Từng bước tham gia luật chơi “kinh tế xanh”
Kinh tế - Ngày đăng : 16:26, 01/04/2023
Thành công bước đầu
Từ năm 2011, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh. Đó là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội (phát triển năng lượng sạch, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp bất bình đẳng, nâng cao chất lượng giáo dục, sản xuất và tiêu dùng bền vững).
Thế giới cũng ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, nhất là năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của tổ chức Ember (Anh) công bố giữa năm 2022, Việt Nam đã dịch chuyển hơn 8% tổng nhu cầu điện sang điện gió và điện mặt trời chỉ trong 2 năm 2020-2021. Trong số này, doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển 60% số dự án năng lượng tái tạo, cho thấy Việt Nam hoàn toàn chủ động “cuộc chơi”.
Nhiều địa phương phía Nam đã nhanh chóng trở thành các trung tâm năng lượng tái tạo lớn của Đông Nam Á. Điển hình như Đắc Lắk đang hoàn thành mục tiêu đưa vào vận hành thương mại 5.000 - 7.000 MW điện gió, năng lượng mặt trời trong giai đoạn 2020-2030. Bạc Liêu đang là “thủ phủ điện gió” của Tây Nam Bộ, còn Ninh Thuận đang biến điều kiện thời tiết khắc nghiệt đầy nắng gió ở Nam Trung Bộ thành lợi thế phát triển năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp ở mọi quy mô sản xuất cũng tham gia luật chơi “kinh tế xanh”. Đơn cử, Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam (chuyên sản xuất đồ ăn nhẹ) hiện có 97,5% bao bì có thể tái chế (tăng lên 100% vào năm 2025); quy trình sản xuất tiêu tốn ít năng lượng và nước, giảm xả thải. Hai nhà máy của công ty đang lắp đặt pin mặt trời, dự kiếm giảm lượng khí thải CO2 tương đương với trồng khoảng 4,7 triệu cây xanh.
Đáng chú ý, Tập đoàn Lego đến từ Đan Mạch đã chọn Bình Dương làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD, lớn thứ 2 châu Á, tạo việc làm cho 4.000 công nhân trong 15 năm, kể từ năm 2024. Theo ông Niels B. Christiansen, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego, đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với mục tiêu không có khí thải carbon; sử dụng điện mặt trời.
Còn nhiều thách thức
Kinh tế xanh không chỉ ở phát triển năng lượng tái tạo, mà còn cần nỗ lực từ nhiều ngành kinh tế khác. Đơn cử, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu ở một số ngành như dệt may, da giày, điện tử tiêu dùng… Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2023, xu thế “xanh” trong các ngành này mới chỉ manh nha xuất hiện, chứ chưa phổ biến.
Năm 2022, ngành Dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh), lĩnh vực này đang đối mặt với vấn đề liên quan tới phát triển bền vững.
Theo đó, khách hàng ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải có quá trình sản xuất đáp ứng trách nhiệm xã hội, thân thiện môi trường, tiêu tốn ít tài nguyên thiên nhiên nhất. Minh chứng thêm cho nhận định này, bà Anastacia Howe, Trưởng điều hành Chương trình Môi trường khu vực Viễn đông châu Á của nhãn hãng H&M, cho biết, vào năm 2025, nhà cung cấp của nhãn hàng này không được sử dụng điện than và phải dùng năng lượng tái tạo để sản xuất.
Yêu cầu trên vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp, vì họ nằm trong khu công nghiệp không có hạ tầng năng lượng xanh. Ngoài ra, khách hàng còn đòi hỏi nhà sản xuất có môi trường làm việc và ăn ở tốt cho công nhân; phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế, tự phân hủy sau khoảng 10 năm. Những yên cầu "dùng vật liệu xanh, sản xuất xanh..." còn được khách hàng đưa ra với nhiều hàng hóa của Việt Nam như chế biến gỗ, da giày, nông sản...
Là một người chuyên nghiên cứu về kinh tế, nhà báo Hoàng Hạnh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn – Saigon Times) nhận định: “Trước mắt, cần xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam về phát triển kinh tế xanh để có sự chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, sự sẵn sàng của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng… Chuyển đổi xanh nên được coi là phương tiện hướng tới một nền sản xuất hiệu quả và bền vững hơn, chứ không phải là mục đích để rồi vội vã triển khai”.
Cùng chung hướng nhận định, ông Thomas Jacobs - Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế - cho rằng, để phát triển nền kinh tế xanh, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn, dự báo khoảng 6,3% GDP mỗi năm. Để có được nguồn vốn này, Việt Nam cần tạo thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào tăng trưởng xanh một cách có trọng tâm, trọng điểm và chọn lọc.