Phụ nữ “3T” những chuyện đời...
Chính trị - Ngày đăng : 13:14, 14/10/2005
...Vào một đêm tối trời, Hoàng Thị Mới ôm chặt đứa con gái 8 tháng tuổi vượt núi đồi rời bản Nà Lùng rồi vượt qua biên giới.
Sau 13 năm, người ta lại thấy Mới xuất hiện ở bản. Lúc này chị đã luống tuổi, khắc khổ, nhiều người không nhận ra. Người nhà họ Trương đón nhận đứa cháu đã hơn 13 tuổi - con chị- lớn như một thiếu nữ. Sau khi gửi con cho nhà chồng, chị Mới lặng lẽ “biến mất” khỏi lũy tre đầu bản...
Bà Chu Thị Mặm, 77 tuổi, dân tộc Tày, mẹ chồng của Hoàng Thị Mới nom còn khá khỏe. Thấy có khách lạ đến, ban đầu bà hơi bất ngờ song khi thấy ông Phó chủ tịch xã đi cùng nên đon đả mời chúng tôi vào nhà.
Căn nhà cấp bốn đơn sơ có phần nghèo nàn, gần như không có thứ gì đáng giá... khi chúng tôi nhắc đến chuyện Hoàng Thị Mới đã trở về nhà, bà Mặm chẳng giấu diếm điều gì: “Đúng là cái Mới chê thằng chồng nó, chê nhà nghèo nên đã bỏ nhà ra đi. Vừa rồi nó về trả đứa con cho gia đình tôi rồi lại bỏ đi. Nghe nói, nó không dám quay lại bên Trung Quốc nữa, có người nói thấy nó đang đi làm thuê ở thành phố Lạng Sơn”.
Bà Mặm chép miệng rồi cất tiếng gọi cháu về cho chúng tôi gặp mặt. Lúc sau, một thiếu nữ xuất hiện trước mặt chúng tôi. Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nhỏ lá dăm đặc sệt dáng dấp người Tày xứ Lạng... Cô bé nom lớn hơn tuổi 14 của mình và khá tự tin, chứng tỏ cô đã từng trải qua những sóng gió của cuộc đời.
Qua thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2000 đến năm 2004, chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 2.500 phụ nữ bị bán sang bên kia biên giới. Trong số này có rất nhiều chị em là đồng bào các dân tộc vùng giáp biên. |
Cô kể vanh vách: “Em sống bên Trung Quốc cũng khổ lắm. Khi lớn lên, em biết mẹ lấy một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông. Bố dượng đi biển đánh bắt cá, mẹ đi phơi cá thuê.
Em phải ở nhà làm đủ thứ từ nấu cơm, giặt giũ, trông em... vất vả lắm nhưng bố dượng vẫn không hài lòng, thỉnh thoảng còn đánh mắng. Mẹ cũng thường xuyên bị bố đánh. Cứ vài ngày lại một trận cãi, đánh nhau. Kể cả khi mẹ sinh em bé, bố dượng vẫn không tha. Không chịu nổi, ba mẹ con rình lúc bố dượng đi biển dài ngày là dắt díu nhau bỏ nhà về Việt Nam...”.
Cô bé tự giới thiệu mình có tên là Nỉ Pa, tạm dịch ra tiếng Việt là Hoa. Hoa về nhà bà nội được hơn một năm nay, nói tiếng Việt thì được nhưng viết chữ thì không.
Bà nội quý Hoa lắm, cái gì cũng nhường cho cháu. Hoa thương bố, thương bà. Bố của Hoa năm nay đã 51 tuổi, làm mấy sào ruộng và mảnh vườn khô cằn. Từ khi mẹ bỏ nhà ra đi, bố Hoa chán chường sinh ra rượu chè. Bố Hoa trầm cảm, ít nói... Thương bố, thương bà, Hoa đi gánh gạch thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình, ngày thường thì làm ruộng. Cả nhà quây quần, đầm ấm...
Tôi hỏi: “Nếu bố dượng sang đây bắt sang Trung Quốc, em có đi không?”. Hoa thẳng thắn nói luôn: “Em không đi đâu. Bên kia sống khó chịu lắm. ở Việt Nam mình thích hơn đấy. Em có bố, có bà rồi. Bất kỳ ai bắt em đi cũng không được!”. Bà Chu Thị Mặm cười nhỏm nhẻm, kéo Hoa vào trong lòng. Hình như cô cháu gái này là một phần cuộc sống của bà. Bà sợ nó tuột khỏi tay như mười bốn năm về trước...
Chị Hoàng Thị Kiểm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Thành cho chúng tôi biết: Trong số 30 chị em bỏ nhà sang bên kia biên giới không phải ai cũng vì cuộc sống riêng tư trắc trở như chị Mới. Cũng có chị em lỡ thì, luống tuổi mà chưa ai lấy nên nhắm mắt ra đi.
Nhiều chị em đã bị kẻ xấu lừa bán sang TQ lấy tiền. Những ngày tháng bất hạnh của rất nhiều phụ nữ xứ Lạng ở xứ người, có cùng một xuất phát điểm là từ những chuyến đi làm ăn, làm cửu vạn ở biên giới. Bọn buôn người hứa hẹn, lừa phỉnh dẫn chị em đi sâu vào nội địa bên kia biên giới để “kiếm được tiền cao hơn”, “mua hàng rẻ hơn”. Thế là mắc bẫy...
Chị Nguyễn Thu Giàng, nhà ở Nà Ca, xã Hợp Thành kể: Cách đây hơn chục năm, chị mới lấy chồng, kinh tế túng bấn, có một “mẹ mìn” rủ sang bên kia biên giới làm thuê, tiền nhiều mà công việc không mấy nặng nhọc.
Cả tin chị theo kẻ xấu sang Trung Quốc. Thế nhưng khi phát hiện mình đã bị bán cho một gã đàn ông đã luống tuổi làm nghề bốc vác thuê ở khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây thì đã muộn. Bất đồng ngôn ngữ, hơn nữa phải “làm vợ” một cách bất đắc dĩ, chị Giàng muốn khóc cũng phải giấu, chồng biết bị đánh cho thâm tím người.
May mà gần hai năm sau, một người Việt Nam sang Trung Quốc buôn bán, biết chuyện của chị Giàng nên đã lén đưa chị hai trăm nghìn đồng rồi hướng dẫn chị trốn về nước. Khi về đến nhà, ai cũng hoảng hốt vì tưởng “oan hồn” chị trở lại. Đến khi chị “khai nhận” thật thà mọi nhẽ, mọi người mới tin, chồng chị rất yêu thương chị nên bỏ qua mọi sự đàm tiếu của dân bản và giúp chị vượt ra mặc cảm...
Chị Giàng còn hạnh phúc và may mắn hơn các chị em khác vì nhiều người bị lừa bán sang Trung Quốc hiện nay vẫn bặt vô âm tín không biết sống chết ra sao.
Có nhà ở bản Nà Lùng, cả hai chị em đều bị “biến mất”, chị sinh năm 1969, em sinh năm 1971. Trong số này cô em mới lấy chồng ở thôn Kéo Tào, chồng hay uống rượu và không “được khôn” nên có người cho rằng cô này chán gia cảnh nên bỏ đi. Nhưng mẹ của hai cô thỉnh thoảng vẫn lên UBND xã Hợp Thành khóc và mong cấp chính quyền cứu giúp hai con của bà sớm trở về gia đình. Giờ bà như người mất hồn...
Ông Trương Văn Ngô- Phó chủ tịch UBND xã Hợp Thành - cho biết: “Xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc và xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn là hai địa phương ở tỉnh Lạng Sơn có nhiều chị em bị bán và lừa bán sang TQ.
Xã Hợp Thành có khoảng gần 500 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Hoa. Đời sống người dân ở đây còn khó khăn. Vì thế nhiều người phải đi làm thuê, làm mướn ở vùng biên rồi sa vào cạm bẫy của bọn buôn người.
Cũng may khoảng một nửa số chị em ở Hợp Thành đã trở về nhà. Chính quyền xã quan tâm giang tay đón họ hòa nhập lại với cộng đồng. Tại xã Hợp Thành hình thành nhóm “Phụ nữ ba T”, nghĩa là: Tự nguyện, tự tin và tự lực.
Nhóm phụ nữ này hiện nay có 11 thành viên, trong đó có chị em đã bị lừa bán sang bên kia biên giới. Tất cả tìm đến với nhau để chia sẻ, và để cùng nhau tuyên truyền cho phụ nữ trong thôn, trong bản không mắc mưu kẻ xấu.
Cách đây vài năm, Viện nghiên cứu thanh niên đã đến tìm hiểu và đã cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất cho chị em trong nhóm từ 800.000 đến 2 triệu đồng/người. Chị Duy có đồng tiền được vay đã lao vào phát triển kinh tế. Chị nuôi gần chục con lợn, có con cỡ một tạ. Chị Nhan, chị Châm mát tay nuôi gà đẻ trứng, nuôi lợn nái trở thành một trong những điển hình của nhóm “Phụ nữ ba T”. Nhiều chị em đã đổi thay cuộc đời. Chị Duy đã có nhà xây khá khang trang.
Chia tay chúng tôi, bà Chu Thị Mặm xúc động tâm sự: “ Cảm ơn chính quyền đã giúp đỡ chúng tôi. Có một việc nhỏ là hiện nay cháu Hoa đã về gia đình rồi, nhưng cháu vẫn chưa có giấy khai sinh mong xã làm giúp gia đình chúng tôi!”.
Ông Trương Văn Ngô vui vẻ nói: “Cháu Hoa không biết chữ thì nhớ nhắc bố làm đơn gửi lên xã để các chú xem xét, giải quyết nhé!”. Chúng tôi rời khỏi Hợp Thành đúng lúc trời hửng nắng, mấy hôm trời se lạnh nay có ánh mặt trời...
(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Theo TP