Tô đẹp truyền thống vẻ vang

Văn hóa - Ngày đăng : 12:40, 22/10/2022

(HNMCT) - Kỷ niệm 65 năm ngày Báo Hànộimới ra số hằng ngày đầu tiên là dịp “ôn cố tri tân”, cùng nhau nhìn lại những dấu mốc đáng tự hào trên hành trình khẳng định vị thế của tờ báo Đảng Thủ đô. Nhân dịp này, Hànộimới Cuối tuần ghi lại những đánh giá, góp ý khách quan của một số độc giả, cộng tác viên về chặng đường xây dựng, phát triển Báo Hànộimới vừa qua cũng như việc gìn giữ, bồi đắp thương hiệu Báo Hànộimới thời gian tới.

Nhà văn Hoài Hương:
Báo Hànộimới như ngôi nhà thân tình ấm áp

Khi từ nơi sơ tán trở về Hà Nội năm 1969, tôi đã thấy tờ báo Hànộimới có mặt trong nhà sau mỗi buổi mẹ đi làm về, như một món “quà” thú vị mỗi ngày vào cái thời mà sách báo và các loại hình văn hóa nghệ thuật khác còn khá xa xỉ. Với trẻ con Hà Nội thời ấy, những tin tức chiến trận trên báo gần như bao giờ cũng được đọc đầu tiên, sau đó là háo hức, say sưa đọc những bài viết về văn hóa - văn hiến của Thủ đô... Thăng Long - Hà Nội ngày càng đầy lên trong tôi với vẻ đẹp của lịch sử, của văn hiến qua những trang báo như thế.

Rồi tôi vào Nam theo gia đình, một quãng “đứt đoạn” với Hànộimới. Cứ ngỡ tờ báo chỉ còn là ký ức, nhưng 10 năm sau, dịp thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng, tôi có được tờ Hànộimới do một nhà báo mang vào. Giống như gặp cố nhân, tôi vui mừng khi ấp tờ báo vào lòng, nghe tim mình hồi hộp. Từ đó, không chỉ là một bạn đọc, mà tôi bắt đầu “chinh phục” chính tờ báo yêu quý, trở thành cộng tác viên với những bài viết đầu tiên là những tản văn nhỏ hoài niệm Hà Nội, dần là bài viết bình thơ, sách, những bài báo về văn hóa nghệ thuật cho số chủ nhật, rồi tiếp theo là truyện ngắn, tạp văn trên ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần.

Kỷ niệm sâu sắc nhất với Hànộimới là từ những bài tản văn của tôi được đăng trên Hànộimới Cuối tuần, tôi đã tập hợp và chọn in thành tập sách “Hà Nội hoa tình”. Đồng nghiệp Hànộimới đã viết lời tựa cho tập sách và giúp tôi rất nhiều cho buổi ra mắt sách tại Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2019). Tôi cũng được đứng chung với nhiều tác giả trong hai tập tản văn của Báo Hànộimới “Phố chất đầy năm tháng” (năm 2019) và “Mùa đi qua phố” ra mắt năm nay. Với tôi, Báo Hànộimới luôn là ngôi nhà thân tình, ấm áp.

TS.KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Cái duyên đưa tôi đến với Hànộimới bắt đầu từ những bài báo viết về mảng văn hóa kiến trúc và văn hóa đô thị. Viết về mảng này, một lĩnh vực cần có chuyên môn sâu, thường bị định kiến là “khô khan”, với tôi thực sự là một thách thức. Thế nhưng, vì tình yêu và những trăn trở với thành phố này quá lớn, những bài báo, ý kiến của tôi đã xuất hiện trên cả 2 ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay. Niềm vui của người viết khi nhận ra những tiêu đề, ý chính, “chìa khóa” từ những bài báo của mình đã được người dân ghi nhớ, đồng nghiệp tìm đọc đã “tiếp lửa” cho niềm đam mê trong tôi lớn dần. Chỉ tính đi ngang qua, thế rồi ở lại, những cuộc chuyện trò, trao đổi với các phóng viên, biên tập viên Hànộimới không chỉ gợi mở cho tôi ý tưởng sáng tạo cho bài viết của mình mà còn giúp tôi luyện rèn cách viết riêng mang đậm chất văn hóa về quy hoạch, kiến trúc Thủ đô.

Qua những năm tháng gắn bó với tờ báo, tôi nhận thấy Hànộimới không chỉ là một trong những cơ quan báo chí đi đầu, bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại mà còn ngày càng đáp ứng yêu cầu thông tin thời sự với nhiều bài viết sâu sắc về đời sống văn hóa - xã hội đậm chất Hà Nội. Đặc biệt, ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần, Hà Nội Ngày nay với những bài viết mềm mại, chuyên đề bàn luận sâu sắc, phong phú đã và đang hình thành kênh thông tin chuyên biệt, rõ tính “đọc chậm” trong hệ thống báo chí Thủ đô.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:
Dư vị riêng có

Nằm trong hệ thống ấn phẩm đa dạng của Báo Hànộimới - tờ báo quan trọng của Thủ đô,  Hànộimới Cuối tuần có nét riêng trong làng báo. Là bạn đọc thân thiết của báo từ nhiều năm qua, lại may mắn được là cộng tác viên đóng góp một phần cho thành tựu của Hànộimới, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì điều này. 

Mỗi khi cầm tờ báo Hànộimới Cuối tuần trên tay, tôi luôn háo hức đón chờ những bài viết chuyên sâu về một góc nào đó của Hà Nội, những câu chuyện phố phường, chuyện ngoại ô. Đó có thể là phóng sự, ghi chép, góc nhìn, những tùy bút, tạp văn về Hà Nội, về vùng đất, con người, những di tích danh thắng, bài ca, chân dung văn nghệ sĩ gắn bó với nơi này... Những bài viết ấy thường cho tôi cảm giác không “đao to, búa lớn” mà gần gũi, chân thực, vừa mang "chất" báo chí lại chứa đựng yếu tố văn học như một nét riêng tạo nên "bản sắc" Hànộimới Cuối tuần.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự hối hả của công cuộc chuyển đổi số trong báo chí, ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần cũng sẽ không nằm ngoài vòng quay đó. Tôi nghĩ, trong hướng đi của mình, Hànộimới Cuối tuần cần tập trung thêm vào nền tảng công nghệ giúp các tác phẩm đến với nhiều bạn đọc hơn. Tôi mơ đến một chuyên trang điện tử riêng dành cho ấn phẩm này. Về nội dung, tôi mong rằng Hànộimới Cuối tuần vẫn thể hiện bản sắc là một ấn phẩm chuyên sâu, tin bài không vội vã mà đúng với tư cách một tờ báo tuần phản ánh những góc nhìn đa dạng và có chiều sâu về Hà Nội.

Chúc mừng Báo Hànộimới tròn 65 năm ngày xuất bản số báo hằng ngày đầu tiên. Mong rằng Hànộimới nói chung và Hànộimới Cuối tuần nói riêng ngày càng lớn mạnh, được độc giả tin yêu.

Đoan Trang - Hương Trà - Tuyết Hạnh