Để Hòa Bình trở thành thành phố
Chính trị - Ngày đăng : 09:31, 26/10/2005
Nhà hát Hoà Bình Ảnh: Hồng Dung
Có thể nói, việc thị xã Hòa Bình được nâng cấp thành thành phố (khi trở thành hiện thực) sẽ là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Hòa Bình. Đó không chỉ là niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào mà còn là quyền lợi của cán bộ, nhân dân thị xã Hòa Bình nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung. Tuy nhiên, để sớm được lên thành phố và cả sau khi đã là thành phố, tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị loại 3, Hòa Bình vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần phải bàn với sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, nhân dân khu vực thị xã, trong đó, vai trò tiên quyết từ các nhà quản lý.
Tôi vốn người xứ Đoài, là dân của thị xã Hòa Bình trên dưới 40 năm và đã từng gắn bó với nhiều dấu tích, địa danh thiên nhiên, con người ở thị xã, trong đó có những địa chỉ đã thành thơ ca, nhạc họa như: phố Đúng, đầm Quỳnh, đồi Ông Tượng... song vẫn phải thừa nhận những ý kiến của số đông bè bạn, trong đó có nhiều quan chức đã từng chu du ngang dọc trong và ngoài nước. Họ than phiền về cung cách quản lý đô thị ở thị xã Hòa Bình đang còn nhiều bất cập.
Hòa Bình đã bỏ lỡ khá nhiều thời cơ để khai thác thế mạnh, tiềm năng của một thị xã có đủ cả: trên bến, dưới thuyền, giao thông thuận tiện, sơn thủy hữu tình, đặc biệt là có nền văn hóa nhiều dân tộc phát triển, trong đó có văn hóa Mường được quốc gia quan tâm gìn giữ, nâng cao để đến bây giờ vẫn đang là một thị xã bề bộn, dang dở và phức tạp về quy hoạch.
Nhiều người cho rằng, trong quy hoạch và kiến trúc đô thị, dù hiện đại đến đâu cũng cần tạo nên ấn tượng đáng nhớ của một thành phố, nhất là đối với các đô thị có từ lâu đời. ấn tượng đó có thể là một nét văn hóa, một khu phố, một cảnh quan có tính đặc thù của một tỉnh, một khu vực. Chẳng hạn, đến thành phố Hải Phòng là nhớ đến tên thành phố hoa phượng đỏ, đến thủ đô Hà Nội là nhớ tới hồ Hoàn Kiếm với khu phố cổ “băm sáu phố phường”, lên Đà Lạt nhớ tới thành phố của thông, của hoa, ngay đến thị xã nhỏ ở xứ Đoài cũng nhớ đến thành cổ giữa hào xanh và những dãy cây bàng cổ thụ... Chúng ta đã có nhiều bài học phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức để phục hồi lại các khu di tích cổ bị xuống cấp do sự vô tâm, vô tình và cả sự cố tình của con người... Hãy từ thực tế đó để suy nghĩ đến tầm quy hoạch chiến lược của thành phố Hòa Bình cho dù thị xã đã không còn những dáng hình xưa như: đầm Quỳnh Lâm, hàng cây gạo dọc theo đường số 6 khu vực Đồng Tiến hay phố Đúng bên bờ trái sông Đà... Những cái cũ, lạc hậu, hoang sơ thì ở các thành phố lâu đời nào cũng có, vấn đề phải bàn là nên lưu giữ lại ở góc độ nào ? ở tên gọi, dáng hình hay tính chất lịch sử ? Không phải ngẫu nhiên mà Pari vẫn còn nguyên vẹn bao lâu đài, cầu, cống, viện bảo tàng từ thời đại Lui, Napôlêon, Pêtanh. Ngay như ở Bắc Kinh, ngày ngày ngành du lịch của thành phố này vẫn thu hàng triệu nhân dân tệ từ du khách thăm quan các công trình thời phong kiến.
Công bằng mà nói thì kể từ sau ngày tỉnh tái lập, việc quy hoạch tổng thể tỉnh lỵ và các thị trấn đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong đó, bài bản và bề thế nhất là bản quy hoạch thành phố được phê duyệt ở cấp Bộ vào năm 2004. Chỉ tiếc rằng nhiều ý tưởng vẫn đang còn dang dở, ý chưa trở thành hiện thực.
Việc thị xã được nâng cấp lên thành phố còn là quyền lợi lâu dài của người dân thị xã. Tuy nhiên, quyền lợi ấy phải được gắn với trách nhiệm mà trách nhiệm trước hết của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình là phải tuân thủ mọi quy định về giao thông, trật tự và nếp sống trên đường phố. Đã là thành phố thì những quy định về các vấn đề nêu trên đều ở mức độ khoa học hơn, chặt chẽ hơn đòi hỏi mỗi người dân phải tự mình loại bỏ dần các thói quen nào chưa phù hợp với nếp sống mới ở thành phố để học hỏi, tiếp thu và hoàn thiện cho mình cách sống, làm việc phù hợp văn minh đô thị.
Còn nhiều vấn đề cần bàn từ nay đến khi thị xã Hòa Bình được mang tên thành phố. Và cả nhiều năm sau nữa, khi đã là thành phố vẫn cần bàn đến công tác quản lý đô thị để còn phấn đấu nâng hạng lên đô thị loại 2, loại 1. Những điều cần bàn trong bài viết này luôn là nguyện vọng, ước mơ của tôi, một người dân rất yêu và trân trọng thị xã của mình. ở góc độ bàn và những vấn đề đặt ra không thể tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện. Song đó chính là vấn đề nảy sinh trong dư luận xã hội để các bạn đồng nghiệp cùng phản ánh nhằm mục tiêu cao cả là tiến tới thành phố Hòa Bình giàu đẹp, văn minh, sánh vai với các thành phố trong cả nước.
HNM