Thế nào là một nhà phê bình chuyên nghiệp?
Văn hóa - Ngày đăng : 08:05, 27/11/2022
Tâm lý mong muốn tự bộc lộ, bối cảnh tự do của việc in ấn xuất bản cho phép người đọc trình bày, công bố cách đọc, khả năng đọc của mình. Đôi khi, việc trình bày này được đánh đồng với phê bình văn học như một hoạt động chuyên nghiệp. Theo tôi, một nhà phê bình chuyên nghiệp là người xác lập phê bình như là chuyên môn của mình, từ đó học tập, đào tạo, bồi dưỡng và theo đuổi công việc một cách chuyên tâm, bền bỉ. Nhà phê bình chuyên nghiệp là người có phương pháp, có quan niệm riêng và vững chắc về giá trị, có khả năng thích ứng với các động thái văn chương mới, tiếp cận được các lý thuyết văn học, đồng hành với đời sống văn học đương đại. Nhà phê bình chuyên nghiệp không chỉ bày tỏ quan niệm giá trị của mình, mà còn biết cụ thể hóa, khái quát hóa, thậm chí là mường tượng - dự báo các giá trị đang và sẽ xuất hiện trong đời sống văn chương nghệ thuật, đưa đến cho công chúng thực đơn để lựa chọn.
Nhà phê bình chuyên nghiệp vừa có phẩm chất của một nhà khoa học, vừa có phẩm chất của một nghệ sĩ. Sự mẫn cảm, tinh nhạy trong việc phát hiện ra các giá trị sâu xa gửi gắm trong văn chương nghệ thuật, hoặc giải mã được các cấu trúc thẩm mỹ định hình từ văn bản là điểm khác biệt làm nên giá trị của nhà phê bình. Không chỉ như thế, từ sự quan sát, thẩm định của mình, các thao tác khoa học được triển khai, nhằm diễn giải một cách logic, sáng rõ kinh nghiệm nội tại trong tinh thần và trí tưởng của nhà phê bình, đưa đến cho công chúng những tiêu điểm để có thể nhận diện, đánh giá hay lựa chọn giá trị văn chương phù hợp.
Dẫu sao, những trình bày ở trên cũng chỉ mới là một cấp độ của phê bình chuyên nghiệp. Ở cấp độ cao hơn, nhà phê bình chuyên nghiệp là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa. Các hiện tượng văn học chỉ như công cụ phục vụ cho quan niệm giá trị, cho tư tưởng mà nhà phê bình theo đuổi. Ở đây, câu chuyện sáng tác có trước hay phê bình có trước được đặt ra và vẫn chưa có lời phân giải sau cùng. Không phải là chuyện quả trứng hay con gà, mà là câu chuyện điều gì nảy sinh từ hư vô, trong tâm tưởng, tinh thần, suy tư của người viết? Nhà phê bình thực hành cụ thể hóa tư tưởng thẩm mỹ - mỹ học của mình thông qua việc khảo xét các tác phẩm văn học, từ đó khẳng định hay làm sáng rõ quan điểm mỹ học của họ. Khi đã có một hệ giá trị, hệ mỹ học riêng, việc lựa chọn tác phẩm, khám phá... hoàn toàn là các thao tác đến sau.
Chẳng hạn, ta có thể xem Chu Văn Sơn là một nhà phê bình chuyên nghiệp, ở cấp độ tinh hoa. Sinh thời, ông không viết nhiều, không chiều lòng độc giả, không viết giao đãi thù tạc, ông chỉ viết khi thấy vấn đề mà mình suy nghĩ thực sự có ý nghĩa. Nhìn ra, các thực hành phê bình của Chu Văn Sơn đều gắn với việc đọc rất sâu, kỹ, tinh tế đối với các hiện tượng văn học nổi bật. Khi xâu chuỗi những bài viết của ông mới thấy đó là sự cụ thể hóa của một tư tưởng phê bình luôn nung nấu trong tâm can: Cái đẹp là cái sống - Nghệ thuật là sự cất tiếng của lòng hiếu sinh. Đó là lõi tư tưởng để Chu Văn Sơn kiếm tìm, định giá văn chương nghệ thuật.
Trở lại với những câu hỏi đã nêu lên ở đầu bài viết, liệu đời sống văn chương nghệ thuật có cần nhà phê bình không? Để làm gì? Câu trả lời vốn đợi sẵn chúng ta trong thực tiễn đang tồn tại của hoạt động phê bình bên cạnh sáng tác. Nếu không cần thiết, dĩ nhiên, các hiện tượng sẽ tự tiêu vong. Khoa học văn học được cấu thành nên bởi lịch sử văn học, lý luận văn học và phê bình văn học. Chính cơ cấu đó đã định hình một tình thế tồn tại của văn học (như một khoa học) bên cạnh các hoạt động sáng tác. Phê bình văn học, dẫu bị (được) phân ra những kiểu - lối khác nhau (phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình nghệ sĩ...) vẫn luôn đồng hành cùng người nghệ sĩ sáng tạo. Có một sự thật cần được nhấn mạnh ở đây, một nền văn học chỉ thực sự chuyên nghiệp khi nó có một nền phê bình chuyên nghiệp. Vậy thì, tại sao lại có thể nói không cần nhà phê bình được?