Báo Hànộimới Cuối tuần với bản sắc Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 12:07, 21/10/2022
Trước năm 1975, ở miền Bắc chỉ có 3 tờ nhật báo là Nhân Dân, Quân đội nhân dân và Hànộimới. Đối tượng bạn đọc của 3 tờ nhật báo khác nhau nhưng tất cả đều có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Hànộimới là tờ báo địa phương nhưng là địa phương Thủ đô nên có đặc thù riêng là phản ánh, thông tin nhiều hơn, đầy đủ về các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra tại Hà Nội.
Khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội và miền Bắc, Hànộimới đã bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời tinh thần anh dũng trong chiến đấu, hăng say sản xuất. Trong thời kỳ bao cấp, Hànộimới lại bám sát nhiệm vụ, phản ánh tinh thần tích cực vượt khó vươn lên. Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị, Hànộimới vẫn có tin bài, ảnh về văn hóa văn nghệ, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới, xóa bỏ nền sản xuất kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, Hànộimới cùng với các báo trong cả nước chuyển mình, cổ vũ và ủng hộ đổi mới. Năm 1989, Hànộimới xuất bản thêm ấn phẩm phát hành vào ngày chủ nhật, gọi là Hànộimới Chủ nhật. Ấn phẩm được thiết kế theo hướng mới, không có tin, chỉ có bài với nhiều đề tài và không bó hẹp trong phạm vi thành phố. Về Hà Nội, báo có nhiều bài về văn hóa và bản sắc của đô thị cổ kính này.
Linh hồn thời kỳ đầu của ấn phẩm là cố nhà báo, dịch giả Dương Linh - Phó Tổng Biên tập trực tiếp phụ trách. Cho đến nay, nhiều bạn đọc có tuổi vẫn không quên những bài viết như “Tâm lý gà công nghiệp” của Tiến sĩ tâm lý Đức Uy bàn về đổi mới. Thời bao cấp, Nhà nước lo tất cả khiến doanh nghiệp quốc doanh giống như con gà công nghiệp bị nhốt trong chuồng; khi xóa bỏ bao cấp, con gà được thả ra, chân chạm đất nhưng bước đi tấp tểnh nên rất cần thời gian để chân của nó vững vàng. Thực ra, từ khi Hànộimới xuất bản số đầu tiên năm 1957 cho đến khi ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật ra đời, đề tài văn hóa, bản sắc Hà Nội luôn được đề cập, phản ánh trên mặt báo, chỉ khác là những bài viết trên Hànộimới Chủ nhật sâu hơn, không né tránh một số đề tài được cho là “nhạy cảm” như trước.
Sử sách chép nhiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về bản sắc Hà Nội. Báo chí nửa đầu thế kỷ XX cũng có nhiều bài về văn hóa, con người Hà Nội song bấy nhiêu là chưa đủ; khi ấy, không phải ai cũng biết chữ và có điều kiện mua sách báo để đọc. Ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật đã khai thác mảng lịch sử, văn hóa nhiều hơn, tập trung khai thác đề tài về lối sống, cách ứng xử của người Hà Nội, giúp bạn đọc hiểu thêm về mảnh đất này. Hà Nội, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, là nơi bốn phương “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” với hơn 200 dòng họ. Hà Nội là nơi ra đời của nhiều truyền thuyết làm nên tâm thức Hà Nội, tâm thức Việt Nam. Hà Nội có làng nghề, phố nghề, có lễ hội mang tầm tư tưởng như Hội Gióng. Về bản sắc Hà Nội, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đúc kết: “Hà Nội có một phong độ văn hóa riêng - có một sắc thái ngôn ngữ riêng - tiếng Hà Nội, một bản lĩnh riêng: Sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: Ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Những dòng nhận định ngắn ngủi, song với người làm báo, viết mãi không hết, viết mãi vẫn còn cái để viết.
Cơ cấu của ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật, sau là Hànộimới Cuối tuần, khác với tờ Hànộimới xuất bản hằng ngày. Biên tập viên các mảng có trách nhiệm tìm đề tài, phát hiện đề tài để rồi họ tự viết hoặc đặt bài. Trong nhiều năm liên tục, biên tập viên Hànộimới Cuối tuần đều là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, những cây viết cứng của Hànộimới như nhà thơ Vương Tâm, Phùng Huy Thịnh, Đặng Huy Giang, nhà báo Cẩm Bình... Ngoài đảm trách viết bài đinh cho mỗi số báo, các biên tập viên còn đặt bài cộng tác viên.
Kể từ khi ra đời cho đến hôm nay, Hànộimới Cuối tuần có lẽ là một trong những ấn phẩm có nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực cộng tác. Đó là nhà văn hóa Vũ Khiêu, Hoàng Đạo Thúy, Bùi Hạnh Cẩn...; các nhà sử học Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán...; nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân, Đỗ Thỉnh, Băng Sơn... Nối tiếp là các cây bút Nguyễn Lưu, Trần Văn Mỹ, Anh Chi... Các nhà văn, nhà thơ gửi những sáng tác về Hà Nội nhiều vô kể, là Tô Hoài, Huy Cận, Bằng Việt, Vũ Quần Phương...
Không chỉ khai thác chuyện xưa, kể chuyện Hà Nội hôm nay mà nhiều tác giả có bài phản biện, phê phán lối sống, cung cách ứng xử xuống cấp, giúp cho các cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách. Lại có nhiều bài viết phát hiện ra những cái mới trong văn hóa, lối sống, cung cách ứng xử bổ sung vào văn hóa và bản sắc Hà Nội. Hànộimới Cuối tuần có nhiều chuyên mục rất dung dị nhưng lại thu hút rất đông bạn đọc tham gia cộng tác, đó là "Chuyện làng văn nghệ", “Muôn mặt đời thường"..., đặc biệt là chuyên mục "Hà Nội tạp văn" đã đồng hành cùng ấn phẩm từ thời kỳ đầu đến giờ đã hơn 3 thập kỷ. Từ năm 1989 đến nay, nhiều bài viết ở chuyên mục "Hà Nội tạp văn" của Hànộimới Cuối tuần đã được chọn lọc, tập hợp in thành những cuốn sách hay về Hà Nội.
Bản sắc Hà Nội không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn thể hiện cách trình bày tờ báo. Họa sĩ Thanh Toàn là người trình bày từ khi báo ra đời cho đến khi ông nghỉ hưu. Ông cẩn trọng trong từng số báo, từ cỡ tít sao cho cân đối với độ dài của bài, ông chăm chút từng cái ảnh, vẽ minh họa nên ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật không chỉ trang nhã mà còn bắt mắt. Các họa sĩ hôm nay vẫn tiếp nối truyền thống đó, và có thể không chủ quan khi nói rằng, Hànộimới Cuối tuần vẫn là một trong số ít các ấn phẩm báo giấy trình bày đẹp, hiện đại mà rất trang nhã, nhất là bìa các số báo Tết.
Báo điện tử ra đời đã làm thay đổi cung cách làm báo, thay đổi hình thức, nội dung và ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần cũng có những thay đổi, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ngày nay. Tuy nhiên, có một điều mà Hànộimới Cuối tuần vẫn giữ được, đó là những bài viết về bản sắc Hà Nội và văn hóa Hà Nội theo quan niệm mới, góc nhìn mới. Đó chính là thế mạnh, cũng là nét riêng của Hànộimới nói chung và Hànộimới Cuối tuần nói riêng, góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa và bản sắc Thủ đô.