Những kỷ niệm với Câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm
Văn hóa - Ngày đăng : 13:19, 13/11/2022
Khoảng cuối năm 1995, đầu năm 1996, tôi được giao viết kịch bản phim tài liệu cho dịp kỷ niệm 40 năm khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là khoa Văn học - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong phần về ngành Hán Nôm, tôi muốn có một cảnh quay sinh viên Hán Nôm đang thực hành thư pháp chữ Hán. Tôi hỏi các thầy đang dạy trong khoa, nhưng tuyệt không còn ai biết cầm bút lông. Phải làm sao đây?
Lúc đó, tại Hà Nội, chỉ có mấy người hay viết thư pháp còn lại: Cụ Hồng Thanh cứ đến Tết là viết chữ bày bán ở 62 - 64 phố Bà Triệu; cụ Lê Xuân Hòa thường chỉ viết ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi khi xuân về; cụ Nguyễn Văn Bách thì viết chữ tại gia, chữ cụ quý và hiếm lắm, thân quen mới xin được; nhà văn Tào Mạt thường viết ở thềm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, cụ thường đập cành tre ra làm bút để mô phỏng nét bút “phi bạch”; họa sĩ Lê Quốc Việt, người vừa thạo cả thư họa và thư pháp Hán, viết chơi tặng bè bạn và sáng tác tranh...
Sau khi đi một vòng tìm hiểu, tôi lên phòng Hiệu trưởng Phùng Hữu Phú. Ông là người liên tài, rõ tính nghệ sĩ nhưng không xa rời thực tiễn. Nghe tôi trình bày về thư pháp và việc đào tạo chuyên môn cho sinh viên ngành Hán Nôm, ông ngẫm nghĩ và nói:
- Hay quá! Độc chiêu! Trường vừa nhận được dãy tầng ba nhà C4 Ký túc xá Mễ Trì, định dành cả cho khoa Quân sự, nay tớ giao cho cậu một phòng đầu hồi, muốn làm gì thì làm. Xong chưa?
Mừng quá, tôi đi nhận chìa khóa phòng và vạch kế hoạch thành lập CLB Thư pháp. Giấy thì lôi từ gầm bàn nhà mình ra những tập giấy thi đại học hằng năm thừa ra tích lại, thiếu thì lên các văn phòng xin thêm báo cũ; bút mực thì ra phố cổ mua một túi về. Sinh viên thì mời từ ngành Hán Nôm, ai thích thì tham gia. Cứ lên phòng ấy, cầm bút muốn vẽ gì thì vẽ.
Hội viên lúc đông nhất có Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Văn Thanh, Lê Công Luận, Trần Trọng Dương, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Tô Ly, Quách Thu Hiền, Chu Thanh Nga, Nguyễn Đạt Thức, Nguyễn Tô Lan, Phùng Minh Hiếu... Đó là các sinh viên ngành Hán Nôm từ K40 đến K45. Những hội viên trẻ ngày ấy nhiều người giờ đã trở thành thư pháp gia, chuyên gia Hán Nôm có tên tuổi.
Đến mời thầy thì khó. Tôi tìm tới Viện nghiên cứu Hán Nôm để hỏi nhưng không được. Đánh liều, quyết định ra mời cụ Lê Xuân Hòa vào dạy những nét bút đầu tiên, nhưng được vài buổi thì hết vốn. Cũng may, Nguyễn Văn Thanh học với ông nội từ bé nên chữ “chân” đã vững, lại được rèn cặp cẩn thận, đến bày cho các bạn.
Họa sĩ Lê Quốc Việt đi lại hướng dẫn nhiều hơn cả. Lê Quốc Việt là họa sĩ nên xử lý không gian rất tinh tế, không phải thư pháp gia nào đứng trước tờ giấy cũng có con mắt mỹ thuật đó.
Mới vẽ lên chữ, chúng tôi đã tổ chức triển lãm trong trường, trong khoa. Và liều mạng hơn, hay ai đó xui dại, chúng tôi tổ chức triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi nhớ nhất lần ấy. Chữ treo xong, Giáo sư Kiều Thu Hoạch kéo áo tôi, chỉ vào mấy bức:
- Vĩ xem, thế này mà cũng triển lãm à. Chữ thì so vai, đây này, chữ thì rụt cổ, đây này, chữ thì vẹo cột sống, phải đây không, chữ chân cà khiễng, đây, chữ này thì khòng khòng chả khác gì “mụ Cầu khất thực” cả.
Tôi ngượng chín mặt nhưng đã nhỡ treo lên rồi. Điếc không sợ súng, cũng khai mạc như thường.
Rồi cũng khôn ra dần dần, mỗi người lựa chọn lấy một kiểu mà mình thích để luyện: Chân, triện, hành, thảo... Tùy.
Phong trào bắt đầu lan tỏa ra nhiều trường đại học như Sư phạm, Ngoại giao, Ngoại thương, Văn hóa... Và cũng từ đó, các phố quanh Văn Miếu dần trở thành phố thư pháp nhộn nhịp trong cả tháng Xuân. Các “anh đồ, chị đồ” tha hồ vung bút.
Một lần, tôi vừa từ Hội Xuân về gần đến nhà thì điện thoại reo: “Thầy ra đây mà xử. Chúng nó cãi nhau”. Tôi quay xe lại thì thấy cả đám đang ngồi quán rượu. Té ra là mọi người đang tranh luận về hai “trường phái” thư pháp “lâm mô” và “trừu tượng”. Các bạn Ngoại thương, Sư phạm thì theo phái “lâm mô”, "thuật nhi bất tác". Các bạn Khoa học Xã hội và Nhân văn thì theo trường phái “trừu tượng” với lý lẽ là cứ “lâm mô” thì cả đời theo đuôi người ta cũng không xong. Phải phát triển một trường phái của riêng mình.
Tôi giải tán cuộc rượu và đề nghị ai muốn theo gì thì theo, đẹp là được.
Tôi gọi các bạn ngành Hán Nôm lại và gợi ý viết thư pháp chữ Nôm với lý do, trong tiếng Việt đa phần là gốc Hán như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng nói. Chữ Nôm cũng tương tự dù cấu tạo ghi âm rõ nét hơn. Vậy, một đoạn chữ Nôm thì giới thư pháp Hán học sẽ nhìn hình mà cảm cái ý được. Ví dụ câu: "Lác đác tàu tiêu mấy hạt mưa" thì chắc họ hiểu hết qua mặt chữ được trình bày nghệ thuật.
Câu lạc bộ chuyển hướng theo thư họa trừu tượng và bắt đầu tổ chức sáng tác.
Công việc đầu tiên là phân công nhau dịch tài liệu tiếng Anh, Trung, Pháp về nghệ thuật hội họa đương đại, đóng lại thành tập, chuyển cho nhau đọc để trao đổi chuyên môn. Xong là tập trung sáng tác.
Nửa tháng sau, tôi nhận được điện thoại sang chỗ Lê Quốc Việt thuê ở, để “nghiệm thu” tác phẩm. Tôi đưa theo con trai đi ghi hình tư liệu. Sang đến nơi, trời ơi! Trên trời dưới giấy và... rượu. Anh em đánh trần quần lửng, liêu xiêu góc này góc nọ. Hơn 100 bức thư pháp lạ lùng được bày ra. Đẹp hay không chưa nói, nhưng đúng là rất lạ.
Chuyện kể rằng: Phơi tranh ở thềm không đủ chỗ, đem rải cả xuống sân. Nhưng do bất cẩn khi say rượu, một thành viên của nhóm đã khiến bức thư pháp trông rất lạ: Nó có những vết loang đa tầng màu chồng lên nhau, nhưng hoàn toàn khác với cách dùng mực đa sắc của thư pháp Nhật Bản. Lớp lang màu tự do hơn, ngẫu hoặc hơn và trùng phức hơn nhiều. Từ gợi ý đó, anh em dùng một chất sinh học tự nhiên để tạo ra sự trùng sắc kỳ lạ và độc đáo. Đúng là một bí quyết.
Chuyện kể rằng: Nhanh như chớp, thư pháp Tiền vệ đó đã được nước ngoài biết đến. Để bồi thư pháp, kỹ thuật trong nước không đáp ứng, phải sang tận Quảng Tây (Trung Quốc) bồi thủ công từng tấm. Họ giữ bí mật nghề nghiệp nên không cho tiếp cận công việc, cứ hôm nay giao tranh, ngày mai đến lấy, họ làm cả đêm. Nhưng chỉ hai ngày sau, một số họa sĩ thư pháp từ Bắc Kinh đã bay đến. Hỏi ra thì biết, họ được chủ xưởng ở đây gọi điện báo là có một nhóm thư pháp Hà Nội sáng tác rất lạ lùng, muốn đến để giao lưu.
Từ đó, thư pháp Tiền vệ gặp được một kỹ sư thẩm định và môi giới nghệ thuật là bà Souzan ký hợp đồng sáng tác, giao dịch tác phẩm. Điều kiện là tất cả sáng tác của nhóm không được cho/ tặng hoặc bán ra ngoài. Thư pháp Việt được triển lãm tại Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Gần đây, trong giới sinh viên, chuyện thư pháp có vẻ lắng lại. Nhân kỷ niệm 50 năm lập ngành Hán Nôm, chúng tôi đã đề nghị các "cây thư pháp" đã thành công sẽ trở lại dạy các thế hệ sau bộ môn nghệ thuật rất phù hợp với mục tiêu đào tạo này.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm là một trong những lực lượng chủ đạo làm công tác Hán Nôm trong cả nước. Nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, có những công trình nghiên cứu xuất sắc về Hán Nôm và văn hóa Việt Nam truyền thống.