Thêm hướng đi cho bảo tồn di sản kiến trúc
Kiến trúc - Ngày đăng : 06:33, 11/11/2022
Hồi sinh đô thị di sản
Quá trình cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị luôn gắn với nhiệm vụ bảo tồn, kiến tạo các di sản, không gian kiến trúc quy hoạch truyền thống. Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, di sản kiến trúc chính là lịch sử, là ký ức của đô thị. Sự hiện diện của những không gian truyền thống cho thấy quá trình hình thành và phát triển của đô thị. Do đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc di sản đô thị có vai trò rất quan trọng.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thành phố Hà Nội đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đô thị di sản, trong đó quỹ kiến trúc, cấu trúc đô thị là một bộ phận cấu thành. “Xu hướng chính cần theo đuổi là phải tạo thêm các điều kiện để vùng nội đô Hà Nội có thể tiếp tục tồn tại và phát triển mà không bị phai mờ bản sắc, hơn thế còn được tích hợp thêm các giá trị mới cả về vật chất lẫn tinh thần đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong hiện tại, đồng thời còn được chuyển giao cho thế hệ tương lai dưới dạng nguyên gốc tối đa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài phân tích.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cũng nêu một số giải pháp cụ thể để “hồi sinh” đô thị di sản. Đó là tạo công năng mới phù hợp với nhu cầu hiện đại của cư dân đô thị cũng như xu hướng phát triển bền vững; tạo lập không gian văn hóa mới, điểm nhấn đô thị mới và làm cho các yếu tố cấu trúc đô thị đang dần bị lãng quên trở nên cần thiết và hấp dẫn đối với cư dân đô thị.
“Trong giai đoạn hiện nay, thành phố đang phát triển công nghiệp văn hóa nên trên cơ sở cải tạo, chuyển đổi chức năng nhưng vẫn phát huy các giá trị vốn có, khai thác được không gian đã có trở thành những không gian sáng tạo cho cộng đồng là một giải pháp cần được cân nhắc. Không gian sáng tạo Hồ Gươm, hay chúng ta vẫn quen gọi là phố đi bộ Hồ Gươm, là bài học thành công khi thành phố đã tạo không gian mang tính cộng đồng, phát huy các giá trị không chỉ có kiến trúc mà còn cả phi vật thể, văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, gìn giữ lối sống, nếp sinh hoạt văn minh, thanh lịch cho nhân dân Thủ đô”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu ví dụ.
Thêm những ý tưởng mới, khả thi
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, tại cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” (năm 2021), bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc quy hoạch truyền thống là một trong ba hạng mục thu hút nhiều tác phẩm dự thi. Nhiều kiến trúc sư trẻ đã nhận diện, khai thác và chuyển hóa những giá trị tiềm ẩn của các không gian cũ gắn với truyền thống. Từ đó, các phương án dự thi nêu giải pháp trên cơ sở cải tạo, chuyển đổi chức năng nhưng vẫn phát huy các giá trị vốn có, khai thác được không gian cũ trở thành những không gian sáng tạo cho cộng đồng. Nhiều ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ, ngôn ngữ tạo hình hiện đại, đặc biệt là giá trị khả thi được chọn trao giải.
Cùng cộng sự được trao giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Quận nghệ thuật sông Hồng”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ, thiết kế của “Quận nghệ thuật sông Hồng” hướng đến xu thế chung là không gian xanh và giảm mật độ xây dựng xuống mức thấp nhất để con người vừa có thể kết nối cộng đồng, vừa tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên. Với diện tích 5ha, khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vốn có chất lượng sống khá thấp, nhưng hoàn toàn hội đủ các yếu tố để có thể trở thành một không gian nghệ thuật cuốn hút, một điểm đến thú vị với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian ngoài trời.
Đánh giá cao cách tiếp cận của nhiệm vụ bảo tồn không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống bằng các giải pháp kiến trúc, sáng tạo ra những giá trị mới, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là vẫn bảo tồn và không tác động xấu đến những đặc điểm, giá trị của di sản. Ngoài ra, các phương án cũng đã cân nhắc đến các yếu tố thực tế của điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực được chọn nên có tính khả thi, hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tế.
“Những ý tưởng khi được hiện thực hóa sẽ góp phần vừa bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, vừa tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho không gian truyền thống, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc”, kiến trúc sư Lê Thành Vinh phân tích.