Kỳ II: Luật pháp hay “lệ làng” ?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:41, 21/10/2005
Trong CV 8896 (năm 1998) của Bộ GD-ĐT gửi cho Viện đã nêu rõ: “NCS tốt nghiệp cao học hệ thống nông nghiệp nay chuyển sang làm NCS trồng trọt, phải học bổ sung những môn còn thiếu; chứng chỉ các môn học này sẽ được đưa vào hồ sơ bảo vệ luận án”. Chuyện lạ là NCS này đã không đáp ứng được những yêu cầu pháp lý đó mà bằng CV 4114, Bộ GD-ĐT lại cho rằng: “Ông Doanh, ông Hoàng có nhiều năm cống hiến cho Viện, Viện không yêu cầu học thêm là thẩm quyền của Viện”.
Điều này quả là khó chấp nhận, bởi không có một văn bản pháp quy nào quy định là cơ sở đào tạo có quyền làm như vậy; Vụ ĐH và SĐH biết sai quy chế Nhà nước mà vẫn duyệt, theo chúng tôi là cố ý làm trái luật pháp!
Nhưng chưa đủ, CV 4114 (của Bộ GD-ĐT) chỉ ghi một nơi gửi duy nhất là cho Cơ quan điều tra Công an Hà Nội, vậy mà không hiểu bằng cách nào quyền Viện trưởng Viện KHKT NN VN TS Tạ Minh Sơn lại có và gửi đi nhiều nơi để bảo vệ những sai trái, gian lận của cán bộ cấp dưới là Phó Viện trưởng Lê Quốc Doanh và Trưởng phòng đào tạo SĐH Nguyễn Huy Hoàng. Mới đây, trong kỳ đại hội công nhân viên chức của Viện, TS Sơn còn đưa ra một “quan điểm” khác thường: “Việc thi hộ, thi kèm ở Viện là rất nhỏ, ở ngoài đường Đại Cồ Việt còn có hàng tấn phao thi!”.
Xin trở lại vấn đề thi hộ này. Theo kết luận của Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội: căn cứ các kết luận giám định khoa học hình sự thì chữ viết trong các bài thi Anh văn của NCS Đoàn Hữu Thanh là của Lê Quốc Thanh, còn chữ viết ở các bài thi của NCS Trần Tiến Hùng không phải là chữ viết của ông Hùng.
Như vậy cơ sở để khẳng định việc “thi hộ, thi thay” đã là quá đủ. Cao hơn thế, dư luận có quyền đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là chuyện vi phạm có tổ chức ? Vì như trên đã phân tích, các cuộc thi này đều được lập Hội đồng thi, có hẳn 2 giám thị ký vào bài thi, nếu không do những người có trách nhiệm trong Viện, trong Hội đồng thì làm sao lại có bài thi ở cấp quốc gia mà chữ viết lại không phải của thí sinh dự thi ?
Tiếp theo là 7 bài thi của 7 môn học mà NCS Trần Văn Tuân phải thi, theo tố cáo là “đút bài vào sau”; để xác minh nguồn tố cáo này, Thanh tra Viện đã kiểm tra và khẳng định ông Tuân không hề tham dự thi 7/24 môn học, nhưng bất ngờ là phòng SĐH của Viện đã nộp đủ 7 bài thi... photocopy của ông Tuân và biên bản chấm thi các môn học... cũng photocopy cho CQĐT, không hề có bản gốc.
Trên bài thi và biên bản chấm thi đó không hề có ngày tháng. Điều này có thể khẳng định rằng: ông Tuân không thi, không có bài thi, những bản photocopy chỉ để hợp lý hóa một cách vụng về và không thể ghi ngày tháng thi hay chấm thi được vì... nhỡ viết nhầm, không khớp với tài liệu khác thì lộ !
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: Các kỳ thi đầu vào của nghiên cứu sinh được tổ chức cấp quốc gia, có hội đồng thi, có giám thị, có hội đồng chấm thi... đủ lệ bộ, qua bao nhiêu cấp duyệt, vậy mà có bài thi không phải chữ viết của thí sinh. Như vậy nếu những người có quyền năng ở cơ sở đào tạo không tổ chức, không có “đường dây đen” thì làm sao những bài thi của những ông TS tương lai lại được đút vào với đầy đủ chữ ký của giám thị. Để cuối cùng những người gian dối này đều đã trở thành TS ?
Đặc biệt trong bản kết luận của CQĐT có ghi: “Viện cho biết Viện chưa thể cung cấp bản gốc hoặc bản chính của tài liệu photocopy kể trên khi chưa có ý kiến hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ GD-ĐT và Bộ NN-PTNT”. Chẳng lẽ một việc trái pháp luật như vậy mà các cơ quan chức năng cũng chấp nhận “cho qua” ?
Với những chứng cứ khẳng định việc gian dối trong thi cử như trên, hoàn toàn đủ cơ sở để CQĐT khởi tố vụ án, đưa những người vi phạm pháp luật ra xử lý theo Luật Hình sự. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, sau một thời hạn kéo dài điều tra xác minh, CQĐT CA Hà Nội lại “đẩy” nhẹ nhàng về cho 2 Bộ xử lý ?
Buồn thay, khi chính các nhà khoa học lại đánh đồng việc gian dối của các ông TS ngang với chuyện quay cóp của các em học sinh phổ thông ? Có lẽ vì hiểu như vậy nên thay vì phải xử lý nghiêm khắc những người gian lận, thì ngược lại quyền Viện trưởng Viện KHKT NN VN đã ký quyết định kiểm điểm và xử lý kỷ luật thạc sỹ Nguyễn Huy Hồ (chuyên viên phòng đào tạo SĐH) người đã phát hiện ra những gian lận trong việc đào tạo và xét phong học hàm. Mặc dù việc ông Hồ tố cáo hoàn toàn đúng sự thật và với mục đích làm trong sạch một địa chỉ nghiên cứu và đào tạo vốn có uy tín suốt nửa thế kỷ qua. Điều này đã được xác nhận của cơ quan điều tra.
C.B(Còn nữa)