Làng Bạch Mai

Xã hội - Ngày đăng : 09:21, 18/10/2005

(HNMĐT) - Làng Bạch Mai là một trong 4 làng của vùng Kẻ Mơ, do có nghề giết mổ lợn để bán nên còn được gọi là Mơ Thịt. Tên chữ của làng vốn là Hồng Mai (Mơ Vàng). Đến đời Tự Đức (1848 - 1883), vì kỵ húy Tự Đức (Hồng Nhiệm), nên phải đổi thành Bạch Mai.

Chùa Liên Phái làng Bạch Mai

(HNMĐT) - Làng Bạch Mai là một trong 4 làng của vùng Kẻ Mơ, do có nghề giết mổ lợn để bán nên còn được gọi là Mơ Thịt. Tên chữ của làng vốn là Hồng Mai (Mơ Vàng). Đến đời Tự Đức (1848 - 1883), vì kỵ húy Tự Đức (Hồng Nhiệm), nên phải đổi thành Bạch Mai.

Bạch Mai nằm ở đoạn cuối cùng trên con đường Thiên lý từ phía Nam ra Kinh đô Thăng Long thời Lê. Đường đó từ Quán Gánh - Thường Tín lên các làng Duyên Trường, Hạ Thái, qua làng Yên Kiện, Lạc Thị (xã Ngọc Hồi) đến đầu làng Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) để vào Chợ Mơ rồi vào nội thành Thăng Long (đường này đến cuối thế kỷ XIX mới nắn lại theo tuyến Ngọc Hồi - Văn Điển - Giáp Bát như hiện nay). 

Do nằm ở cửa ngõ phía Nam, giữa nội đô Thăng Long với huyện Thanh Tri, nên làng Hồng Mai - Bạch Mai thường bị luân chuyển vào hai đơn vị hành chính : huyện Thọ Xương (của phủ Phụng Thiên thời Lê, phủ Hoài Đức thời Nguyễn) và huyện Thanh Đàm (tức Thanh Trì). Câu ca cũ :

 Hồng Mai xưa thuộc Thanh Đàm,
 Về sau có lúc vào hàm Thọ Xương,
 Thân hồng thay đổi hay đường,
 Sớm mai Thanh huyện, chiều vàng Thọ Xương.

Tuy nhiên, phần lớn thời gian của thời kỳ lịch sử trung đại, làng Hồng Mai nằm trong phường Hồng Mai của huyện Thọ Xương, sau đổi sang tổng Kim Liên. Làng xưa có 6 giáp : Tô, Hoàng, Nội, Mật, Nhất, Nhị. Hai giáp Tô và Hoàng cùng chung một đình, gọi là đình Tô Hoàng (nằm trong ngõ Tô Hoàng hiện nay), thờ Linh Lang - hoàng tử thời Lý có công đánh giặc Tống. Bốn giáp còn lại có hai ngôi đình : đình Đại và đình Đông. Đình Đại là một đình lớn, chưa rõ được dựng từ bao giờ, nhưng được trùng tu với quy mô lớn vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Đình thờ Cao Sơn đại vương - vị thần có nguồn gốc Trung Quốc, không phải thần Cao Sơn đã cùng Sơn Tinh chế ngự được Thủy Tinh thời Hùng Vương. Đình Đông mới được tu sửa năm Khải Định thứ hai (1917), cũng thờ Linh Lang. Các giáp trong làng còn có một nghè để các bô lão sinh hoạt, gọi là nghè Bô. Nghè này mới bị đổ nát năm 1959.

Làng Bạch Mai có ngôi chùa Liên Phái ở trong ngõ Chùa Liên hiện nay. Chùa vốn tên là Liên Tông, vì kỵ húy Vua Thiệu Trị (Nguyễn Miên Tông) nên phải đổi tên vào năm 1841. Chùa do Trịnh Hợp - em ruột chúa Trịnh Cương dựng năm Bảo Thái thứ bảy (1726). Trịnh Hợp tuy là vương tử, lại là phò mã nhưng sớm có tư tưởng thoát tục, nên năm 21 tuổi, ông đi tu, đến Yên Tử học đạo rồi trở về tu tại chùa Liên Tông. Chùa được khách thập phương biết đến vì có nhiều tháp, trong đó, tháp cổ nhất là tháp Cứu Sinh, xây bằng đá xanh, có 4 tầng, tương truyền là nơi để hài cốt Trịnh Hợp và đẹp nhất là tháp Diệu Quang, hình lục lăng, cao 10 tầng.

Thời Nguyễn, làng Bạch Mai có ông Thành Ngọc Uẩn (1835 - 1893) đỗ Phó bảng khoa ?t Sửu, đời Tự Đức (1865), làm quan đến Đốc học tỉnh Hưng Yên, đào tạo được nhiều học trò ; sau được thăng hàm Quang lộc tự Khanh, Quốc sử quán Toàn tu.

Bạch Mai là quê hương của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902 - 1930) - một trong những người đầu tiên xây dựng Chi bộ Việt Nam thanh iên cách mạng đồng chí hội Hà Nội, một trong 7 thành viên lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D phố Hàm Long (tháng 3 - 1929), người trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh.. Ông bị thực dân Pháp bắt ngày 3 - 5 - 1930 rồi thủ tiêu.

TS.Bùi Xuân Đính

TUYETMINH