Khiếu kiện xung quanh Dự án xây dựng một tuyến đường

Chính trị - Ngày đăng : 08:40, 02/11/2005

Xây dựng đường để bà con đi lại thuận tiện, các cháu đến trường được dễ dàng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình việc mở đường rộng tới 40 mét vì như vậy là không cần thiết và lãng phí tiền của nhân dân và Nhà nước... Trên đây là nội dung đơn phản ánh của nhiều người dân ở ngõ 495 đường Nguyễn Trãi với Báo Hànộimới.

... Xây dựng đường để bà con đi lại thuận tiện, các cháu đến trường được dễ dàng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình việc mở đường rộng tới 40 mét vì như vậy là không cần thiết và lãng phí tiền của nhân dân và Nhà nước... Trên đây là nội dung đơn phản ánh của nhiều người dân ở ngõ 495 đường Nguyễn Trãi với Báo Hànộimới.

Tìm hiểu thực tế, được biết, ngày 22-3-2004, UBND thành phố có công văn số 1568/QĐ-UB về việc thu hồi 35.758m2 đất tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), tạm giao cho Ban quản lý Dự án quận Thanh Xuân để điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện Dự án đầu tưlàm đường vào cụm ba trường học Thanh Xuân Nam. Theo bản đồ xác định chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập ngày 6-10-2003 được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xác nhận ngày 10-3-2004, tuyến đường có các mặt cắt ngang điển hình là 11,5m; 13,5m; 17,5m và 30m. Riêng đoạn từ Quốc lộ 6 vào cụm ba trường học (ngõ 495 đường Nguyễn Trãi) mặt cắt ngang 40m.

Tuy nhiên dự án này không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân khu vực. Lý do được đưa ra là đường vào trường rộng 40 mét là quá lãng phí, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều người thấy khó hiểu khi Quyết định của UBND thành phố cho phép lấy đất mở đường nhưng tại công văn số 01/TLĐT-HĐ GPMB của Hội đồng GPMB quận Thanh Xuân trả lời dân lại đề cập đến việc làm điểm đỗ xe.

Theo ông Hoàng Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng GPMB quận, tuyến đường từ Quốc lộ 6 đi qua ngõ 495 đường Nguyễn Trãi (thuộc Dự án xây dựng đường vào cụm ba trường học Thanh Xuân Nam) là tuyến đường theo quy hoạch nối từ đường Láng-Hòa Lạc qua phố Lương Thế Vinh đến đường vành đai 3. Ngoài mục đích tăng cường năng lực giao thông đô thị, tuyến đường này còn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh cụm 3 trường, phù hợp với Quyết định 112/1999/QĐ-UB ngày 28-12-1999 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và giao thông chi tiết quận Thanh Xuân giai đoạn 1 (2000-2020) và Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và giao thông chi tiết quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế nên trước mắt dự án cần tập trung đầu tư bước một, vừa phục vụ lợi ích công cộng vừa tăng cường năng lực giao thông của Thành phố và khu vực, đồng thời giải quyết vấn đề đi lại của các cháu học sinh.

BQL giải quyết vướng mắc này như thế nào để dự án sớm được thực hiện? Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Tiến Hùng- Phó Giám đốc BQL Dự án quận Thanh Xuân cho biết: Trong tổng số đất xây dựng dự án, đất nông nghiệp chiếm khoảng 20.000m2, cònlạilà đất ở và đất của một số cơ quan. Hiện BQL đã hoàn tất phương án đền bù cho các hộ có đất nông nghiệp, đang tiếp tục khảo sát, lên phương án đền bù đất ở, đồng thời tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con...

Thực tế hiện nay tuyến đường vào cụm 3 trường học rất nhỏ hẹp, có chỗ chỉ rộng 2 mét, nhiều đoạn hai bên lề đường cỏ mọc um tùm (ảnh), chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của các em học sinh khi ba ngôi trường được đưa vào sử dụng.

Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền và các ban ngành chức năng của quận Thanh Xuân cần nghiên cứu, xem xét lại tình hình thực tế nhằm giải quyết những khúc mắc của bà con khu vực, để tuyến đường vào cụm ba trường học sớm được xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

HNM

ANHTHU