Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng: ''Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu''
Văn hóa - Ngày đăng : 05:51, 25/12/2022
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về nội dung “tiếp” và “biến” ra sao để các ngày lễ du nhập từ nước ngoài hiện đang có mặt tại Việt Nam luôn lành mạnh, văn minh, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, bà đánh giá thế nào về các ngày lễ du nhập từ nước ngoài và ngày càng phổ biến tại Việt Nam?
- Theo tôi, việc du nhập các lễ hội phương Tây vào Việt Nam là một tất yếu khách quan khi Việt Nam tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập sâu rộng toàn cầu. Trong quá trình tiếp biến văn hóa sẽ xuất hiện những thành tố văn hóa mang yếu tố tích cực, làm giàu có thêm cho văn hóa Việt Nam; ngược lại, sẽ xuất hiện những thành tố văn hóa tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đối với bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ở khía cạnh tích cực, các ngày lễ du nhập từ phương Tây như Valentine, Valentine trắng, Ngày của cha, Ngày của mẹ, lễ Noel... được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Nhờ những ngày lễ này, người dân Việt Nam có thêm không gian, thêm cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ tình cảm với những người mà mình thương yêu. Cụ thể, trong những ngày diễn ra lễ Noel, Nhà thờ Lớn của Hà Nội được trang hoàng rất lộng lẫy, nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ coi đây là không gian và thời gian phù hợp để gặp gỡ, hẹn hò...
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hiện vẫn còn có những biểu hiện phản cảm, lệch chuẩn diễn ra trong khuôn khổ những ngày lễ được du nhập vào Việt Nam, cụ thể là ngày lễ Halloween. Với ý nghĩa tưởng nhớ những người đã chết bao gồm cả các vị thánh trong Kitô giáo phương Tây, ngày lễ này cho phép mọi người đối mặt với nỗi sợ hãi bằng sự hài hước và vui nhộn. Tuy nhiên, khi du nhập về Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức ngày lễ này hết sức phản cảm. Chẳng hạn như mới đây, một nhóm bạn trẻ đã nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang ở giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh) vào dịp Halloween. Việc này là hoàn toàn không nên.
- Có ý kiến cho rằng, với những ngày lễ này, chúng ta mới chỉ bắt chước về hình thức mà xem nhẹ ý nghĩa, văn hóa..., khiến một vài ngày lễ có sự biến tướng, dị hợm. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Quả thật, có một số ngày lễ của phương Tây mà chúng ta tiếp nhận khá hời hợt, chỉ mới chú trọng hình thức mà chưa tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của những ngày lễ ấy. Có thể là chúng ta quá tin vào các biểu hiện của ngày lễ phương Tây hoặc quá tin vào các thang giá trị phương Tây nên đã vô tư tiếp nhận, xem nhẹ các chuẩn mực, giá trị và làm mất đi sự tinh tế, lịch lãm trong văn hóa của người Việt. Ví dụ như lễ hội Halloween, nhiều bạn trẻ khoác lên mình những bộ trang phục rất kệch cỡm, cố gắng bôi trát lên người sao cho kinh dị nhất, làm những hành động dọa nạt sao cho đáng sợ nhất... Tất cả điều này đều không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.
- Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?
- Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân chủ quan là một số bạn trẻ hời hợt khi “bắt chước” các hình thức bên ngoài, không tìm hiểu kỹ về giá trị, ý nghĩa của lễ hội phương Tây để biến đổi nó cho phù hợp với chuẩn mực văn hóa Việt Nam. Nguyên nhân khách quan là do chúng ta đã buông lỏng quản lý, thiếu sự định hướng, thiếu trang bị cho các bạn trẻ một “bộ lọc” khiến họ không phân biệt được đâu là cái tốt, cái cần tiếp thu và đâu là cái xấu cần phải loại bỏ. Đặc biệt, những hiện tượng phản cảm trong ngày lễ Halloween diễn ra ngày càng nhiều nhưng không thấy các cơ quan chức năng ngành văn hóa và giáo dục lên tiếng đủ mạnh, cho thấy sự buông lỏng về quản lý.
- Lo ngại về sự ảnh hưởng xấu của văn hóa ngoại lai, nhiều người đề xuất cấm tổ chức một số ngày lễ du nhập từ nước ngoài. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Chúng ta cần nhìn nhận thực tế, lỗi không nằm ở những ngày lễ đó mà do chúng ta tiếp nhận nó sai cách. Ví dụ, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó nói với trẻ về các chủ đề như cái chết, linh hồn, ma quỷ... thì Halloween như một cơ hội để trao đổi thẳng thắn về những điều này... Đó là nét văn hóa mới mà chúng ta có thể tiếp thu một cách có chọn lọc. Do đó, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, kiểm soát chứ không nên cấm. Chúng ta có cả một đội ngũ nhân lực văn hóa, các thiết chế văn hóa đến tận thôn xã, ngõ phố, chúng ta có cả đội ngũ nghiên cứu, sáng tác, những nghệ sĩ tài năng... thì tại sao không đầu tư để tiếp nhận những giá trị tốt đẹp và sàng lọc những gì không phù hợp với văn hóa Việt Nam?
- Ở góc độ quản lý, theo bà, cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để những ngày lễ này trở nên văn minh, lành mạnh hơn?
- Chúng ta cần tăng cường phương tiện, công cụ và hình thức giáo dục như giáo dục trực tiếp, gián tiếp, giáo dục trực tuyến, giáo dục online... Làm thế nào để các chủ thể giáo dục, trong đó có gia đình, nhà trường, các thiết chế văn hóa, các tổ chức chính trị và cả cộng đồng nhận thức đúng, đánh giá đúng về các ngày lễ phương Tây, để người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ tự ý thức được những gì cần phải tiếp thu và những gì cần phải loại bỏ, để từ đó sàng lọc những điều trái với chuẩn mực văn hóa Việt Nam.
Giá trị văn hóa tốt đẹp thì luôn trường tồn. Trong định hướng tuyên truyền, chúng ta thường nhấn mạnh “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” nên khi những cái “đẹp” được phát triển, được khơi dậy và có một sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng thì người dân, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có năng lực đủ mạnh để tự sàng lọc và tiếp nhận những giá trị văn hóa mới cho phù hợp.
Hội nhập quốc tế là quá trình không thể đảo ngược, không có một quốc gia nào có thể lảng tránh xu hướng tất yếu này. Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách dựa trên bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình để chọn lọc tinh hoa, biến quá trình ấy trở thành cơ hội làm giàu thêm cho văn hóa Việt.
- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng!