Ngô Thảo - đời văn không lặng lẽ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:25, 14/01/2023

(HNMCT) - Ngô Thảo lúc nào cũng như thể đang đi chơi. Mọi cuộc vui ông sẵn sàng có mặt. Nhưng kỳ thực thì Ngô Thảo lúc nào cũng đang làm việc. Ông tham gia vào đời sống của người nghệ sĩ để quan sát, ghi chép, nhặt nhạnh, rồi từ những mảnh vụn đó cắt nghĩa tâm lý, đời sống sáng tạo của nhà văn.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn theo kịp đời sống, không chỉ tri kỷ với người cùng thời mà với cả lớp trẻ nhờ một tinh thần sống trẻ trung, luôn cập nhật cái mới. Ông nghĩ và bàn mọi vấn đề của văn hóa nghệ thuật một cách tâm huyết, trách nhiệm, nhiều gợi mở. Và, chảy tràn qua các trang viết của ông là một tình yêu vô hạn, vô tư với đời.

1. Bên thềm xuân năm mới 2023, Ngô Thảo cho ra mắt cuốn sách mới nhất của ông: “Văn hóa trong phát triển, văn hóa của phát triển”. Đọc, để một lần nữa thấy sức vóc, tầm vóc, tâm huyết và tấm lòng của Ngô Thảo với văn hóa nghệ thuật nước nhà. Cuốn sách tập hợp các bài viết của Ngô Thảo được in rải rác trên báo chí từ rất lâu, và cả gần đây thôi.

Chúng ta đã đi qua một năm 2022 với nhiều hoạt động trọng tâm trong văn hóa, quán triệt tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư tại Đại hội văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021. Trên con đường phát triển và hội nhập, Đảng ta ngày càng nhìn rõ hơn sức mạnh của văn hóa, đặt văn hóa lên một tầm cao mới, một vị trí sống còn để khẳng định sức mạnh Việt Nam. Rất nhiều vấn đề cụ thể của văn hóa đã được hiện thực hóa, từng bước trở thành một phẩm chất trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Văn hóa không còn là “cái gì đó thêm vào” của đời sống như đã có lúc chúng ta ứng xử, mà thực sự được xem như một nền tảng, một bệ đỡ vững chắc cho phát triển. Thậm chí, văn hóa ngoài việc làm giàu giá trị tinh thần thì còn làm giàu giá trị vật chất cho đất nước, thông qua các chiến lược phát triển công nghiệp hóa văn hóa, thông qua đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua giữ gìn bản sắc truyền thống và thực hành các giá trị truyền thống gắn với kinh tế, du lịch...

2. Tất cả những điều nói trên, đã từng được đặt ra rốt ráo trong các trang viết của Ngô Thảo, mà nhấn mạnh là không chỉ ở thời điểm này. Ngô Thảo đã đặt ra các vấn đề cốt lõi của phát triển văn hóa và văn hóa trong phát triển hàng chục năm, thậm chí vài ba chục năm về trước, trong các bài viết tâm huyết của mình trên báo chí. Chẳng hạn, về vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà Ngô Thảo gọi là “nguồn gen gốc”, ngay từ năm 1995, trên báo Văn nghệ: “Lịch sử văn hóa cũng như sự phát triển khoa học hiện đại nhắc cho chúng ta bài học hết sức quan trọng là muốn phát triển phải biết gìn giữ và tôn trọng những gì là thuần chủng. Cái Gốc cần được bảo vệ là vì thế. Gìn giữ một sinh vật lại càng khó. Một làn điệu dân ca, một vở chèo cổ cũng có đời sống như những sinh vật vậy. Giữ gìn là tốn kém. Nhưng để nó tham gia kinh tế thị trường, rồi tự kiếm sống, sớm muộn sẽ biến mất... Đất nước Việt Nam phát triển như thế nào, một phần rất quan trọng là đặt có đúng chỗ vị trí của văn hóa dân tộc làm nền tảng tinh thần cho phát triển hay không".

Về công tác đào tạo cán bộ cho phát triển văn hóa, ngay từ năm 1996, trong một bài viết trên báo Tiền Phong, Ngô Thảo nhận định: “Nhìn vào đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng văn hóa hiện nay có thể nói, so với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước, trong đó có vai trò hàng đầu của văn hóa quả là còn bất cập. Tính gom nhặt, chắp vá, cầu may đôi khi đã thành một lực lượng chứ chưa thể nói là kết quả của một quá trình đào tạo bài bản, có ý thức. Chúng ta có nhiều trường, nhiều hệ thống đào tạo cán bộ nhưng đội ngũ chiến lược về văn hóa lại không từ đó mà ra”. Ngay từ thời điểm đó, Ngô Thảo đề xuất Nhà nước cần sớm nhận ra chỗ trống, chỗ thiếu đó để có một quy hoạch đào tạo cán bộ chiến lược cho văn hóa trong thế kỷ mới. 

Đau đáu các vấn đề của văn hóa, Ngô Thảo sớm cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa nền, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức trong cán bộ, viên chức. Ngô Thảo bàn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới: “Sẽ là một tội lỗi không thể nào khắc phục nếu trong xây dựng nông thôn mới chỉ chú ý đến những chỉ tiêu vật chất, đồng phục hóa, đồng loạt hóa với cùng một mô hình cấu trúc, nghiêng về xu hướng đô thị hóa mà không bảo tồn sự khác biệt của từng sắc tộc, từng vùng miền như đã từng tồn tại trong quá khứ”.

Thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Ngô Thảo có nhiều bài viết góp ý về các vấn đề cấp thiết của văn hóa. Ông viết thư cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mong muốn người đứng đầu của ngành dành sự quan tâm đúng mức hơn cho việc chuẩn bị nhân sự và nhân lực của văn hóa. Ông bàn về sự cần thiết phải nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ Đảng và Nhà nước về tác dụng và vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng con người và xã hội hiện nay. Ngô Thảo đề cập các giải pháp chống lại “sự xâm lăng văn hóa thời kỳ 4.0” hay “Văn học nghệ thuật có thể góp phần nhân đạo hóa hoàn cảnh”, làm sao để văn hóa tiếp tục là “ngọn đèn soi đường cho quốc dân đi”.

Ngòi bút Ngô Thảo sắc bén trong lý luận, đầy ắp thực tiễn trải nghiệm của một người lính đã từng vào sinh ra tử, một người làm công tác văn hóa văn nghệ lâu năm, một người yêu văn hóa và luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc.

Cuốn sách “Văn hóa trong phát triển, văn hóa của phát triển” ra đời, ngay lập tức được dư luận chú ý vì nội dung đề cập trực diện đến hàng loạt vấn đề liên quan đến văn hóa mà xã hội đang quan tâm. Trong hội thảo "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới", sách của Ngô Thảo được phát làm quà, với ý nghĩa như một tiếng nói gợi mở cho các nhà lý luận và quản lý về văn hóa nhiều vấn đề thời sự đang cần cả xã hội quan tâm.

3. Ngô Thảo trải qua nhiều vị trí công tác, ông từng giữ vị trí Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Nhưng, "vẽ" chân dung ông, trước hết phải là một gương mặt người lính. Là nhà văn bước ra từ chiến tranh, Ngô Thảo gắn sự nghiệp làm lý luận phê bình của mình với văn học về người lính. Mới đây thôi, một buổi lễ tri ân ấm áp được ông và gia đình tổ chức, để tri ân tạp chí Văn nghệ quân đội - nơi ông có nhiều năm công tác. Cùng với “Văn hóa trong phát triển, văn hóa của phát triển” là 3 cuốn sách khác ra đời gần như cùng thời điểm, mang nặng ân tình của Ngô Thảo với văn học chiến tranh và các nhà văn mặc áo lính, gồm: “Nghiêng trong bóng chiều”, “Bốn nhà văn nhà số 4”, “Lặng lẽ những đời văn”.

Đọc Ngô Thảo, bạn đọc gần như không gặp một chút gì gọi là tư lợi trong mỗi trang viết, dù ngòi bút của ông là phê bình lý luận, mà như thói thường đôi khi với tư cách mổ xẻ một tác phẩm nào đó, người ta rất dễ làm đau, thậm chí gây sát thương cho người cầm bút. Ngô Thảo là người viết luôn nhìn thấy, và hình như chỉ định nhìn thấy cái đẹp trong đời cũng như trong văn hóa, văn nghệ. Ông chắc chắn không phải người lạc quan tếu, chỉ bởi ông nghĩ, có ích gì nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm nhìn vào cái xấu, thay vì nâng đời sống lên bằng việc khơi cái đẹp, như khơi bấc của ngọn đèn dầu tỏa rạng không gian, thu hẹp dần bóng tối. Như Ngô Thảo từng bày tỏ quan niệm của mình trong một bài viết về văn hóa đọc đã lâu: “Làm người là làm một mặt trời nhỏ, ở đâu và bao giờ cũng có sức tỏa sáng và sưởi ấm cho mọi người xung quanh”.

“Lặng lẽ đời văn” là tên cuốn sách tiểu luận phê bình của Ngô Thảo vừa giành giải B Giải thưởng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương 2022. Là một người quan sát, cặm cụi một đời đứng cạnh các nhà văn, các nghệ sĩ, Ngô Thảo nhìn thấu cái lặng lẽ trong công việc của người sáng tạo. Và, dường như ông cũng làm phần việc của mình trong âm thầm. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những trang viết của Ngô Thảo luôn có sức sống mạnh mẽ trong việc động viên, khích lệ người làm công tác văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là người sáng tác, trong thời buổi bùng nổ các phương tiện giải trí như hiện nay.

Bình Nguyên Trang