Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 17:59, 19/11/2022
“Nhiều người trẻ ngại mặc trang phục của dân tộc mình”
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân, thách thức trong việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trong giai đoạn hiện nay, như: Sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường; sự biến đổi của trang phục truyền thống các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người; nhiều người trẻ “ngại” mặc trang phục dân tộc; nguồn nguyên liệu truyền thống không dễ kiếm trong khi kỹ thuật dệt thêu ngày càng mai một...
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội Đặng Vũ Hải nêu: “Cùng với sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm thay đổi thói quen sử dụng trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông, đặc biệt là ở giới trẻ. Bên cạnh đó, nhiều người còn tự ti, mặc cảm, sợ bị coi là lạc hậu, không hiện đại, nên ít khi sử dụng trang phục đặc trưng của dân tộc mình”.
Trong khi đó, theo Phó Vụ trưởng, Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng, nhiều nơi, đồng bào chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày Tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. Việc sản xuất công nghiệp trang phục truyền thống đã thay thế việc sản xuất thủ công, dẫn tới mất kiểm soát về họa tiết, hoa văn, đường nét tinh tế… cũng như khiến trang phục truyền thống ngày một mai một, thậm chí biến mất trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Duy trì tập quán sử dụng trang phục truyền thống
Quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra nhanh và mạnh cũng khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đứng trước những đòi hỏi lớn là giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển. Trong đó, xu hướng trang phục truyền thống dần biến mất khỏi cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa, xã hội.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu không muốn mất đi những nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng 53 dân tộc anh em, cùng cơ hội phát huy bản sắc trên nền tảng gốc của trang phục.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cần có những yêu cầu, mục tiêu cụ thể cho vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống, như: Mỗi một người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, khai mạc các tổ chức, đoàn thể, ngày hội; khuyến khích vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản, vừa tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến; đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ Văn hóa đang thực hiện…
Tiến sĩ Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa) cho rằng, để bảo vệ và phát huy được di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống, trước hết cần nâng cao và thay đổi nhận thức của xã hội về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, cần duy trì tập quán sử dụng trang phục thông qua việc gìn giữ, thực hành các truyền thống văn hóa khác nhằm tạo môi trường, không gian, điều kiện để di sản văn hóa trang phục truyền thống của cộng đồng, dân tộc ngày càng gắn bó và hiện hữu trong các hoạt động văn hóa này.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghệ 4.0 đang tạo ra thách thức với công tác bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ góc nhìn: Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau.