Phương án tuyển sinh năm 2006: Chờ luật!

Giáo dục - Ngày đăng : 15:15, 18/10/2005

Ngày 17/10, tại buổi giao ban các Giám đốc Sở GD-ĐT, vấn đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh đối với học sinh (HS) học thí điểm chương trình THPT phân ban; bỏ thi tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10 THPT; bỏ điểm thưởng đã được đưa ra bàn thảo...

Ngày 17/10, tại buổi giao ban các Giám đốc Sở GD-ĐT, vấn đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh đối với học sinh (HS) học thí điểm chương trình THPT phân ban; bỏ thi tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10 THPT; bỏ điểm thưởng đã được đưa ra bàn thảo...

Bỏ thi tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 sẽ dùng cả thi và xét tuyển

Năm 2006 là năm đầu tiên cả nước thực hiện việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS với mục đích bỏ sức ép cho HS và xã hội. Khi bỏ kỳ thi này, các địa phương lại đối mặt với vấn đề làm sao để đảm bảo chất lượng dạy và học. Ông Trần Xuân Đình, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đề xuất 2 phương án tuyển sinh vào 10: vừa thi, vừa xét. Đối với HS huyện đảo dùng phương án xét tuyển vì chỉ tiêu tuyển vào và HScó nhu cầu ngang bằng nhau còn trong đất liền phải thi vì HS có nhu cầu vào học các trường THPT công lập rất lớn. Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ phải tăng cường kiểm định chất lượng trong quá trình học để đảm bảo được chất lượng vì bỏ thi tốt nghiệp THCS không có nghĩa là không phải đánh giá mà là chuyển hình thức kiểm tra khác cho nhẹ nhàng, phù hợp và thường xuyên hơn. Để có kết quả chính xác, ngay từ đầu năm học Hải Phòng đã khảo sát chất lượng, sau đó hết kỳ I tổ chức kiểm tra thật nghiêm túc, công bằng, cuối năm cũng vậy.

Ông Nguyễn Văn Bền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn lại lo ngại vì chỉ xét tốt nghiệp THCS có thể sẽ không tránh khỏi hiện tượng GV "thương" HS, mềm lòng trước "nhu cầu" chạy điểm của phụ huynh HS ngay từ lớp 6. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào lớp 10 tuy có gây sức ép lớn với HS nhưng sẽ hạn chế được phần nào tiêu cực - là biện pháp để nâng cao chất lượng - vì nếu học kém thì khi thi sẽ... lộ ngay. Đảm bảo công tác chất lượng, Sở đã yêu cầu cấp Phòng ra đề cho các kỳ thi để đánh giá đúng thực chất. Nếu để GV tự ra, tự chấm đôi khi không khách quan.

Những năm trước, khi còn kỳ thi tốt nghiệp THCS Ninh Thuận chủ yếu xét tuyển khi tuyển sinh vào lớp 10. Năm tới, hình thức này sẽ vẫn được duy trì nhưng sẽ có giải pháp phù hợp hơn: có thể tính điểm trung bình cộng các năm học của HS, xây dựng hệ số 1, 2, 3 đối với từng lớp để tính "đo" được chất lượng thực sự của HS. Hiện Quy chế về xét, công nhận tốt nghiệp THCS vẫn đang được bàn thảo. Theo ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD-ĐT, các địa phương thường chỉ nêu cái hay, phù hợp với họ. Nhưng với cả nước thì Bộ phải cân nhắc kỹ để chọn được phương án vừa có tính ổn định, vừa đảm bảo yếu tố khách quan. Thi vào lớp 10 THPT có thể chỉ thi 2 môn: Văn, Toán. Nhưng rất có thể sẽ học tập kinh nghiệp của các nước trong tuyển sinh, sẽ không dựa hoàn toàn vào kỳ thi này mà phải căn cứ vào cả quá trình học tập của HS.

Học sao thi vậy!

Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT hiện nay Bộ vẫn đang lựa chọn các phương án hợp lý nhất cho các HS học thí điểm chương trình THPT phân ban. Các phương án này được xét dựa trên nguyên tắc "học theo chương trình nào thì thi chương trình đó". Dù là thi tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH, CĐ thì HS phân ban có những đặc thù riêng nhưng thi cử cũng không có gì quá khác biệt. Mục đích cuối cùng của việc thi, kiểm tra, đánh giá chỉ là góp phần làm cho việc dạy và học tốt hơn. HS phân ban sẽ thi đề riêng và nội dung của đề thi được xây dựng trên nền kiến thức cơ bản của Ban Khoa học tự nhiên và Ban Xã hội. Trên thực tế, hai ban này tương đồng với hai hướng thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ: Nội dung thi vào khối A, B (giống như Ban KHTN); khối C, D (Ban KHXH). Dự kiến này được đưa ra bàn luận và không hề bị phản đối.

Điểm thưởng: Vận động viên chạy việt dã không cần... nạng

Đây là quan điểm của ông Lê Quán Tần vì chẳng ai đeo thêm phao cho vận động viên bơi lội khi xuống biển và cũng chẳng ai đưa nạng cho vận động viên chạy việt dã. Cái chính là với năng lực thực sự của HS giỏi thì không cần bất cứ "bảo lãnh" nào khác họ mới có vé vào ĐH, CĐ. Cộng điểm thưởng hoàn toàn vô nghĩa với HS giỏi và càng làm nhiễu thêm công tác quản lý. Nếu muốn HS học toàn diện chỉ cần quản lý chặt chẽ, nếu học "lệch" sẽ không "lọt" để học lên cao hơn được thì buộc HS sẽ phải cố gắng.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT HCM cho rằng đã đến lúc phải xác định lại, thay vì thưởng điểm cần tạo điều kiện để những HS giỏi phát huy được năng lực của mình, đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi. Chế độ thưởng điểm chỉ nên duy trì với những HS giỏi quốc gia, quốc tế. Ông Lê Hồng Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận cũng đồng tình với quan điểm này vì rõ ràng những HS giỏi thực sự không cần bất kỳ trợ giúp nào vẫn có thể chứng minh được mình trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bỏ điểm thưởng cũng góp phần hạn chế phần nào tiêu cực trong việc xin điểm, chạy điểm đang diễn ra đâu đó hiện nay. Không thể khống chế hoàn tòan tiêu cực một cách toàn diện được.

Ông Nguyễn Văn Bền lại có ý kiến giữ lại cách làm này để khuyến khích HS giỏi nhưng sẽ chỉ cộng cho những HS này từ 0,5 - 1 điểm. Hiện nay thi ĐH chỉ có 3 môn, thi tốt nghiệp THPT 6 môn nhưng trong học bạ là 12 môn. Rõ ràng nghĩ đến việc "treo thưởng" để HS học toàn diện không phải là không có lý. Song rất nhiều ý kiến cho rằng, các cấp quản lý phải có trách nhiệm chỉ đạo cơ sở làm thế nào để HS học toàn diện các bộ môn văn hóa chứ không chỉ học các môn để đối phó với kỳ thi. Quyết định cuối cùng về điểm thưởng sẽ được công bố trong Hội nghị tuyển sinh diễn ra vào tháng 12-2005.

Chiều qua, ông Nguyễn Văn Vọng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, các văn bản hướng dẫn cụ thể về các vấn đề liên quan sẽ được ban hành đầu năm 2006, khi Luật Giáo dục sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2006.

HNMTC

ANHTHU