15 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển văn học, nghệ thuật: Thêm động lực, tạo đột phá

Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 25/12/2022

(HNM) - Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã đi vào cuộc sống gần 15 năm, đem lại những chuyển động tích cực cho lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này của nền văn hóa nước nhà. Trước những yêu cầu mới, trong chặng đường tiếp theo cần những thay đổi mạnh mẽ để tạo thêm động lực, đột phá cho văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển.

Chương trình biểu diễn mới đầy bản sắc, giàu nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Xây nền tảng vững chắc

Nhìn lại chặng đường gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, văn học và các lĩnh vực nghệ thuật đều có tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra của Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, văn học, nghệ thuật Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, cần được điều chỉnh.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, trước hết phải xây dựng nền tảng văn học, nghệ thuật Việt Nam vững chắc, với một trong những điểm tựa đó chính là vốn truyền thống dân tộc. Hiện nước ta có nhiều môn nghệ thuật được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như: Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ... Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đây chính là mạch nguồn, cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác, đưa văn học, nghệ thuật đậm bản sắc Việt hội nhập thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung bảo tồn, phát triển và bồi dưỡng tài năng mới trong nghệ thuật truyền thống.

Còn theo Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, do chạy theo kinh tế, nhiều đề tài lớn của nền văn học, nghệ thuật cách mạng chưa được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đề tài lớn; mạnh dạn thử nghiệm xã hội hóa, thương mại hóa các tác phẩm tưởng chừng chỉ có chức năng tuyên truyền, cổ động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Trước thực trạng “sách văn học xuất bản nhiều, nhưng thiếu tác phẩm bám sát hơi thở cuộc sống”; “xuất hiện nhiều nhóm, hội làm thơ mang tính phong trào ở khắp các tỉnh, thành phố, sản phẩm chất lượng thấp”; “dòng chủ đạo phim Việt vẫn là hài, kinh dị, hành động, khó tìm nhân vật có sức sống lâu bền, chứa đựng giá trị mới trên màn ảnh”, âm nhạc thiếu chiều sâu…; và để tránh “loạn chuẩn” trong xây dựng văn học, nghệ thuật thời kỳ mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát cho rằng, cần hoàn thiện thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, định hướng phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam thành luật…

Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định văn học, nghệ thuật là ngành kinh tế, đem lại sức mạnh cho sự phát triển đất nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Việt Nam có tiềm năng sáng tạo lớn cho công nghiệp văn hóa. Thực tế cho thấy, các bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Bố già”, “Mắt biếc”… có doanh thu lớn; nhiều bài hát của các ca sĩ Sơn Tùng, Đen, Hoàng Thùy Linh… chiếm được cảm tình của khán giả thông qua khai thác giá trị văn hóa và đã bước ra thế giới. Các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP (năm 2019)…, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Theo Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, phải thay đổi nhận thức xã hội về các ngành công nghiệp văn hóa; coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực…, nhằm khơi thông dòng chảy văn học, nghệ thuật. 

Cùng chung quan điểm, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam cho hay, để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, chính tác giả phải ý thức sáng tạo tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có tính nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm sau khi ra đời phải được bảo vệ, phản biện tích cực, để chúng được tiếp cận thị trường hiệu quả. “Vấn nạn vi phạm bản quyền, nhất là trong môi trường internet, khiến người sáng tạo và nhà sản xuất mất nguồn thu lớn, làm suy giảm nhiệt huyết tạo nên tác phẩm đỉnh cao. Thời gian tới, công tác bảo vệ bản quyền làm tốt, thì các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển”, nhà phê bình Trần Lệ Chiến nhấn mạnh.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, việc quan tâm bồi dưỡng thế hệ kế cận rất cần thiết, bởi họ có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của công chúng, đưa văn học, nghệ thuật hòa với dòng chảy thế giới. Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo, các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cần quan tâm tổ chức trại sáng tác, đặt hàng sáng tác với văn nghệ sĩ trẻ, tạo nhiều không gian mới để quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật…

Với những kiến nghị, đề xuất xác đáng trên chặng đường tiếp theo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, cùng với khát vọng, tài năng, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục có sự bứt phá.

An Nhi