Nhận diện những điểm yếu, nâng cao chất lượng đào tạo
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 01/01/2023
Xây nền tảng cảm thụ văn hóa, nghệ thuật
Sách kinh điển, phim nghệ thuật không có nhiều người xem, các loại hình nghệ thuật dân gian sống lay lắt, nhiều di tích bị làm mới thay vì phục dựng trên nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc..., tất cả những hạn chế này, ngoài lý do khách quan thì còn một nguyên nhân chung đến từ “mặt bằng” cảm thụ văn hóa nghệ thuật. Khi đọc, khi xem không hiểu thì người ta khó có thể yêu thích, càng khó có thể thực hiện tốt việc lưu giữ, bảo tồn, góp phần phát huy giá trị, nhất là trong bối cảnh hằng ngày có quá nhiều kênh giải trí hiện đại thu hút người xem.
Ở Hà Nội, số người có nhu cầu tiếp nhận và hưởng thụ giá trị văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo ngày càng đông, tuy nhiên, mặt bằng năng lực cảm thụ văn hóa, nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, để có động lực phát triển thì các lĩnh vực văn học nghệ thuật phải có được thị trường vững chắc, bởi đó là yếu tố mang tính nền tảng giúp nền CNVH phát triển toàn diện.
“Nói đến thị trường thì phải có bên bán - bên mua. Do đó, giới nghệ sĩ phải chú trọng quảng bá tác phẩm đến công chúng. Cần mở rộng quy mô và tăng tần suất hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật trên diện rộng để tạo môi trường giao lưu theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm “đánh thức” công chúng, giúp họ cảm nhận sâu sắc và có cách nhìn đúng về nghệ thuật. Nhận thức của công chúng được nâng cao thì sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường, từ đó kích đẩy tinh thần, giúp đội ngũ nghệ sĩ có thêm động lực sáng tác” - NSND Trần Quốc Chiêm khẳng định.
Đã và đang có nhiều nhà hát, trung tâm nghệ thuật tư nhân tổ chức các khóa học nhằm nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật, đối tượng được hướng tới là học sinh. Tuy nhiên, đây vẫn là những hoạt động mang tính tự phát, sức ảnh hưởng không đủ lớn, và không phải học sinh nào cũng có cơ hội và điều kiện tham gia. Hiện, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đang được triển khai, theo đó âm nhạc và mỹ thuật trở thành môn tự chọn trong nhà trường bậc trung học phổ thông với các chuyên đề về hội họa, kiến trúc, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế thời trang. Song đáng tiếc, tình trạng “trắng giáo viên” khiến nhiều trường chưa thể tổ chức giảng dạy môn này dù có nhiều học sinh đăng ký học.
Thực tế, đưa sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung vào trường học là vấn đề đã được đề cập từ năm 2017, khi cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm quý báu của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng mà Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng, đó là triển khai một cách bài bản chương trình “Sân khấu học đường”, đưa nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nghệ thuật truyền thống, vào trường học để học sinh có cơ hội được xem biểu diễn, giao lưu cùng các nghệ sĩ, qua đó trau dồi kiến thức, bồi dưỡng tình yêu với văn hóa, nghệ thuật nói chung, và nghệ thuật truyền thống nói riêng. Sự liên kết chặt chẽ giữa ngành Giáo dục, ngành Văn hóa và các tổ chức nghệ thuật sẽ góp phần tạo dựng nền tảng thưởng thức văn hóa, nghệ thuật trong học sinh, hình thành những lớp khán giả mới, giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu thích và chung tay giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): “Giáo dục sáng tạo ở Thủ đô đã có chủ trương, song hành động còn chậm. Hệ sinh thái đã được hình thành nhưng còn nhiều khoảng trống. Hà Nội vẫn chưa có được chương trình giáo dục địa phương tập trung cho giáo dục sáng tạo”.
Ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ, bồi dưỡng nhân tài
Hà Nội là một trong những thành phố có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước, bởi nhiều năm qua công tác đào tạo nghề luôn được chính quyền thành phố quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNVH sáng tạo còn thiếu và yếu, một phần nguyên nhân quan trọng là chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường chưa được chú trọng đúng mức, bởi quan điểm của một bộ phận không nhỏ người dân quan tâm đầu tư cho con em mình luyện chữ - giải toán - học tiếng Anh nhiều hơn là trang bị kiến thức về nghệ thuật, nên không có nhiều tài năng trẻ về nghệ thuật sáng tạo được phát hiện, bồi dưỡng từ sớm. Một số học sinh có năng khiếu và sở thích phải tự tìm các lớp học ở ngoài để “luyện thi” vào những trường chuyên ngành.
Hà Nội có nhiều cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật hàng đầu cả nước, như Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội... Đây là những cái nôi nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ tài năng. Tuy nhiên, hầu hết các trường tập trung đào tạo chuyên ngành, thiếu phần kiến thức liên ngành, các kỹ năng cần thiết về xây dựng và phát triển CNVH và sáng tạo như quan hệ công chúng, marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quản trị di sản...
Ông Hoàng Việt Tân, Giám đốc điều hành Học viện VTC Academy cho biết: “Hiện tại, phần lớn các trường đang đào tạo dàn trải, mỗi mảng kiến thức dạy một chút, kết quả là học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp cái gì cũng có thể làm, nhưng khả năng diễn họa nhuần nhuyễn chủ đề của dự án thì không đạt yêu cầu. Hệ quả của sự chênh lệch cung - cầu này khiến các doanh nghiệp phải đầu tư tiền bạc và thời gian để đào tạo nội bộ nhằm đảm bảo các nhân viên mới có thể theo kịp yêu cầu công việc. Quá trình “tái đào tạo” này thường mất 3 - 6 tháng và trong khoảng thời gian này, bất cứ biến động nào liên quan đến nhân sự đều là tổn thất không thể lấy lại của doanh nghiệp”.
Nhằm giải bài toán nói trên, Học viện VTC Academy hằng năm đều làm khảo sát chi tiết với từng doanh nghiệp về yêu cầu đầu vào của họ, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý dự án... để từ đó lấy chuẩn “đầu vào” của doanh nghiệp làm chuẩn “đầu ra” cho các học viên VTC Academy. Ngoài ra, VTC Academy hợp tác chặt chẽ với một số trường nước ngoài để đào tạo liên thông nhằm nâng cao chuẩn đầu ra cho học viên. Việc có được nguồn nhân lực đạt chuẩn châu Âu và thế giới sẽ cho phép các studio của Việt Nam mạnh dạn xây dựng, thực hiện các dự án lớn, giúp các tác phẩm của họ vươn ra thị trường nước ngoài.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, ở bất cứ một khâu nào trong nền CNVH thì con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Nếu không dành sự đầu tư xứng đáng cho nhân sự thì không thể có tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phát triển khác, Chính phủ luôn có những quỹ đầu tư cho nguồn nhân lực. Những thế hệ nghệ sĩ trẻ, những nhân tố hạt giống luôn được ưu ái tạo điều kiện để phát triển; học bổng và cơ hội du học tại các nước có nền CNVH tiên tiến rộng mở trước họ, giúp tài năng trẻ mở mang tầm mắt, lĩnh hội tinh hoa. Khi trở về nước, thế hệ nhân sự đó chính là nhân tố thúc đẩy phát triển nền CNVH nước nhà một cách hiệu quả, đưa nền CNVH nước ta vươn tầm thế giới.
Còn theo NSND Trần Quốc Chiêm, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ; tổ chức ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường nhưng vô cùng cần thiết với yêu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa Thủ đô. Để tạo nền tảng phát triển bền vững, không chệch hướng thì còn cần quan tâm đặc biệt đến mảng nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, những môn nghệ thuật hàn lâm cũng như kịch hát dân tộc...