Phố cổ - nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật: Giữ nét vàng son

Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 08/01/2023

(HNMCT) - Phố cổ không chỉ là một không gian lịch sử có giá trị về văn hóa, mà còn là biểu trưng cho nét thanh lịch của người Tràng An, niềm tự hào của đất kinh kỳ - Kẻ Chợ. Với mong muốn tiếp nối, lan tỏa những giá trị đó, mới đây, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bảo tồn di sản phố cổ”. Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ với hy vọng văn học nghệ thuật Thủ đô góp phần hiệu quả vào việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của khu phố cổ Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Hội Nhà văn Hà Nội:
Nghệ sĩ phải tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp, giá trị của phố cổ bằng góc nhìn của riêng mình

Từ xa xưa, địa danh phố cổ đã xuất hiện trong rất nhiều câu ca dao tục ngữ, như: “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...”, hay: “Long Thành bao quản nắng mưa/ Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây...”. Những câu ca dao đó gợi cho tôi vài điều suy nghĩ.

Thứ nhất, nếu không ai sáng tạo ra những câu ca dao trên thì hôm nay chúng ta làm sao để hình dung về một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xưa với phố cổ, làng nghề sầm uất đến thế? Thứ hai, người dân khi xưa đã rất yêu, kiêu hãnh tự hào với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thứ ba, phố cổ Hà Nội đã đi vào văn học nghệ thuật từ lâu đời và được lưu truyền rộng rãi, đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong cảm hứng sáng tạo của dân gian. Thứ tư, các tác giả dân gian dù không có ý thức sáng tạo văn học nhưng họ đã góp phần vào việc lưu truyền, bảo tồn cái đẹp của phố cổ Hà Nội.

Và thực tế, không chỉ trong văn học mà trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác, các nghệ sĩ cũng đã góp phần lưu truyền, giữ gìn vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội. Đó là họa sĩ Bùi Xuân Phái, người nổi tiếng với những bức tranh đề tài phố cổ Hà Nội. Nhiếp ảnh gia Lê Vượng nổi tiếng với những bức ảnh chụp phố cổ Hà Nội xưa với vẻ đẹp quyến rũ. Rồi là các công trình kiến trúc của người Việt và người Pháp đã để lại những di tích văn hóa, lịch sử đáng giá như Ô Quan Chưởng, Tháp Rùa, cầu Thê Húc, Nhà hát Lớn...

Các vở diễn tuồng, chèo, cải lương hiện diện trong đời sống xã hội ở Thăng Long - Hà Nội qua nhiều thế kỷ với nhiều nhà hát cổ nay còn tồn tại. Các bài hát hay về Thăng Long - Hà Nội như “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương, “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ - Phú Quang, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

Có thể thấy, chúng ta có một đội ngũ sáng tác về Hà Nội khá hùng hậu, nếu không có họ thì Hà Nội - phố cổ sẽ không lưu giữ được vẻ đẹp bao đời, cũng không nhiều người biết đến giá trị đích thực về lịch sử, văn hóa ngàn xưa.

Chính vì thế, để văn học nghệ thuật phát huy được vai trò lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của khu phố cổ Hà Nội, theo tôi, người nghệ sĩ phải tạo ra được những tác phẩm hay. Muốn vậy thì phải tìm tòi, phát hiện ra vẻ đẹp, giá trị đích thực của phố cổ bằng góc nhìn của riêng mình để tôn vinh những giá trị ấy bằng tài năng sáng tạo nghệ thuật.

Tiếp đó, trong sự xô bồ, ồn ã, đua chen của môi trường công nghiệp hóa đang tràn vào phố cổ, người nghệ sĩ phải dùng ngôn ngữ riêng của loại hình nghệ thuật mà phê phán, phản biện với tinh thần xây dựng. Không nên chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực xấu xí mà phủ định tất cả. Đặc biệt, các kiến trúc sư là những người nhìn thấy rõ nhất giá trị văn hóa vật thể của phố cổ nên cần có những đóng góp thiết thực nhất trong việc bảo tồn những giá trị ấy.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Văn học nghệ thuật cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh về phố cổ Hà Nội; tổ chức các cuộc sáng tác văn học nghệ thuật về Hà Nội và phố cổ; khôi phục các nhà hát cổ trong lòng Hà Nội, kết hợp các tour du lịch cho khách trong và ngoài nước xem biểu diễn nghệ thuật; thi sưu tầm văn học dân gian về phố cổ... Có như vậy thì giá trị lịch sử, văn hóa phố cổ Hà Nội mới được nâng tầm để tiếp tục được coi trọng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Nhà lý luận phê bình Bùi Đình Phiên (Thái Phiên):
Nghệ thuật múa cổ truyền góp phần làm cho phố cổ trở thành điểm đến hấp dẫn

Từ xa xưa, phố cổ Hà Nội đã có những hình thức múa tâm linh, tín ngưỡng mà ít người nghĩ đó là gốc của múa cổ truyền Hà Nội. Trong khu phố cổ Hà Nội, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều ngôi đền chùa, miếu thờ, hội quán... mà trước đây trong những ngày lễ hội, người ta đi lễ vẫn được xem những điệu múa tôn nghiêm, thành kính đó.

Bên cạnh đó, theo lịch sử truyền miệng của các thế hệ trước, trong các ngày lễ của nhà Trần, các vũ công được vào trình bày những điệu múa nghi lễ dâng vua, hoàng hậu và các quan đại thần như múa dâng hoa, Lục cúng hoa đăng, bài bông, bát dật... những điệu múa này đã trở thành đặc sản của múa cổ Thủ đô. Sau đó, đến thời nhà Nguyễn, các vũ công Thăng Long đã được cử vào cung đình Huế dâng vua, quan nhà Nguyễn và những điệu múa ấy được ghi nhận là múa hay, múa đẹp, sau đó dần trở thành những điệu múa nghi lễ của cung đình Huế như bài bông, bát dật, Lục cúng hoa đăng...

Ngoài ra, trong khu vực phố cổ Hà Nội trước đây cũng có những hình thức múa nghi lễ như múa hầu đồng, múa hát chầu văn... Những điệu múa này góp phần tôn vinh vẻ đẹp văn hóa cho khu phố cổ Hà Nội.

Những năm gần đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Hội Múa Hà Nội đã phối hợp dàn dựng, đưa chương trình Múa dân gian cổ truyền Hà Nội về trình diễn tại các địa điểm công cộng như công viên, tượng đài Lý Thái Tổ... trong những ngày lễ hội, kỷ niệm lớn của Thủ đô, của đất nước. Đó chính là những hoạt động tích cực góp phần bảo vệ di sản văn hóa cho khu phố cổ Hà Nội, làm cho nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến:
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ

Trong nhiều năm qua, các thế hệ họa sĩ Hà Nội đã sáng tác rất nhiều về đề tài phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Nổi bật là họa sĩ Bùi Xuân Phái, người miệt mài vẽ về phố cổ Hà Nội, người đã được gắn tên mình với một dòng tranh riêng, “Phố Phái”.

Ngoài ra, còn rất nhiều họa sĩ sáng tác về phố cổ Hà Nội, về các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô; tác phẩm của họ được trưng bày tại “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô” hằng năm nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10.

Đặc biệt, để tạo những điểm nhấn văn hóa phố cổ, các họa sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô đã tham gia vào các dự án nghệ thuật công cộng, các công viên, vườn hoa, như công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)… hoặc tham gia vào việc bảo tồn, trùng tu các di tích, chỉnh trang các con phố, đem lại một diện mạo mới nhằm phát huy giá trị di sản phố cổ.

Thời gian tới, để góp phần vào việc bảo tồn di sản phố cổ, chúng ta cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ nhằm phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình khai thác giá trị và bảo vệ di sản. Cần khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa phố cổ: Tổ chức các hoạt động biểu diễn, triển lãm, quảng bá, tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ với nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ di sản phố cổ...

Khánh Linh