Văn học, nghệ thuật: Hướng tới những tác phẩm tầm cỡ

Văn hóa - Ngày đăng : 06:18, 08/01/2023

(HNM) - Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có nêu: “Cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ…”. Từ quan điểm đó, văn học, nghệ thuật nước nhà gần đây đã được tiếp thêm động lực, có những chuyển động tích cực, tạo tiền đề bước vào một chặng đường mới, hứa hẹn vươn tới những thành tựu lớn lao trong sáng tạo.

Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) - tác phẩm đoạt giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022, nhận giải Xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Những dấu hiệu triển vọng

Bức tranh tròn Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) vừa nhận giải Xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh là câu trả lời thuyết phục về tác phẩm mỹ thuật xứng đáng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bức tranh có tổng diện tích lên đến 3.225m2, với sự tham gia sáng tạo của gần 200 họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, chuyên gia kỹ thuật, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Mạc, đã tái hiện một cách chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ. 9 năm nghiên cứu, 18 tháng thi công và hoàn thành vào tháng 5-2022, đây là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sử dụng hình thức Panorama trong đề tài tranh lịch sử, trở thành một điểm nhấn văn hóa, thu hút công chúng trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng lãm.

Vở cải lương “Đất liền và biển cả” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Chi chuyển thể cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, do Đoàn Cải lương Hải Phòng thể hiện đã giành giải Xuất sắc tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2022, để lại nhiều dư âm cảm xúc cho khán giả. Tác phẩm là bản anh hùng ca về tinh thần chiến đấu, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tập thơ “Mây trôi phía làng” của tác giả Lê Đình Tiến cũng khá ấn tượng. Bằng thể thơ lục bát quen thuộc và đề tài làng quê rất gần gũi, tác giả Lê Đình Tiến đã có góc nhìn mới, cách diễn đạt mới, mang đầy hơi thở thời đại, đem lại cảm giác lạc quan, vui tươi cho người đọc. Ngoài ra, có tập truyện “Cõi yêu” (Phong Nguyên), tập thơ “Mây âm tính” (Vũ Văn Luyến)… đầy hiện thực đời sống và hướng con người tới điều tốt đẹp.

Điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây nổi bật ở mảng phim tài liệu. Điển hình có bộ phim “Hai bàn tay” của đạo diễn Đặng Thị Linh kể về cuộc đời sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Sáng đã giành Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hay phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm về đề tài miền núi, lọt vào danh sách rút gọn, gồm 15 tác phẩm ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95, năm 2023 do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức…

Một cảnh trong vở cải lương “Đất liền và biển cả” của Đoàn Cải lương Hải Phòng.

Khuyến khích vươn tới đích sáng tạo mới

Những tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao, tầm cỡ là điều luôn được các văn nghệ sĩ hướng tới và công chúng chờ đợi. Đó phải là tác phẩm phản ánh sinh động đời sống, tầm vóc của sự nghiệp đổi mới đất nước, có sức lay động, hấp dẫn, tác động tích cực tới việc xây dựng con người thời kỳ mới. Với tác phẩm Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được coi là kỳ tích của mỹ thuật Việt Nam gần đây, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Nếu không có tình yêu với quá khứ, với di sản của cha ông thì khó lòng tạo được toàn cảnh cuốn hút và gây ấn tượng với người xem như vậy”. Còn ông Nguyễn Văn Mạc, chủ trì tác phẩm này cho rằng, phải có một tập thể thật sự đoàn kết, tài năng và tâm huyết mới hoàn thành công trình.

Là người sáng tác hơn 50 năm, đồng hành với những chuyển động văn nghệ nước nhà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, những điểm cơ bản, yếu tố quan trọng để khởi tạo một nền văn học, nghệ thuật lớn, những tác giả lớn đã và đang hội tụ đầy đủ. Tuy nhiên, sáng tác văn học, nghệ thuật không giống trồng lúa, trồng khoai, vài tháng là thu hoạch, mà phải kiên nhẫn, bền bỉ, đặt lòng tin vào văn nghệ sĩ... Còn theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nước ta đang có nhiều nhân tố làm nên tác phẩm đỉnh cao nhưng cần tiếng nói đồng điệu, sự đồng sức, đồng lòng không chỉ của văn nghệ sĩ, mà cả hệ thống chính trị.

Tại lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ cần phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao trách nhiệm, bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước để sáng tạo nên những tác phẩm phản ánh cuộc sống, góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống cho người Việt Nam; dẫn đường và đồng hành với công chúng; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương tiếp tục quy tụ văn nghệ sĩ cả nước, tạo điều kiện, khuyến khích họ vươn tới những đích sáng tạo mới.

An Nhi