Sứ mệnh ''người đi đầu'' của báo chí Thủ đô

Văn hóa - Ngày đăng : 18:11, 22/10/2022

(HNMCT) - Tờ báo vinh dự hai lần được Bác đặt tên; Thành công gắn liền với yêu cầu đổi mới; Xứng đáng là tờ báo hàng đầu Tờ báo vinh dự hai lần được Bác đặt tên

Tru sở Báo Hànộimới tại 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ nhiều năm qua đã trở thành một địa chỉ thân thiết với nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Ảnh: Vũ Minh

Đúng dịp Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), Báo Hànộimới cũng kỷ niệm một sự kiện ý nghĩa của mình: 65 năm ngày ra số báo hằng ngày đầu tiên.

Trước khi có Hànộimới, Hà Nội đã có tờ Thời mới và Hà Nội hàng ngày.

Thời mới số 1 ra đúng ngày Thủ đô giải phóng, 10-10-1954. Báo do nhà báo Hiền Nhân làm Chủ nhiệm, Trần Hà làm chủ bút. Báo ra hằng ngày, 6 trang, khổ 38x56cm. Lực lượng làm báo ban đầu ngoài các phóng viên và thông tin viên của Báo Tia sáng, còn có một số cán bộ Đảng có kinh nghiệm làm báo đã được điều về như Lê Tam Kính (nguyên Trưởng ban Nông nghiệp và Trưởng ban Bạn đọc Báo Nhân Dân), Hoàng Phong (Báo Cứu quốc), Phan Hiền (Ban Tuyên huấn Trung ương)...

Hà Nội hàng ngày tiền thân là tờ Sông Hồng, một tờ báo tư nhân ra đời từ tháng 8-1945. Tháng 7-1957 ra lại với tên mới.  

Ngày 1-4-1957, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết 119/NQ-TUHN về việc thành lập Ban phụ trách lâm thời Báo Thủ đô. Sau tám tháng chuẩn bị, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô ra số đầu tiên 4 trang, khổ 30x40cm, in một màu. Trong lời phi lộ đăng trên trang 1, Thủ đô ngỏ cùng bạn đọc: “Thủ đô là người bạn thân thiết của nhân dân Hà Nội trong sản xuất, trong đấu tranh hàng ngày”.

Năm 1958, tình hình mới đặt báo chí Hà Nội trước những yêu cầu nặng nề hơn. Thành ủy Hà Nội chủ trương hợp nhất Thủ đô và Hà Nội hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh hoan nghênh việc hợp nhất hai tờ báo. Bác xem cả hai tờ, sau đó đặt tờ Thủ đô xuống bàn trước, cầm lấy tờ Hà Nội hàng ngày, Bác gập chữ hàng ngày lại rồi đặt chữ Hà Nội còn lại xuống cạnh chữ Thủ đô và nói: “Tên tờ báo sẽ là như thế này”(1).

Tên báo Thủ đô Hà Nội đã ra đời như thế. Số 1 báo này ra ngày 1-1-1959 với 4 trang khổ 38x56cm.

Đầu năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội đã hợp nhất với Báo Thời mới thành tờ Hànộimới và lần này cũng lại vinh dự được Bác đặt tên.  

Thành công gắn liền với yêu cầu đổi mới

Giở lại những tờ báo cũ, từ những tờ báo tiền thân đến khi Hànộimới ra đời tới nay mới thấy Hànộimới đã ghi thật nhiều dấu ấn đậm nét trên mỗi giai đoạn cách mạng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng - Thành phố Vì hòa bình. Đó là những tin, bài phản ánh ngay từ những ngày đầu tiếp quản Thủ đô với bộn bề khó khăn năm 1954, rồi công cuộc khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất giai đoạn 1955 - 1957, tiếp theo là 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa (1958 - 1960), rồi tuyên truyền động viên nhân dân Thủ đô cùng cả nước thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960 - 1965 của Đảng, nhằm mục tiêu chung là đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước...

Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Hànộimới đã cùng Đài Truyền thanh Hà Nội tuyên truyền thúc đẩy sản xuất, xây dựng và quản lý thành phố, đồng thời đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Chuyên mục Người tốt - việc tốt trên Hànộimới được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo duy trì thường xuyên, nhắc nhở đưa gương người tốt thì phải có ảnh và gửi tặng huy hiệu của Người cho những tấm gương báo nêu.

Cuối năm 1972, mặc cho giặc Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội, cán bộ, phóng viên Hànộimới cứ ngớt tiếng bom là đến hiện trường đưa tin, tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ, tin bộ đội ta bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần giới thiệu với bạn bè thế giới về một Hà Nội kiên cường - “Thủ đô của phẩm giá con người”. 

Sau chiến thắng vĩ đại năm 1975, đất nước thống nhất, Thủ đô Hà Nội có thêm một số cơ quan báo chí khác nhưng Hànộimới vẫn luôn là tờ báo năng động, liên tục đổi mới, đi đầu trong vai trò tổ chức cổ động và định hướng dư luận xã hội, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Điều đó thể hiện qua việc Hànộimới được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh; tập thể Báo và nhiều cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý khác.

Những năm gần đây, lực lượng viết của Báo tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đọc Hànộimới giờ đây tôi thấy tin bài dường như mất đi nhựa sống. Sự nhiệt huyết của những cây phóng sự khá nổi trong những năm trước có vẻ cũng giảm. Một số chuyên mục thu hút bạn đọc bao năm qua như "Mỗi ngày một chuyện" không còn rõ “chuyện”, mất đi nét duyên và cách phê bình nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc của người Hà Nội. Chuyên mục "Qua đường dây nóng" một thời thu hút thêm trên 5.000 người đọc là độc giả đặt báo dài hạn vì tính thiết thực, thể hiện tiếng nói của mọi người dân được Báo tôn trọng và được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố khen ngợi thì giờ đây không còn phong phú như trước nữa.

Trong những năm gần đây, nhiều tờ báo đã và đang đẩy mạnh việc tổ chức tòa soạn hội tụ để phát huy khả năng đóng góp của mọi người, Hànộimới vẫn chưa thể hiện rõ ràng sự thay đổi cần thiết đó.

Báo Hànộimới luôn đi đầu trong vai trò tổ chức cổ động, định hướng dư luận xã hội. Ảnh: Nguyễn Minh

Xứng đáng là tờ báo hàng đầu

Tôi may mắn ngay khi vừa ra trường được nhận về làm việc ở Báo Hànộimới. Trong 21 năm gắn bó với Báo, tôi may mắn được nhiều nhà báo giỏi ở đây giúp đỡ, chỉ bảo như Dương Linh, Yên Thao, Đinh Nho Tứ, Trương Uyên, Phấn Đấu... cũng như được học hỏi từ các đồng nghiệp là những cây viết, biên tập viên nổi tiếng một thời như Trần Chiến, Vương Thức, Nguyễn Triều, Tạ Việt Anh, Lê Tấn Hiển, Nguyễn Ngọc Tiến, Đặng  Huy Giang... Rồi tôi trở thành Trưởng ban Thư ký tòa soạn. Cũng bởi vậy nên sau này, dù đi đâu thì tôi và các đồng nghiệp khác mỗi khi có dịp gặp nhau lại hỏi thăm về tờ báo mà mình đã gắn bó một thời và luôn mong, luôn tin rằng Báo sẽ ngày càng phát triển.

Niềm tin của chúng tôi có cơ sở chắc chắn, bởi Hànộimới luôn được lãnh đạo Thành ủy quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để phát triển.

Chẳng phải thế sao: Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị ra tờ Thủ đô (tiền thân của Hànộimới sau này), đầu năm 1957, Thành ủy đã liên tiếp ban hành hai Nghị quyết số 93 và 119, chỉ đạo sát sao việc tăng cường cán bộ cho Báo. Tiếp đến ngày 19-10-1957, Thành ủy lại ra Thông tri số 55/TT-ĐBHN nhắc nhở các chi bộ Đảng của thành phố tuyên truyền cổ động cho tờ báo, tổ chức đặt mua báo cho các chi bộ, vận động nhân dân mua báo lẻ, báo dài hạn, tổ chức việc đọc báo, phổ biến báo trên đài truyền thanh... để báo đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Chưa hết, Thành ủy còn nhắc nhở các ngành, các cấp cử người làm thông tin viên cho Báo, vận động cán bộ chính quyền có khả năng tham gia viết bài cho báo, cung cấp tin tức cho báo và thường xuyên góp ý phê bình báo. Nhờ vậy, Hànộimới bao năm qua luôn là một trong những tờ báo uy tín không chỉ ở trong nước mà còn được quốc tế quan tâm theo dõi.  

Cho đến tận bây giờ, tôi thấy Thành ủy vẫn quan tâm sát sao như vậy. Lãnh đạo mới của Báo vừa nhận nhiệm vụ có học hàm khoa học cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo được đào tạo chính quy... Bởi vậy, nhất định Hànộimới phải là tờ báo dẫn đầu của báo chí Thủ đô, phải là tờ báo mà lãnh đạo thành phố cần, người dân tin và bạn đọc cả nước yêu thích.

Chỉ cần Ban Biên tập của Báo biết khơi dậy truyền thống và tập hợp mọi người vào cuộc. Các cán bộ, phóng viên của Báo cũng cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người với báo chí để xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Không thể khác. Và chúng tôi rất tin vào điều đó.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa
(nguyên Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Hànộimới)