Hà Nội giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo
Văn hóa - Ngày đăng : 17:48, 07/12/2022
Huyện Thạch Thất có 209 di tích. Đến hết tháng 11-2022, có 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt; 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh, thành phố; đang lưu giữ 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 18 di sản được ưu tiên bảo vệ.
Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng. 100% di tích được xếp hạng đã được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ; nhiều di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Giai đoạn 2016-2020, huyện có 41 di tích được tu bổ tôn tạo, tu sửa cấp thiết với tổng kinh phí 133 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, huyện đang triển khai 29 dự án tu bổ tôn tạo cho 29 di tích lịch sử văn hóa với tổng mức nhu cầu vốn trên 925 tỷ đồng; đề xuất cấp trên bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 đầu tư tu bổ tôn tạo 23 di tích với tổng nhu cầu vốn trên 435 tỷ đồng. 100% di tích được tu bổ tôn tạo đều có đóng góp bằng kinh phí và ngày công của nhân dân địa phương, tổng kinh phí xã hội hóa đạt trên 50 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND xã triển khai 10 dự án tu bổ tôn tạo chùa, với tổng vốn khái toán 414 tỷ đồng.
Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các thành viên Đoàn giám sát và địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Dung ghi nhận những cố gắng, kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện Thạch Thất trong công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.
Đồng chí đề nghị, huyện Thạch Thất quản lý chặt an ninh tại các cơ sở tôn giáo; đề xuất các phương án tu bổ, tôn tạo di tích; quản lý tốt về tài chính, quản lý hòm công đức bảo đảm bám sát Luật Di sản và các quy định của pháp luật.
* Sáng cùng ngày, Đoàn đã giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận Cầu Giấy và giám sát thực tế tại chùa Hà.
Quận Cầu Giấy có 50 di tích trong danh mục quản lý, 38 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố; 19 lễ hội truyền thống, trong đó, 16 lễ hội được UBND thành phố công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2005 đến 2021, UBND quận tổ chức tu bổ 41 lượt di tích với kinh phí gần 400 tỷ đồng; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật tại 28/38 di tích được xếp hạng phục vụ quản lý và bảo quản đồ thờ, hiện vật tại di tích; phối hợp đề xuất và lập hồ sơ 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp thành phố.
100% cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lắp bảng giới thiệu nội quy của di tích để nhân dân thực hiện. Quận đã xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn hấp dẫn” tại 7 di tích.
Năm 2022, quận thành lập 9 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát công trình xây dựng tại các phường, trong đó, 3 công trình tu bổ tôn tạo di tích (chùa Bảo Tháp, đình Thọ Tháp, đình Mai Dịch). Quận cũng đã thực hiện 5 dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn ngân sách với kinh phí 40,079 tỷ đồng; phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án trong giai đoạn 2022-2025; giao nhiệm vụ chuẩn bị chủ trương đầu tư 3 di tích…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Dung lưu ý tầm quan trọng của vấn đề an ninh tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo và đề nghị thời gian tới, quận tiếp tục siết chặt công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Trong đó, việc quản lý, bảo quản các di vật, cổ vật trong các di tích cần được thực hiện tốt hơn. UBND quận chỉ đạo thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích bảo đảm đúng luật; nhân rộng mô hình xây dựng “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn hấp dẫn” trên địa bàn…