Những kỷ niệm khó quên!

Văn hóa - Ngày đăng : 09:34, 22/10/2022

(HNMO) - Ban Bạn đọc không theo dõi sở, ban, ngành nào, nhưng phụ trách các vấn đề xã hội, dân sinh và có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là tiếp bạn đọc để nhận đơn thư, kiến nghị, góp ý trong mọi lĩnh vực. Tất cả những gì bạn đọc cần, chúng tôi đều có thể tìm hiểu, giải đáp. Hiện nay, đa số phóng viên của Ban là nữ nên khi tác nghiệp có những khó khăn nhất định, nhưng cho dù đối mặt nguy hiểm chúng tôi vẫn không lùi bước và luôn tự hào là phóng viên Ban Bạn đọc.

Đối mặt với "đầu gấu"

Tháng 6-2020, phóng viên Thùy Ngân được giao viết về tình trạng đổ đất, phế liệu lấn sông Hồng. Chị Ngân kể, lúc đó một mình chạy xe máy về đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), chờ đợi mãi có một xe tải lặc lè bùn đất chạy vào ngõ 464 đường Lạc Long Quân. Đến bãi đất sát mép nước sông Hồng, chị Ngân chụp liền mấy tấm hình để phục vụ cho bài viết, nhưng khi vừa dừng thì ngay trước mặt là hai thanh niên xăm trổ đầy mình áp sát, yêu cầu đưa điện thoại.

"Kiên quyết không thỏa hiệp dù đối tượng thách thức, hăm dọa, tôi bấm máy gọi cho cán bộ UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), người tôi đã đặt lịch trước đó về làm việc, nhờ ứng cứu nhưng bị từ chối với ly do "chuẩn bị đi họp". Khi tôi đề nghị kết nối với lãnh đạo hoặc Công an phường thì chỉ nghe thấy tiếng... tút tút. Giữa mênh mông bãi đất trống, một mình thân nữ giới thì 2 đối tượng "đầu gấu" lực lưỡng kia có thể khống chế tôi dễ dàng… Nhưng không rõ vì sự cương quyết của tôi hay vì nhận được tín hiệu “ngầm” nào đó, hằm dọa một lúc rồi hai thanh niên hất hàm cho tôi đi. Phóng xe máy ra khỏi cửa khẩu đê rồi mà tôi vẫn chưa hết lo lắng...", phóng viên Thùy Ngân nhớ lại.

Vô tình trở thành hòa giải viên

Đó là kỷ niệm của phóng viên Kiều Oanh trong khi đi tác nghiệp. Đi xác minh thông tin của bạn đọc ở nhà B9 Kim Liên, phường Kim Liên (quận Đống Đa) phản ánh một hộ kinh doanh karaoke và cafe gây ồn ào, mất trật tự đô thị. Trong vai khách của quán, Kiều Oanh đã thu thập đủ chứng cứ và liên hệ, làm việc với chính quyền địa phương. Ngay sau đó, chủ quán gọi điện giải trình khó khăn kinh tế và khẩn thiết đề nghị sẽ sửa chữa khuyết điểm.

Nhận thấy sự thành khẩn này, phóng viên đã phân tích tác hại của sự việc và đề nghị chủ quán karaoke khắc phục ngay, đồng thời liên hệ với người viết đơn kiện để kiểm tra chéo. 2 ngày sau, các hộ dân gần đó đã thông tin chủ quán đã sửa sai, khắc phục hậu quả, đề nghị rút đơn kiện, hai bên đã hòa giải thành công. Dù không viết bài phản ánh nhưng phóng viên rất vui vì đã trở thành hòa giải viên bất đắc dĩ, sự căng thẳng được “hóa giải”, tình cảm xóm giềng được “thiết lập” và gắn kết hơn...

"Toát mồ hôi" với thể tài "lạ"

Công tác tiếp bạn đọc, giải đáp thắc mắc là nhiệm vụ khá quan trọng của phóng viên Ban Bạn đọc. Nhưng việc nhận thơ và viết bài từ thơ, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của phóng viên Đào Nga. Sáng 15-4-2020, Trưởng ban Bạn đọc nhận chỉ đạo viết thành bài báo dưới dạng… bình thơ từ 20 bức thư của bạn đọc gần xa. Thời hạn nộp là sáng 16-4.

Lần đầu tiên được giao một thể tài “lạ”, thời gian gấp, lãnh đạo ban cũng “toát mồ hôi”. Từ hơn 20 bài thơ, phóng viên đã dựng lên “bức tranh” tình hình chống dịch theo mạch kể, phần nào khắc họa chân thực cuộc sống, tình yêu thương, sự hy sinh của biết bao người đang ngày đêm nỗ lực phòng, chống dịch, qua đó thắp lên niềm tin, tiếp thêm sức mạnh chiến thắng dịch bệnh…

“Gửi bài lúc 4h30 sáng, tôi hồi hộp như ngày đầu tập tọe bước vào nghề. Hơn 8h sáng, niềm vui như vỡ òa khi nhận “cơn mưa” lời khen, tôi thở phào như vừa trút xong gánh nặng. Sáng 18-4-2020, bài viết “Thêm những “mạch nguồn” chống dịch” được đăng trên cả báo hằng ngày và điện tử. Bài viết như sự tri ân bạn đọc, phần lớn đều là bậc cao niên, dành cho Báo Hànộimới, cũng là lời cảm ơn sâu sắc gửi tới những lực lượng đang dốc sức ngày đêm chống dịch Covid-19.

Có duyên với bạn đọc lớn tuổi

Phóng viên Vũ Dung không ít lần ngồi tiếp chuyện tới 3 giờ đồng hồ để ghi nhận bức xúc, nỗi lòng, tâm sự, niềm vui, nỗi buồn của bạn đọc Báo Hànộimới. Vũ Dung kể: "11h ngày 4-8-2022, một cán bộ hưu trí 92 tuổi đến Báo Hànộimới, nói kiện một công ty bán tương ớt hết hạn sử dụng. Sau 3 giờ ngồi giải thích, 13h cùng ngày, ông ra về trong trạng thái bực bội. Tôi đã gọi taxi, đưa ông lên xe an toàn, nhưng 17h con gái ông điện thoại báo ông vẫn chưa về nhà. Mọi người tá hỏa đi tìm, từ camera của Báo Hànộimới đã xác định được lái xe nhưng số xe hơi mờ nên tổng đài taxi đã kiên nhẫn tìm kiếm, đến 19h cùng ngày thì xác định được số điện thoại lái xe. Sau đó, mới tìm kiếm được ông, nhưng ông nói là giận con cháu vì không quan tâm đến cảm nhận của ông, đến Báo khiếu nại nhưng vẫn chưa ra được đáp số như mong muốn. Do vậy, ông đã đến nhà người quen và yêu cầu không báo cho con cháu. Sau khi được phân tích, ông đã hiểu ra vấn đề và trở về nhà an toàn". 

Nhóm phóng viên Bạn đọc