Làng Khuyến Lương

Xã hội - Ngày đăng : 08:57, 25/10/2005

(HNMĐT) - Làng Khuyến Lương tên Nôm là Kẻ Mui hay Mui Chợ, để phân biệt với Mui Chùa là làng Yên Duyên (nay thuộc phường Yên Sở). Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Khuyến Lương là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Cầu phao Khuyến Lương

(HNMĐT) - Làng Khuyến Lương tên Nôm là Kẻ Mui hay Mui Chợ, để phân biệt với Mui Chùa là làng Yên Duyên (nay thuộc phường Yên Sở). Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Khuyến Lương là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 là tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Sau Cách mạng Tháng Tám, Khuyến Lương thuộc khu Mê Linh, ngoại thành Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc xã Vạn Xuân, quận VI của ta và nằm trong quận Quỳnh Lôi của chính quyền bù nhìn. Sau Cải cách ruộng đất, xã Vạn Xuân được chia thành các xã nhỏ, trong đó có xã Trần Phú (gồm các làng Khuyến Lương, Nam Dư Hạ, Yên Lương) thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Đến tháng 5 - 1961, xã Trần Phú và các xã trong huyện Thanh Trì được cắt về thành phố Hà Nội. Tháng 11 - 2003, quận Hoàng Mai được thành lập, xã Trần Phú được chuyển thành phường và trở thành một đơn vị hành chính của quận này.

Khuyến Lương nằm bên bờ sông Hồng. Đầu làng có bến đò Khuyến Lương để sang đất huyện Gia Lâm, tạo thế thông thương cho làng. Tuy nhiên, sông Hồng thường xuyên gây lũ lụt cho đồng ruộng của làng phần lớn là chiêm trũng và đẩt bãi bồi, nên việc làm ăn của dân làng rất khó khăn. Bù lại, dân làng có nghề đánh bắt cá trong đồng trũng, trên sông Hồng và đặc biệt là vào mùa mưa lũ thường đi vớt củi, gỗ trôi trên sông, gọi là củi đồng để bán. Câu ca cũ “Kẻ Mui thì bán củi đồng”.

Làng Khuyến Lương từ xưa thờ hai vị thần là hai anh em ruột, không rõ lai lịch là Châu Uy Thành Vũ và Chân Linh Hiển Từ. Về sau lại thờ thêm hai vị thành hoàng nữa là Trần Khát Chân và Nguyễn Trãi. Vị thần Trần Khát Chân chính là tướng quân Trần Khát Chân (? - 1399) có công đập tan các cuộc tấn công xâm lược của quân Chiêm Thành ra Kinh đô Thăng Long vào cuối thế kỷ XIV. Có thuyết nói rằng, chính Trần Khát Chân đã bắn chết Vua Chiêm là Chế Bồng Nga trên sông Hồng ở bến Khuyến Lương (năm 1390). Từ sau đó, quân Chiêm không còn đánh ra Bắc và Thăng Long nữa. Làng Khuyến Lương cũng nằm trong thái ấp của Trần Khát Chân, nên dân làng thờ ông. Còn Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là vị anh hùng giải phóng dân tộc, người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập dân tộc, lập ra nhà Lê (1428 - 1789), nhà văn hóa lớn của đất nước, danh nhân văn hóa thế giới. Khuyến Lương chính là nơI Nguyễn Trãi sau khi thoát khỏi sự giam cầm của nhà Minh, về dạy học. Câu “Góc thành Nam, lều một gian” chính là nói về làng Khuyến Lương. Đây là làng duy nhất ở Thủ đô Hà Nội thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Làng Khuyến Lương có ngôi chùa Diên Phúc, tương truyền được dựng từ thời Lý. Trong chùa còn một số di vật Hán Nôm có giá trị, như cây hương đá dựng năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730), chuông và khánh đúc năm Cảnh Hưng thứ tám (1747). Cả chuông và khánh đều do vợ chồng quan Tri phủ Nam Sách (trấn Hải Dương), tước Hoa Tài hầu cúng 40 quan tiền để đúc. Ngoài ra, trong chùa còn quả chuông đúc năm Minh Mạng thứ hai (1821) và khánh đồng đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839), tấm bia ghi việc trùng tu chùa vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Cùng với đình, chùa làng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.

Làng Khuyến Lương có vinh dự lớn là được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào đúng ngày mồng Một Tết năm Tân Sửu (15 - 2 - 1961).

Ngày nay, Khuyến Lương trở thành vùng đất chuyên canh rau và cá của quận Hoàng Mai, Hà Nội.

TS.Bùi Xuân Đính

TUYETMINH