Hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 17/12/2022
Nghệ nhân không đơn độc
Vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cách đây chưa lâu, nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) lại đón niềm vui mới, đó là tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết quy định “Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố và ngành Văn hóa Thủ đô cho chúng tôi thấy, mình không đơn độc trên hành trình vì vốn văn hóa của cha ông để lại. Từ đó, tiếp tục nỗ lực mở mang, nhân rộng, đào tạo thêm lớp kế cận vững chắc, không để di sản có nguy cơ mai một…”.
Chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Lan cũng là cảm nghĩ của đông đảo nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô, trước thông tin thành phố chính thức dành một nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu gìn giữ, trao truyền di sản. Điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh phần lớn nghệ nhân đã tuổi cao, sức yếu, không có thu nhập ổn định và hầu hết các câu lạc bộ di sản hoạt động dưới hình thức tự nguyện, kinh phí hoạt động phần lớn là tự túc.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, từ chỗ nguồn kinh phí hoạt động chuyên môn chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa đã phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân rối nước Nguyễn Thế Nghị (Phường múa rối nước Đào Thục, huyện Đông Anh) cho biết: “Chi phí dựng vở, đạo cụ, tập luyện… cho một vở diễn mới rất tốn kém, nên kinh phí eo hẹp sẽ làm gò bó sức sáng tạo, ảnh hưởng đến hiệu quả phát huy giá trị di sản. Chính vì vậy, Nghị quyết quy định “Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” của HĐND thành phố dành cho lớp người gìn giữ, phát huy di sản rất có ý nghĩa, được ví như nắng hạn gặp mưa rào...”.
Tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ nhân bảo tồn di sản
Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định “Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” có 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ, bao trùm toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể là: Chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nhóm đối tượng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội Lưu Minh Trị cho rằng, việc có chính sách đãi ngộ, giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn trong cuộc sống, từ đó yên tâm, trách nhiệm hơn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tiếp sau đây, rất cần có cách tổ chức, triển khai tốt để chính sách đến được với đúng người, đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả như mong đợi.
Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, điều kiện để được hỗ trợ đối với nghệ nhân là những người có danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… và đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là có Quyết định thành lập câu lạc bộ do Chủ tịch UBND huyện ban hành; có ban chủ nhiệm và ít nhất từ 20 hội viên trở lên, có địa điểm, kế hoạch sinh hoạt định kỳ, với ít nhất 2 kỳ/tháng; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản... Việc chi trả chế độ hỗ trợ được giao về các quận, huyện, thị xã theo phân cấp quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ nhân bảo tồn di sản.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thể hiện ở công tác vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ hoạt động truyền dạy, tư liệu hóa, trình diễn, giao lưu… Việc ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân sẽ tiếp sức rất lớn cho đội ngũ nghệ nhân trên hành trình lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long - Hà Nội, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển.