Tìm giải pháp đổi mới hoạt động hội văn học, nghệ thuật Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 13:16, 11/11/2022
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, với 9 hội chuyên ngành, mục tiêu của Đại hội XIII Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đặt ra là từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Để làm được điều đó, đội ngũ lãnh đạo các hội chuyên ngành cần ý thức rõ trách nhiệm và vị trí của mình, nhận thức sâu sắc về tính chất đặc thù của hội; tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng Thủ đô và cả nước.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết của đại diện các hội chuyên ngành. Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội Bành Thị Mai Phương nêu ý kiến, trong thời đại công nghệ thông tin, các hội chuyên ngành như Hội Điện ảnh Hà Nội đã tận dụng lợi thế của hình thức sinh hoạt trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội để kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin và có những quyết định kịp thời về các hoạt động của hội.
Bên cạnh đó, Hội Điện ảnh Hà Nội cũng tổ chức nhiều buổi chiếu phim mới của hội viên, giao lưu những các đoàn làm phim để hội viên trau dồi và nâng cao chuyên môn. Hội cũng tổ chức liên hoan phim ngắn về đề tài Hà Nội nhằm thúc đẩy phong trào sáng tạo của các nghệ sĩ, khuyến khích và tôn vinh những tác phẩm điện ảnh với phong cách độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh đa dạng, thể hiện cái nhìn mới mẻ, sáng tạo, nhiều màu sắc về mảnh đất và con người Hà Nội, trong đó chú trọng thu hút những nhà làm phim trẻ...
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực, Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, xu thế, tốc độ phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang dần trở thành nhận thức chung của nhiều quốc gia, tiếp tục được coi là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển toàn diện và bền vững, tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc tế, đem lại giá trị nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
“Việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giao lưu về văn hóa, nghệ thuật giữa các vùng miền, khu vực và quốc tế là vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết. Muốn làm tốt được việc đó, các hội chuyên ngành phải tích cực mở rộng, giao lưu quốc tế, trở thành cầu nối giữa văn nghệ sĩ các nước, đề xuất cơ chế, chính sách với cơ quan quản lý trong hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, văn học, nghệ thuật quốc tế…”, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Trực nêu.
Tại tọa đàm, đại diện hội chuyên ngành về kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh… cũng đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng hội viên theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ; nâng cao chất lượng các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, các cuộc thi sáng tác chuyên đề nhằm thu hút, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sinh hoạt và sáng tác; hỗ trợ các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật về chất lượng sáng tác và tổ chức sinh hoạt nhằm từng bước bồi dưỡng và phát triển lực lượng.
Nhiều giải pháp về việc công bố, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật nhận được sự đồng tình như đăng tải trên website, trang mạng xã hội chính thức của hội, thông qua các kênh phát thanh, truyền hình uy tín…