Góp sức xây dựng nếp sống văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 30/12/2022
Mỗi bức tranh, một thông điệp ý nghĩa
Sảnh chờ Hội trường Trung tâm văn hóa Hà Nội sáng 29-12 có rất đông người dân tham quan không gian trưng bày các tác phẩm tiêu biểu tại Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Hầu hết đều tỏ ra bất ngờ và thích thú với những ý tưởng mới mẻ cùng nguồn năng lượng dồi dào thể hiện qua các tác phẩm tranh cổ động. Điển hình như các tác phẩm: “Giữ trật tự trong bảo tàng” của tác giả Phạm Yến Nhi, “Không chở cồng kềnh” của tác giả Hồ Minh Thu đã thoát khỏi sự “hô hào khô cứng” nhờ nét vẽ mạch lạc, dí dỏm cùng gam màu tươi sáng...
Điều đáng nói, không chỉ đa dạng trong ngôn ngữ tạo hình cùng nội dung biểu đạt phong phú, sâu sắc, mỗi tác phẩm còn mang đến một thông điệp ý nghĩa dưới hình thức “slogan” đầy sáng tạo và cuốn hút. Có thể kể đến các “slogan”: “Chạy nhanh, thắng gấp, nằm sấp như chơi” của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh; “Đi ngược chiều là điều dại dột” của tác giả Nguyễn Thị Ngân; “Không gây mất trật tự an ninh, cần xếp hàng văn minh” của tác giả Nguyễn Thị Mai Anh...
Bà Lê Thị Thu Trang ở đường Trần Phú, quận Hà Đông chia sẻ: “Xem tranh cổ động về Quy tắc ứng xử tại đây, tôi thấy rất ấn tượng về sức sáng tạo, cảm hứng dồi dào của các tác giả. Nhiều tác phẩm có cách thể hiện mới, rất độc đáo và hấp dẫn, giúp người xem dễ dàng tiếp nhận và phù hợp với đời sống hiện nay”.
Góc nhìn mới về tranh cổ động
Tranh cổ động còn được gọi là tranh tuyên truyền trực quan. Thông qua màu sắc, ngôn ngữ tạo hình ấn tượng, người xem tiếp nhận thông tin để cùng chung tay khắc phục hoặc vun đắp các vấn đề của xã hội. Bên cạnh những tác phẩm xuất sắc, ghi dấu ấn trong đời sống, trở thành biểu tượng, vẫn còn không ít tranh cổ động đi theo lối mòn, thiếu tính sáng tạo và hơi thở thời đại.
Các tác phẩm tuyên truyền cổ động trực quan về Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gây bất ngờ lớn, không chỉ ở nội dung tuyên truyền mà còn ở tính nghệ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc chứa đựng trong tác phẩm. Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, dù phát động trong thời gian ngắn (từ tháng 10-2022), cuộc thi đã đón nhận 449 tác phẩm từ các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có nhiều tác giả trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành mỹ thuật...
“Nhiều tác phẩm mang phong cách mỹ thuật mới, vượt qua “lối mòn” tư duy, nêu bật được nội dung hệ thống quy tắc ứng xử, qua đó khích lệ cộng đồng vun đắp, lan tỏa nét đẹp văn hóa trong lời nói, việc làm, cung cách ứng xử... Ban tổ chức đã chấm chọn, thống nhất trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm dự thi xuất sắc nhất”, ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.
Là tác giả giành giải Nhất tại cuộc thi, sinh viên Quách Minh Hùng (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) bày tỏ: “Văn hóa ứng xử là một đề tài khó, bởi đều là những nội dung rất quen thuộc trong đời sống, làm thế nào để có cách biểu đạt gây ấn tượng với người xem thì ngoài việc phản ảnh thông tin, cần tạo được cảm xúc cho tác phẩm. Chọn cho mình thông điệp kêu gọi sự quan tâm chia sẻ dành cho người khuyết tật - những người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, em tin rằng việc cùng chung tay lan tỏa điều này cũng chính là lan tỏa văn hóa ứng xử”.
Còn họa sĩ Trần Duy Trúc (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên), tác giả giành giải Nhì cuộc thi, chia sẻ: “Tôi mong rằng những cuộc thi như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để có thêm nhiều tác phẩm tốt, tạo ra một diện mạo mới cho tranh cổ động, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay. Các tác phẩm ra khỏi cuộc thi, sẽ góp phần lan tỏa thông điệp khích lệ cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử thanh lịch, văn minh”.