Thăm ''làng tiến sĩ''
Văn hóa - Ngày đăng : 07:29, 15/01/2023
Tiếp đón tôi tại đền thờ Thủy tổ họ Vũ, Võ Việt Nam là ông Vũ Huy Nhan, 73 tuổi người trông coi đền thờ. Tôi nói ra cảm nhận của mình về đồng lúa xanh rờn, được ông Nhan cho biết: “Làng tôi kể từ khi cụ Vũ Hồn về đây lập làng chẳng có gì ngoài lúa, ngoài học”. “Chẳng có gì ngoài lúa, ngoài học”, câu giới thiệu nghe khiêm tốn vậy thôi chứ làng Mộ Trạch, làng “Đệ nhất khoa bảng” nước Nam đã từ lâu nức tiếng gần xa, đã từ lâu là niềm tự hào của người dân quê lúa.
Sử sách đã ghi chép lại: Từ năm 1428-1789, làng Mộ Trạch đã có đến 36 vị đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ hương cống, sinh đồ, tú tài. Nhiều người trong số các đại khoa giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình phong kiến các thời đại. Mộ Trạch cũng là nơi xuất thân của 5 trạng gồm: Trạng chữ Lê Nại, Trạng toán Vũ Hữu, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng vật Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực. Tích làng Mộ Trạch kể rằng: Vào năm 39 tuổi, vị tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Trung Hoa, tên là Vũ Hồn, đã từ quan đưa gia đình di xuống phía nam. Trong hành trình đi tìm đất lập làng của mình vào một buổi đẹp trời đã dừng chân ở nơi này.
Hồi đó, nơi này còn hoang vu, dân cư thưa thớt, đất lại trũng thấp, Vũ Hồn với con mắt tinh đời nhận thấy nơi đây phong thủy rất tốt nên đã ngẫm: “Nơi này sơn thủy hữu tình, long trầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn thật là nơi đất phát tổ tiến sĩ”. Vũ Hồn bèn vẽ thành địa đồ, xác định đến đây lập nghiệp. Đời sau truyền câu hát “Mạch từ lòng đất chảy ra/ Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày/ Truyền rằng ở mạch giếng này/ Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi”.
Như để chứng minh cho sự ngẫm của người xưa, ông Vũ Huy Nhan dẫn chúng tôi ra đứng trước cửa đền, rồi cho hay: “Nguồn nước chảy mãi trong câu ca chính là giếng làng Mộ Trạch, vốn không bao giờ cạn hay vẩn đục”. Giếng làng có đường kính 36 mét, vừa khớp với con số 36 vị trạng nguyên, tiến sĩ của làng. Tuy mực nước giếng chỉ sâu 1 mét nhưng cứ múc đến đâu là nước đầy đến đó, không bao giờ cạn. Khi giếng nước được tu sửa, người dân thấy nước chảy ra trong hơn, dùng thử thì thấy rất ngọt. Trước đây, những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn thì giếng làng Mộ Trạch vẫn đầy như vậy. Sự trùng hợp này khiến người dân tin rằng con em mình thông minh học giỏi là nhờ giếng làng hội tụ được tinh hoa của trời đất.
Đứng trước cửa đền, ông Vũ Huy Nhan cho biết: Đền thờ Thủy tổ họ Vũ, Võ Việt Nam được xây dựng vào năm 1685, dưới triều vua Lê Thần Tông. Đền xây theo kiểu truyền thống, có ba gian, hình chữ Đinh. Đền xây dựng chính trên phần đất mà trước khi mất Vũ Hồn đã dặn dò con cháu. Cụ cho rằng: Vị trí này có hình dáng đầu rồng đang ngẩng cao trông về hướng đông, hướng ấy mặt trời mọc sẽ soi đường cho con cháu. Nói rồi ông Nhan chỉ tay vào hai ao nhỏ ở sát hai bên phía trong cổng đền. Ông Huy nói: Phía bắc là ao Tam Thai, thể hiện 3 quả trứng với ý nghĩa sẽ sinh sôi đời đời con cháu. Phía nam là ao Mực, thể hiện sự dồi dào nguồn chữ nghĩa của làng không bao giờ hết. Cho tới nay, làng Mộ Trạch vẫn là một làng thuần nông. Làng không có nghề phụ và theo như trào lưu phát triển kinh tế hiện nay thì làng cũng không có “bóng dáng” công nghiệp nào. Có lẽ bởi thuần nông nên dân làng vẫn lấy sự học làm cốt lõi.
Chúng tôi cùng quay vào trong đền. Dường như câu chuyện về vị tổ biết nhìn xa trông rộng thôi thúc chúng tôi. Nhìn lên bức hoành phi treo trên chính điện, ông Vũ Huy Nhan thong thả đọc to “Vạn đại lưu phương tiếng thơm muôn đời”. Đúng là với danh xưng “Làng đệ nhất khoa bảng” vì cho tới nay, làng Mộ Trạch vẫn là một làng khoa bảng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với số lượng tiến sĩ Nho học đông nhất nước với 36 vị, có 1 vị đỗ Trạng nguyên và 11 vị đỗ Hoàng giáp. Điều lý thú là họ Vũ không chỉ là dòng họ đông nhất ở làng mà còn có 29 vị đỗ tiến sĩ Nho học.
Thấy chúng tôi có ý ra về, ông Vũ Huy Nhan nói: “Còn một chỗ nữa các ông nên ghé”. Thì ra “chỗ nên ghé” mà ông Nhan nói chính là Nhà bia tiến sĩ của làng. Ông Nhan cho biết: “Nhà bia này có đủ 36 tấm bia, mỗi vị tiến sĩ một bia. Bia làm bằng đá, đứng trên mai rùa giống như bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội”. Bia được đặt theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ tấm bia khắc tên vị tiến sĩ đầu tiên cho tới vị tiến sĩ thứ 36. Điều thú vị là bia được khắc cả hai mặt, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Việt.