽ nhận biết đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện giai đoạn hai - Dự án khu đô thị Nam Thăng Long một cách “xuôi chéo mát lái”.

HNM

ANHTHU