Văn học, nghệ thuật tích cực đóng góp nâng cao thẩm mỹ của giới trẻ
Văn hóa - Ngày đăng : 15:34, 09/12/2022
Phát biểu đề dẫn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhận định, nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người.
Cuộc tọa đàm này nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao chức năng nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục… của văn học, nghệ thuật, góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn cho mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, vấn đề định hướng, giáo dục, thẩm mỹ đúng đắn, kịp thời cho công chúng hiện nay đang có những bất cập, hạn chế, nhất là trước thách thức của thời đại công nghệ số với sự phát triển của nhiều phương tiện giải trí hiện đại lấn át văn học, nghệ thuật truyền thống, tác động nhanh, mạnh đến giới trẻ.
Theo họa sĩ Khánh Châm (Hội Mỹ thuật Hà Nội), để làm tốt chức năng của văn học, nghệ thuật, đó là góp phần khơi dậy và bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lẽ sống, trí tuệ mỗi con người, thì người sáng tác phải chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, có tìm tòi mới, hạn chế các lệch lạc, biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Các văn nghệ sĩ ngoài tâm huyết với nghề còn cần nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm cao quý của nghệ sĩ, vì sự tiến bộ của cộng đồng; phải có trách nhiệm với tác phẩm trước khi phổ biến với công chúng. Các nhà quản lý, tổ chức, nhà xuất bản, hội đồng nghệ thuật, nhà phê bình khi kiểm định tác phẩm cần có tâm, có tầm, có “con mắt xanh” để giới thiệu, quảng bá hoặc loại bỏ tác phẩm sao cho phù hợp với công chúng.
Cùng chung quan điểm, nhà báo Nguyễn Thúy Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo sân khấu (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) cho rằng, mỗi nghệ sĩ phải có trách nhiệm khi thực hiện vai trò sáng tạo của mình. Để tạo ảnh hưởng tốt, góp phần vun đắp, nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, bên cạnh tập trung sáng tác, nghệ sĩ còn phải có những hành động, ứng xử chuẩn mực, đẹp trong mắt công chúng, đặc biệt là thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội), để phát huy vai trò văn học, nghệ thuật đối với việc nâng cao thẩm mỹ cho công chúng, còn cần thiết chú trọng giáo dục cái đẹp, thẩm mỹ, nghệ thuật cho thế hệ trẻ ngay trên ghế nhà trường. Từ đó, các em yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, hướng đến cái đẹp, tìm đến thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, có giá trị.
Cuộc tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác để tăng cường vai trò của văn học, nghệ thuật như đầu tư đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật; hỗ trợ quảng bá tác phẩm có chất lượng; tổ chức các đề án văn học, nghệ thuật học đường; sử dụng môi trường số để giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật lành mạnh, bổ ích, giá trị…