Lời mời không được đáp lại (kỳ 2)

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:59, 17/10/2005

Lịch trình chuyến đi Mỹ của gia đình chị Đặng Thùy Trâm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nguyện vọng cao nhất của người mẹ là được ôm cuốn nhật ký của con gái vào lòng, nguyện vọng thứ hai là tìm gặp người phiên dịch năm xưa. Còn với tôi, địa chỉ và số điện thoại của ông Nguyễn Trung Hiếu tôi đã nằm lòng.

Hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm trao cho ông Nguyễn Trung Hiếu cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tại nhà ông Hiếu ở California

Lịch trình chuyến đi Mỹ của gia đình chị Đặng Thùy Trâm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nguyện vọng cao nhất của người mẹ là được ôm cuốn nhật ký của con gái vào lòng, nguyện vọng thứ hai là tìm gặp người phiên dịch năm xưa. Còn với tôi, địa chỉ và số điện thoại của ông Nguyễn Trung Hiếu tôi đã nằm lòng.

Lời mời không được đáp lại

Đã đến lúc cần phải cho Fred và gia đình biết rằng tôi đã liên lạc được với ông Hiếu. Tôi hỏi ông có đồng ý vậy không? Ông Hiếu nhận lời nhưng vẫn dè chừng: “Để coi họ nói sao!”.

Ngày 21-9, ông Hiếu kể rằng Fred và chị Kim Trâm đã gọi cho ông. Hai cuộc điện thoại ấy đã gợi cho ông rất nhiều tình cảm về quê hương. Tôi ngỏ ý rằng báo Tuổi Trẻ và rất nhiều người bạn khác nữa sẵn lòng mời ông về VN. Ông Hiếu từ chối với lý do đơn giản là không muốn về, ẩn chứa đằng sau đó là những băn khoăn mà ông chưa tiện bày tỏ. Tôi cũng kể với ông rằng gia đình chị Thùy Trâm đang sửa soạn đi Mỹ và hi vọng sẽ được gặp ông để tỏ lòng cảm tạ, ông nói sẽ suy nghĩ về việc đó.

Những ngày này hình như ông đang gặp phải những phản ứng tiêu cực, ông dè dặt: “Hóa ra chuyện về cuốn nhật ký lớn lắm. Tôi biết sách bán được mấy trăm ngàn bản rồi. Bây giờ chuyện gia đình cô Kim và cuốn nhật ký ở bên này ai cũng biết hết. Cô Kim có gọi điện cho tôi. Tôi nói chuyện xưa tôi đã quên. Mấy chục năm rồi. Gia đình muốn đến gặp thì tôi cũng welcome (chào đón - PV) thôi, nhưng khi gia đình cô Kim ra khỏi nhà là tôi có chuyện liền”.

Gần kề ngày đến Mỹ, giữa những cuộc trò chuyện tôi luôn nhắc lại những lời mời và nguyện vọng được gặp ông Hiếu. Ngày 27-9, ông thổ lộ nỗi lo và những suy nghĩ có phần day dứt: “Tôi sẽ về VN không biết chừng, nhưng về VN rồi trở lại Mỹ sao đây?... Không nên gặp tôi ở đây vì tôi còn có gia đình, tôi sợ bị người ta gây phiền nhiễu”.

Đêm 2-10, một ngày trước khi tôi bay đến Mỹ, ông Hiếu nói: “Tôi không muốn gặp cô. Tôi mến cô và muốn giúp cô, nhưng nếu cô đến, tôi sợ người ta sẽ “bụp” cô”. “Bụp” ư? Dù chưa biết thực hư sẽ ra sao, cảm giác bất lực bỗng xâm chiếm tâm trí tôi. Tôi viết cho người bạn mới một bức thư buồn bã: “Cháu sẽ không làm những gì mà cháu không yên tâm, đặc biệt là khi việc làm của mình có thể ảnh hưởng đến người khác... Qua các cuộc trò chuyện từ điện thoại, chắc hẳn chú nhận ra sự chân thành của cháu. Nhưng sự chân thành ấy đã vướng những rào cản quá khứ….Câu trả lời nằm ở những người như chú. Sức mạnh tinh thần vượt qua năm tháng chính là tình người, mà sao người đến với nhau khó quá. Cháu chẳng trách được ai cả...!”.

Khi đặt dấu chấm than, tôi nghĩ: “Ừ nhỉ, vì sao người lại không được gặp người? Chiến tranh đã lùi xa rồi. Robert (anh trai của Fred) nói lời của chị Thùy là cây cầu bắc qua dòng sông cay đắng. Nhưng làm sao để bắc những cây cầu...”.

Uyên Ly, tôi đang hỏi một cô gái nhỏ bé, rằng khi nào tôi sẽ ngừng xao động đây? Được tin về Hiếu, những giọt nước mắt tưởng như đã khô nay lại rơi. Bóng tối lại vây quanh và bám chặt. Dù cho ta có quên được chúng trong một thời gian, chúng vẫn quay trở lại và mang theo nước mắt. Đó không phải là ám ảnh, mà chính là những kỷ niệm nay đã trở thành một phần của tâm hồn không thể lãng quên.

Hiếu cũng có những kỷ niệm ấy. Tôi hiểu. Liệu có ổn không khi tôi gọi cho anh ta? Tôi không muốn làm Hiếu tổn thương nhưng tôi rất muốn nói chuyện với anh. Anh là một người rất tốt và can đảm, một người lính trung thực. Hãy cho tôi biết ý cô về chuyện tôi gọi điện cho Hiếu. Nếu cô thấy được, tôi sẽ gọi.

Fred

Những giọt nước mắt

Tin tức và hình ảnh về chuyến đi của gia đình chị Thùy Trâm được truyền đi khắp thế giới. Nhà ông Hiếu không có Internet nhưng tin tức đổ tới qua tivi, báo chí địa phương và qua câu chuyện của những người xung quanh. Gia đình chị Thùy Trâm và chúng tôi cùng thống nhất giải pháp mời ông Hiếu tới Washington DC, như vậy sẽ tránh được những mối lo mà ông Hiếu từng nhắc tới, đồng thời cũng tránh sự quan tâm của báo chí lúc nào cũng bao vây lấy gia đình trong thời gian ở Texas và Bethel, North Carolina.

Đầu giờ chiều thứ năm, ngày 6-10, lòng tôi như tan ra khi nghe người đàn ông này khóc qua điện thoại. Chuyến đi của gia đình đã có tác động mạnh tới ông. Ông Hiếu nói mấy hôm nay ông không ngủ được vì day dứt trước tấm lòng của gia đình chị Thùy Trâm đối với mình mà mình lại không thể đáp lại.

Ông nói như một người có lỗi cần được thể tất. Ông Hiếu hứa sẽ ghi nhớ tấm lòng của gia đình Thùy Trâm, của Fred, của báo Tuổi Trẻ, của phía VN suốt đời và nói xa xôi về những khó khăn mà mình gặp phải... Ông Hiếu đã khóc, những tình cảm đang giày vò ông.

Đến North Carolina, Fred, chị Hiền Trâm và tôi thay nhau gọi điện cho ông Hiếu nhiều lần để khơi gợi tình cảm sẵn có trong ông. Sáng thứ bảy (8-10), Fred động viên ông Hiếu: “Hiếu à, ông nên gặp mẹ và các em gái tôi. Đó là gia đình thật sự của tôi với những con người có tâm hồn đẹp đẽ. Ông hãy suy nghĩ và sau đó gọi cho tôi biết nhé”.

Chiều thứ bảy (8-10), ông Hiếu nói với tôi bằng một giọng rất lạ: “Cô Uyên Ly, 10g sáng mai tôi sẽ gọi vào số điện thoại của Fred để nói chuyện với cô”. Cả buổi sáng trôi qua, tôi quanh quẩn bên Fred, tai căng ra đón tiếng điện thoại. Không có tín hiệu.

Thứ hai (10-10), chúng tôi khởi hành đi Washington DC bằng ôtô. Gọi cho ông nhưng ông không có nhà. Tôi bắt đầu lên kế hoạch: “Ở đó có đường bay thẳng đến Cali...”. Bỗng trong bữa ăn trưa dọc đường, chị Hiền Trâm thông báo với mọi người: đêm qua ông Hiếu đã ngỏ ý muốn mời gia đình tới nhà riêng của ông. Như vậy, nỗi lo không an toàn cho ông và cho cả chúng tôi khi đến gặp ông đã được giải tỏa phần nào.

Gia đình nhất trí cử chị Hiền Trâm và chị Phương Trâm đi tới Cali cùng tôi. Chị Kim Trâm và bác Doãn Ngọc Trâm tiếp tục đi thẳng tới New York theo lịch trình đã sắp sẵn.

Chuyến bay nội địa dài nhất nước Mỹ đưa chúng tôi đến với người phiên dịch năm xưa.

Phương án cuối cùng

Sáng 11-10, tôi phấn khởi gọi cho ông Hiếu từ sân bay Cali: “Cháu và gia đình đã tới nơi”. Ông Hiếu trả lời, giọng đầy hoảng hốt: “Ba giờ sáng nay có người gọi đến nhà tôi chửi bới, dọa dẫm. Người đó nói biết hết việc tôi đang làm. Trên Internet hình như người ta cũng đang chửi tôi. Việc gặp cô và gia đình chắc phải coi lại xem sao đã”. Chiếc balô trên vai tôi bỗng trở nên nặng trĩu... Nỗi mệt nhọc về tinh thần đè nặng lên các cơ bắp nhão ra sau chuyến bay dài.

Chị Hiền Trâm gọi lại cho ông Hiếu. Mười lăm rồi 20 phút trôi qua, chị thuyết phục và nhắc lại với ông về lời mời hôm trước, nhưng ông Hiếu vẫn khẳng định chưa thể gặp được. Rồi ông nói ông bận đi đón con và nhắn chị gọi lại vào đầu giờ chiều, sau khi lũ trẻ đi học về.

Trên taxi từ sân bay về khách sạn, chúng tôi mải suy nghĩ và thất vọng đến nỗi không nói với nhau lời nào.

Buổi trưa nặng nề trôi qua. Một giờ chiều, 2 giờ chiều... 2 giờ 30 chiều... Chị Hiền Trâm, chị Phương Trâm và tôi thay nhau bấm số. Những tiếng chuông điện thoại réo lên vô vọng.

Tôi biết mình phải làm gì: đến thẳng nhà ông với tất cả trái tim mình!

Để tránh những rắc rối có thể xảy đến như lời ông Hiếu đã nói, hai chị Hiền Trâm và Phương Trâm sẽ chờ tôi ở khách sạn.

Lúc đó là 3 giờ chiều 11-10, tôi kiểm tra phương tiện nghề nghiệp, để lại chiếc túi có logo Tuổi Trẻ tại phòng khách sạn, thuê taxi thẳng tới địa chỉ cần tìm. Con đường 30 dặm nối hai thành phố hun hút dài, người lái xe đưa tôi đi qua những dãy trúc đào và tường vi thắm đỏ, qua những dãy núi hùng vĩ...

Băng qua con đường dài hun hút, cô phóng viên trẻ đang hướng tới một địa chỉ duy nhất, tìm gặp một người đã trở nên quen thuộc với chính cô, kể từ cuộc trò chuyện đầu tiên ngày 4-9... Cuộc gặp mặt đã được chuẩn bị nhưng vẫn đầy những bất ngờ.

Kỳ sau: Vị khách không mời

Theo Tuổi Trẻ

HONGHAI