Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Cây đại thụ của âm nhạc cách mạng Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 14:17, 25/12/2022

(HNMO) - Các tham luận, ý kiến tại hội thảo chuyên đề “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” diễn ra ngày 25-12, tại Hà Nội, làm sáng rõ khẳng định, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là cây đại thụ của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Hội thảo góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với nền âm nhạc Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời”, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, là sự kiện nằm trong các hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (30/12/1957 - 30/12/2022) và 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 - 10/12/2022).

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh năm 1922 tại xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957 và giữ chức Tổng Thư ký của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II, từ năm 1957 đến năm 1983. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, sống mãi với thời gian như: “Áo mùa đông”, “Du kích ca”, “Du kích sông Thao”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Hành quân xa”, “Việt Nam quê hương tôi”… Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch (opera) ở Việt Nam với vở nhạc kịch “Cô Sao”. Ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khẳng định, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người mở đường vào “cánh đồng” âm nhạc dân tộc. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận say mê âm nhạc từ nhỏ, tự học nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây. Ông có cuộc đời sôi động và phong phú. 

Không chỉ là tác giả của những ca khúc bất hủ, những tác phẩm nhạc kịch, khí nhạc bề thế, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là người tìm đường cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Những tìm tòi của ông về mối quan hệ biện chứng giữa tiếp thu, phát triển vốn âm nhạc dân tộc và tiếp nhận, chuyển hóa nhuần nhuyễn giá trị âm nhạc hiện đại quốc tế, cùng nhiều nghiên cứu âm nhạc khác có ý nghĩa lý luận nền tảng lớn. Về sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận quan niệm “đi vào dân tộc là cách tốt nhất để bồi dưỡng tâm hồn dân tộc”, đi từ dân tộc đến hiện đại.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng khẳng định, nhạc sĩ Đỗ Nhuận để lại trong lịch sử nhạc mới hình ảnh một người đa năng trong hoạt động âm nhạc, một tác giả đa dạng về thể loại âm nhạc và đa sắc trong tính cách âm nhạc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận để lại cho đời nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau, từ ca khúc quần chúng đến ca kịch và nhạc kịch, từ độc tấu, hòa tấu thính phòng đến tổ khúc giao hưởng. Ông chú trọng âm nhạc dân tộc và hiện đại, tiên phong trong thử nghiệm một số thể loại thanh nhạc phương Tây như hành khúc dân tộc và opera…

Tại hội thảo, các nhà lý luận, phê bình âm nhạc đã đi sâu phân tích sự độc đáo trong các tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; một số tác phẩm trường ca, opera để đời của nhạc sĩ; về hoạt động lý luận, phê bình âm nhạc của ông… từ đó góp phần khẳng định những cống hiến to lớn của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

An Nhi