Nghệ thuật xiếc Việt Nam: Nỗ lực vươn tầm quốc tế
Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 11/12/2022
Ghi danh trên đấu trường quốc tế
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Liên hoan xiếc quốc tế - 2022 ít quốc gia tham dự hơn trước, chỉ có đại diện 6 quốc gia: Canada, Ai Cập, Belarus, Lào, Campuchia và chủ nhà Việt Nam, nhưng những cống hiến mãn nhãn không hề kém đi. Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Liên hoan xiếc quốc tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 năm/lần, là cơ hội tốt để nghệ sĩ xiếc Việt Nam giao lưu, học tập phương pháp sáng tạo. Chỉ có thi tài, cọ xát ở tầm quốc tế mới biết xiếc Việt đang ở đâu và các nghệ sĩ nước nhà có thêm động lực sáng tạo, tìm cách nâng cao.
Tại kỳ liên hoan lần này, 4 đơn vị Việt Nam tham gia 16/28 tiết mục và đoạt 3/3 Huy chương vàng, 6/8 Huy chương bạc, 1/3 Huy chương đồng cùng giải cho các thành phần sáng tạo. Theo dõi các buổi thi cho thấy, số lượng lớn giải thưởng dành cho các đơn vị chủ nhà không hề do ưu ái. Tiết mục "Dây căng cao" (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) khiến khán giả thán phục và hồi hộp đến nghẹt thở khi các nghệ sĩ thực hiện động tác chồng người leo thang, đi xe đạp trên dây... Tiết mục “Lời của biển” (Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam) có những pha bật nhảy, nhào lộn mãn nhãn. Hay tiết mục “Hồi sinh” (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) với những pha xếp hình tượng 3 người vững chãi và đẹp mắt…
Đặc biệt, ở nhiều tiết mục, các nghệ sĩ Việt Nam không chỉ phô diễn kỹ thuật xiếc tài tình, phi thường, mà còn khéo léo lồng ghép những nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn khán giả. Có thể kể đến tiết mục “Đu nón” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đã cách điệu chiếc nón thành đạo cụ biểu diễn, tiết mục “Xe đạp tập thể” (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) đậm không khí ngày mùa, hay tiết mục “Sắc màu vùng cao” (Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội) không chỉ khoe xiếc quay thảm, mà còn giới thiệu nét văn hóa rực rỡ của người Dao Đỏ…
Có mặt tại Liên hoan xiếc quốc tế - 2022, chị Nguyễn Thu Trà (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ: “Các nghệ sĩ đã khiến tôi vô cùng thích thú và muốn quay lại. Mỗi tiết mục là một chương trình nghệ thuật hoàn hảo, có hồn, rất ấn tượng”.
Không chỉ thắng ở sân nhà, xiếc Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” cũng gặt hái nhiều thành công. Mới nhất, trong tháng 10 và tháng 11, các nghệ sĩ Liên đoàn xiếc Việt Nam đã giành liên tiếp 2 giải thưởng danh giá. Đó là giải Vàng tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc (Saratov, Nga) với tiết mục “Đu son” và giải Ngựa đồng tại Liên hoan xiếc quốc tế Không biên giới (Sankt Peterburg, Nga) với tiết mục "Đế kiếm đu dây lụa". Trước đó, tháng 12-2021, hai anh em Nghệ sĩ ưu tú Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp đã phá kỷ lục của chính mình và xác lập thành công kỷ lục Guinness thế giới với màn trình diễn chồng đầu đi lên 100 bậc thang trong thời gian 53 giây, tại Nhà thờ Chính tòa Girona (Tây Ban Nha)…
Nâng cao xiếc Việt
Từ nhiều năm nay, xiếc Việt Nam đã có thương hiệu quốc tế. Các nghệ sĩ Việt Nam đã giành khá nhiều giải thưởng tại các liên hoan xiếc danh tiếng ở Cuba, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga… Liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam luôn thu hút nhiều nghệ sĩ từ các quốc gia mạnh về xiếc bởi khả năng tổ chức tốt, an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giám đốc nhân sự và Giám đốc nghệ thuật, Công ty Stefani Art Stars (Bulgaria) Stefanova Veneta Raycheva, đồng thời là thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan xiếc quốc tế - 2022 chia sẻ: “Tôi đánh giá cao Việt Nam vì đã vượt qua đại dịch, tổ chức được một liên hoan nghệ thuật mang tầm quốc tế. Qua liên hoan có thể đánh giá, xiếc Việt Nam và các nước có nền nghệ thuật xiếc non trẻ như Lào, Campuchia đã có bước tiến vượt bậc”. Còn Trưởng đoàn Xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha cho biết, các nghệ sĩ của Ai Cập cũng học hỏi được rất nhiều từ cách tổ chức dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của đồng nghiệp. Các nghệ sĩ Việt Nam tạo được sự khác biệt, phong cách riêng khi khai thác được nét văn hóa truyền thống vào tiết mục.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đến nay, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã tìm được “chìa khóa” riêng để tạo màu sắc, phong cách của xiếc Việt trên trường quốc tế. Các tiết mục của Việt Nam luôn đề cao tính mạo hiểm, sự dũng cảm, cùng với đó là tăng yếu tố giải trí, từ nội dung đến âm thanh, ánh sáng, trang phục, vũ đạo... Đây là hướng đi đúng đắn để xiếc Việt nâng tầm và tự tin bước ra thế giới.
Để nghệ thuật xiếc Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, các nghệ sĩ cần tăng cường học hỏi để tiếp cận trình độ quốc tế. Các đơn vị nghệ thuật nên có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo diễn viên trẻ, tài năng kế cận; lan tỏa những tiết mục xuất sắc đến công chúng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức các liên hoan nghệ thuật quốc tế và tạo điều kiện để nghệ sĩ Việt Nam tham gia đấu trường thế giới.