Chủ động, sáng tạo, đột phá

Văn hóa - Ngày đăng : 06:11, 12/11/2022

(HNM) - Ý thức sâu sắc trách nhiệm phải trở thành trung tâm lớn về văn hóa, thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ quyết tâm và hành động trong thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” diễn ra ngày 24-11-2021. Một năm qua, những kết quả bước đầu ấn tượng cho thấy, Hà Nội không chỉ vào cuộc đồng bộ, khẩn trương mà còn thực sự chủ động, sáng tạo và có bước đột phá.

Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) có nhiều màn diễn độc đáo, khắc họa truyền thống dựng nước và giữ nước. Ảnh: Nguyễn Quang

Khẳng định tư duy, tầm nhìn đột phá

Theo tổng hợp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 100% các tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố đã hoàn thành việc quán triệt, học tập với tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt 97%, cán bộ, đoàn viên, hội viên đạt 95%. 30/30 quận, huyện, thị ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, đề án... để triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Nét mới nổi bật là Thành ủy Hà Nội đã chủ động ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ và đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phấn đấu đưa Thủ đô trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới; là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô trong việc cụ thể hóa chủ trương quan trọng của Đảng.

Một bước đi mang tính đột phá nữa là Hà Nội đã quyết định đưa nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2022-2025. Cụ thể là, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố. Trong đó, đối với lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích, thành phố sẽ đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói chuyện với người dân Thủ đô tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, tháng 10-2022. Ảnh: Lâm Khánh

Hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho con người

Điểm nhấn trong mục tiêu đầu tư của thành phố Hà Nội là các dự án liên quan đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, khi được hoàn thành, cùng với việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ mang tính đặc thù riêng, hai di sản văn hóa này nhất định sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố đã thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn đổi mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Bởi quyết định đầu tư mạnh vào văn hóa vừa giúp bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, vừa phát huy những tiềm năng to lớn phát triển dịch vụ, du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.

Thành phố còn đặc biệt quan tâm, đầu tư cho các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở. Đến nay, toàn thành phố đã có 4.334 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 80,3%; đã, đang và sẽ đầu tư một số thiết chế văn hóa, thể thao có quy mô lớn như: Cung Thiếu nhi, Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, Cung Thanh niên Hà Nội, 4 công viên lớn, 14 cơ sở luyện tập và thi đấu thể thao cấp thành phố...

Coi con người là trung tâm để xây dựng và phát triển văn hóa, Hà Nội đang duy trì và ngày càng hoàn thiện bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” thực hiện trong trường học. Theo PGS.TS Hà Đình Đức, bộ tài liệu đã và đang góp phần giáo dục học sinh về thái độ và hành vi cần có  trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người thanh lịch, văn minh...

Không dừng lại ở những chủ trương, quyết sách căn cơ, bài bản và toàn diện, Hà Nội còn thể hiện rõ tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, hành động vì các mục tiêu phát triển văn hóa như việc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long, lễ hội sáng tạo, phát triển không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm... Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, sự kiện lễ hội sáng tạo sẽ là khởi nguồn cho các sáng tạo mới mẻ, đột phá.

Hình ảnh các nguyên thủ quốc gia hào hứng hòa mình vào phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm khi đến thăm Việt Nam thực sự mang tính biểu tượng cho thành công bước đầu cũng như hy vọng tương lai phát triển mạnh mẽ, vươn tầm của văn hóa Hà Nội.

Hiền Lương