Giữ trọn vẹn nét đẹp ngày Tết ông Công, ông Táo
Văn hóa - Ngày đăng : 10:40, 14/01/2023
Phong tục đẹp của người Việt
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, đã được Việt hóa thành sự tích “2 ông, 1 bà”, gồm thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc, được dân gian gọi chung là Táo quân hoặc ông Công, ông Táo.
Theo truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc diễn biến trong năm của gia chủ. Cứ đến thời gian này, nhà nhà lại chuẩn bị mâm cỗ cúng đầy đủ các món ăn tinh khiết ngày Tết để tiễn các vị thần về trời. Tùy theo phong tục mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền đất nước có sự khác biệt nhất định, song nhìn chung đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà; sự hướng thiện, hướng tới các giá trị cao đẹp.
Cũng trong ngày này, người dân đều thực hành tập tục phóng sinh cá chép, bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện duy nhất đưa Táo quân về trời. Nghi thức phóng sinh cá chép còn ẩn chứa thông điệp cầu may mắn từ truyền thuyết “cá vượt vũ môn hóa rồng” của người Việt, mang ý nghĩa thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí vượt gian khó vươn tới thành công, hay biểu trưng cho nhân cách thanh cao, hành động hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Để phong tục thêm ý nghĩa
Tục ăn Tết ông Công, ông Táo và phóng sinh cá chép là một nét đẹp văn hóa lâu đời, thể hiện tính hướng thiện, tâm từ bi của người Việt. Năm nay, Tết ông Công, ông Táo vào ngày nghỉ nên phần đông các gia đình đều dành lễ cúng vào đúng ngày. Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Hà Nội đã mang cá chép ra bờ sông, hồ thả để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Đã thành truyền thống, nhiều năm qua, lực lượng hỗ trợ người dân “thả cá chép, đừng thả túi ni lông”, như: Đường Táo quân, Nhóm cá chép… lại ra quân ở nhiều vị trí trọng điểm, nơi tập trung đông người đến phóng sinh cá. Dọc theo cầu Long Biên, các tình nguyện viên chia thành các tụ điểm, bố trí các xô nhựa vào thành cầu để hỗ trợ người dân thả cá. Đồng thời, băng rôn "Thả cá đừng thả túi ni lông" được treo dọc hai bên đường đi, tuyên truyền, vận động người dân tiễn Táo quân về trời một cách ý thức và văn minh nhất.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại cầu Long Biên và hồ Gươm, năm nay, mọi người thả cá chép đã có ý thức và văn minh hơn nhiều năm trước. Không còn hình ảnh xấu xí vứt cả túi ni lông theo cá hay thả cá từ trên cầu xuống. Cùng với đó là sự nhiệt tình của những bạn trẻ hướng dẫn, giúp đỡ người dân thả cá an toàn và thu gom túi ni lông, rác nhằm bảo vệ môi trường. Gió lớn trên cầu không làm giảm đi tinh thần nhiệt huyết, bùn đất dưới cầu cũng không cản được sự hăng say của các bạn tình nguyện viên với công việc của mình.
Em Vũ Đức Hiếu (Chủ nhiệm nhóm Đường Táo quân) chia sẻ: “Đường Táo quân là chiến dịch kéo dài 10 năm qua, nhằm mục đích thay đổi thực trạng thả túi ni lông và đồ thờ cúng xuống sông, hồ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Chúng em vận động, kêu gọi việc tự ý thức về bảo vệ môi trường; cùng nhắc nhở các thành viên gia đình, hàng xóm ở khu vực mình sinh sống. Qua mỗi năm, ý thức mọi người được nâng lên hơn và dần quen với việc có nhóm em ở đây hỗ trợ, nên không thả cá và túi ni lông từ trên cầu xuống nữa”.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, lễ Tết ông Công, ông Táo là phong tục lâu đời của người Việt với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình cần ý thức được mục đích, ý nghĩa của nghi thức, thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng... làm méo mó ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ. Việc thả cá cũng cần có tâm bảo vệ môi trường sạch đẹp, đó mới là cách thực hành hướng thiện, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền hiệu quả.
Hy vọng, với những hành động, việc làm chưa đúng, chưa đẹp sẽ sớm được khắc phục để mọi người ai cũng được đón một cái Tết vui vẻ và ý nghĩa.