Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022): Phát huy giá trị của di tích
Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 12/11/2022
Những giá trị nổi bật
Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ. Không chỉ là dấu tích lịch sử một thời, minh chứng thuyết phục cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc, Thành cổ Sơn Tây còn là nơi duy nhất lưu giữ nhiều kiến trúc nguyên gốc, thể hiện kỹ thuật xây dựng các công trình quân sự phòng thủ của Việt Nam ở phía Bắc.
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Thành cổ Sơn Tây là một di tích quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Thành cổ Sơn Tây là điểm hẹn thú vị cho những người yêu thích khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc quân sự đặc sắc; nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho địa phương tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị, từ đó tạo ra điểm nhấn hội tụ - kết nối của văn hóa xứ Đoài...
Điểm nhấn hội tụ - kết nối của văn hóa xứ Đoài
Với những giá trị tiêu biểu và đặc sắc, nhiều năm qua, Thành cổ Sơn Tây luôn được quan tâm, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị. Nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ, thị xã Sơn Tây triển khai nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nhằm khẳng định vai trò, vị trí của di sản, đưa di sản trở thành một trong những điểm nhấn hội tụ, kết nối lịch sử, văn hóa xứ Đoài.
Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, thị xã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa như: Trưng bày tranh ảnh, hiện vật về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, thư pháp, diễn xướng hát văn…; tổ chức các hoạt động sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, ẩm thực cho nhân dân địa phương và du khách… Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch diễn ra tại chính không gian Thành cổ vào ngày 12-11, với chương trình nghệ thuật đặc sắc, quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, hứa hẹn mang đến cho nhân dân, du khách những ấn tượng đặc biệt. Cùng ngày, tại Sân vận động thị xã có Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động: “Bay tự do ngắm bình minh Sơn Tây”, “Bay treo trải nghiệm ngắm Thành cổ Sơn Tây”, “Tham quan, trải nghiệm, chụp hình tương tác trực quan với khinh khí cầu”, mang đến cơ hội trải nghiệm cảm xúc mới lạ, độc đáo cho du khách và người dân địa phương.
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, trước đó địa phương đã triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để “đánh thức” tiềm năng của di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm”… cũng như lên lộ trình tu bổ tổng thể và xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ.
“Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là dịp để tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ và những tiềm năng du lịch của thị xã Sơn Tây đến với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, góp phần đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nói riêng và Hà Nội nói chung”, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.