Một thời đáng nhớ: Dưới những vòm xanh

Văn hóa - Ngày đăng : 15:51, 24/10/2022

(HNM) - Măng sét (manchette) của một tờ báo có thể coi là chỉ dấu để nhận diện thương hiệu, tạo ra sự thân thiện với bạn đọc. Sự tinh tế, sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Thanh Toàn đã mang đến cho Hànộimới một măng sét “quá đẹp”. Gần 35 năm qua, măng sét thể hiện sự trang nhã và hiện đại này đã trở nên thân thiết trong lòng bạn đọc.

Một phần của thương hiệu Hànộimới

“Trong số hàng trăm tờ báo in của Việt Nam hiện nay, Hànộimới là một trong số không nhiều đầu báo có thiết kế măng sét rất ấn tượng và giàu bản sắc” - nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhận xét như vậy về măng sét Báo Hànộimới.

Măng sét này được sử dụng lần đầu tiên vào số Tết Mậu Thìn (1988), đúng dịp kỷ niệm 20 năm tờ báo Đảng của Thủ đô vinh dự được Bác Hồ đặt tên "Hànộimới". Từ đó đến nay, Báo đã có sự cải tiến từ nội dung đến hình thức, kể cả tăng số trang, có thêm các ấn phẩm chuyên đề, báo điện tử..., thế nhưng măng sét vẫn được giữ nguyên, trở thành một phần thương hiệu của Báo.

Bên chén trà trong sáng thu Hà Nội nắng trong veo, họa sĩ Thanh Toàn bồi hồi nhớ lại: “Trong lúc báo chí cả nước đang trên đà chuyển biến sôi động theo tinh thần đổi mới mà Đại hội VI của Đảng phát động, nhà báo Doãn Chiêm - Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Thư ký tòa soạn động viên tôi và nhờ kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp thiết kế măng sét mới cho Báo. Cụ bảo, Hànộimới vẫn chưa có măng sét thật ưng ý dù đã 2 - 3 lần thay đổi. Chủ ý của Ban Biên tập là muốn có một măng sét chững chạc hơn, và tất nhiên, phải đẹp hơn”.

Những năm 1980, khi chưa có máy vi tính và các công cụ hỗ trợ đồ họa nên họa sĩ phải vẽ bằng tay. Các tòa soạn dùng chữ đúc bằng chì nên font chữ rất hạn chế và rất cũ, tài liệu tham khảo không có nhiều... Thế nhưng, khi nhận được yêu cầu từ Ban Biên tập, các họa sĩ đều trăn trở: Làm sao để măng sét thể hiện được phong cách Hà Nội và gây ấn tượng? Tạo sự khác biệt cho măng sét báo theo hướng nào để vẫn đáp ứng được tinh thần đổi mới, phù hợp với xu hướng phát triển cả về nội dung và hình thức của tờ báo?

Số báo đầu tiên dùng Măng sét Hànộimới.

Họa sĩ Thanh Toàn kể: “Rút kinh nghiệm từ những măng sét cũ, khi thiết kế, tôi xác định “Hànộimới” chỉ là một từ, tạo thành một thể thống nhất. Do đó, tôi quyết định đặt chữ “mới” liền ngay sau chữ “Hànội” để tạo thành một khối chặt chẽ, liền mạch. Về kiểu chữ, tôi cố gắng chỉnh sửa trên hình dáng của măng sét cũ nhưng căn chỉnh tỉ mỉ hình dáng, cỡ chữ, độ giãn cách cũng như tính đến hiệu quả mảng phối, màu sắc... để chúng mềm mại, tinh tế hơn”.

Nhà báo Nguyễn Quang Hòa, nguyên Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Hànộimới nhớ lại: “Tại cuộc thi thiết kế măng sét Báo Hànộimới năm ấy có hơn 20 mẫu gửi đến tham dự. Báo đã mời hai bậc thầy về đồ họa của Hội Mỹ thuật lúc ấy là họa sĩ Lê Thanh Đức và họa sĩ Nguyễn Viết Châu thẩm định. Kết quả có 6 mẫu được chọn vào chung kết. Các mẫu này được dán dưới bảng tin của cơ quan để mọi người cùng cho ý kiến. Chung cuộc, mẫu của họa sĩ Thanh Toàn khiến nhiều người ưng nhất. Đây là một thiết kế đẹp và hiện đại, phù hợp với xu thế đổi mới. Việc đặt đúng vị trí chữ “mới” khiến bố cục chặt lại. Khi Ban Biên tập trình măng sét lên Ban Thường vụ Thành ủy thì tất cả đều đồng thuận. Sự thay đổi măng sét như thổi làn gió mới vào các trang báo Hànộimới. Và thực tế sau gần 35 năm đồng hành cùng tờ báo, măng sét này vẫn rất đẹp và đã trở nên thân thuộc trong lòng độc giả”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Khi tôi về làm Tổng Biên tập, có ý kiến cho rằng phải xem xét lại tờ báo. Đúng là phải điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến nội dung và hình thức của tờ báo nhưng riêng măng sét thì tôi thấy không phải xem xét gì cả. Tôi rất hài lòng và tự hào với măng sét này. Khối chữ lớn nhưng có những nét khía chạy dọc làm chữ mềm mại, duyên dáng. Bố cục chặt chẽ, dáng dấp hiện đại. Măng sét được trải dài trên 7 cột báo làm tờ báo bề thế. Màu chữ đỏ tượng trưng cho “Hà Nội - trái tim hồng” là hợp lý, nổi bật. Họa sĩ Thanh Toàn là người làm nghề nghiêm cẩn, sáng tạo. Thiết kế thành công măng sét Hànộimới là đóng góp nổi bật và rất ý nghĩa của anh đối với tờ báo”.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, cùng với chất lượng nội dung, hình ảnh của măng sét đã góp phần xây dựng thương hiệu Hànộimới. Và ngược lại, tầm vóc và chất lượng của Báo Hànộimới đã làm cho măng sét trở nên giá trị.

Độc giả với Báo Hànộimới.

Đi qua thời gian

Trong giới thiết kế báo chí, họa sĩ Nguyễn Thanh Toàn được đánh giá là người có tài năng, tâm huyết. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông về công tác tại Báo Hànộimới năm 1980 và thầm lặng cống hiến cho tờ báo đến khi nghỉ hưu (năm 2016). Nhiều đồng nghiệp coi ông là bậc thầy kinh nghiệm, chuyên môn sâu, tác phong làm việc nghiêm túc. Ông cũng là người thiết kế demo các trang báo sau những lần thay đổi, cải tiến.

Dù dụng công thiết kế măng sét của tờ báo nhưng với Thanh Toàn, tất cả xuất phát từ tình cảm chân thành, thuần nhất với tờ báo. Đặc biệt, ông dành tình yêu cùng sự hàm ơn sâu sắc đến nhạc phụ của mình - nhà báo Đinh Nho Khôi, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Hànộimới. Và không chỉ thiết kế măng sét cho Hànộimới, họa sĩ Thanh Toàn còn thiết kế và đồng thiết kế măng sét cho gần chục đầu báo đến nay vẫn hiện diện như Tiền phong, Nhà báo & Công luận, Hoa học trò, Tuần tin tức...

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí, họa sĩ Nguyễn Thanh Toàn đã để lại những năm tháng thanh xuân trên những trang báo đẹp, giàu nhựa sống. Được trò chuyện với ông, bỗng nhớ thật nhiều những thế hệ Hànộimới đi trước. Sự cần cù và khát vọng của họ đã chưng cất để tạo nên truyền thống, để thế hệ hôm nay được may mắn kế thừa.

Họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đánh giá: “Măng sét Báo Hànộimới rất đẹp và sáng tạo. Ba chữ “Hànộimới” được xếp liền một hàng để mọi người dễ đọc, dễ nhớ. Bố cục theo kiểu Grotest, nét chữ trơn hiện đại. Những đường trắng khía ở giữa làm cho chữ không nặng nề mà đẹp và thanh thoát hơn”.

Thu Hằng