''Đời sống mới'' cho tranh dân gian
Văn hóa - Ngày đăng : 06:39, 23/01/2023
“Hồn“ di sản trong nghệ thuật đương đại
Nằm giữa bốn bề cỏ cây bờ bãi sông Hồng thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, xưởng tranh Latoa Indochine mang vẻ đơn sơ, mộc mạc khác xa với sự lộng lẫy, sang cả của những tác phẩm tranh dân gian sơn mài khắc được thành hình nơi đây. Không khí tĩnh lặng bao trùm không gian làm việc cho thấy sự tập trung cao độ của người nghệ sĩ bên đứa con tinh thần, chỉ thoảng mới bị “phá vỡ” bởi tiếng nước róc rách dội vào bản khắc hay âm thanh đều đặn của giấy ráp mài vào mặt gỗ...
Chăm chú dõi theo đường chạy của giấy ráp, họa sĩ Lương Minh Hòa cẩn thận chỉ dẫn: “Mài là công đoạn quan trọng nhất bởi trong tranh sơn mài khắc, mài chính làm vẽ. Phải có tư duy thẩm mỹ, khả năng cảm quan… mới cảm nhận được lực mài, nét mài đến đâu là đủ. Đôi khi chỉ một hai đường nét quá tay, tác phẩm đã không còn được như mong đợi. Điều này cũng quyết định đến tính độc bản, riêng có của mỗi tác phẩm tranh dân gian sơn mài khắc, bởi mỗi lần làm là một vẻ đẹp riêng, dựa trên kỹ thuật, cảm xúc, cảm quan màu sắc của tác giả”.
Họa sĩ Lương Minh Hòa là thành viên của nhóm dự án Latoa Indochine, được thành lập từ tháng 6 năm 2022 bởi những nghệ sĩ có hàng chục năm gắn bó với nghề làm tranh sơn mài, đặc biệt yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu hội họa dân gian, như: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn... Thấu hiểu và trân quý tinh hoa các dòng tranh truyền thống, tiếc nuối những giá trị nghệ thuật hàm chứa tri thức bao đời, họ đã cùng ngồi lại, trăn trở tìm hướng lan tỏa những giá trị ấy trong đời sống hiện thời. Từ đây, dòng tranh dân gian sơn mài khắc - sự kết hợp giữa nghệ thuật sơn mài và sơn khắc ra đời, đã góp phần hiện thực hóa niềm mong mỏi ấy.
Họa sĩ Lương Minh Hòa chia sẻ: “Khoác tấm áo đương đại cho tinh hoa vốn cổ - nghe rất hay nhưng thực hiện chẳng dễ dàng gì. Chúng tôi mất nhiều tháng ngày loay hoay, chật vật với việc thử nghiệm tái hiện tranh dân gian trên nền kỹ thuật mới nhưng mãi không đạt, không ra “chất” cần có. Chỉ đến khi tình cờ lấy hai kỹ thuật làm tranh bổ trợ cho nhau, mới hoàn thiện được kỹ thuật làm tranh dân gian sơn mài khắc như hiện giờ”.
Cụ thể, tranh dân gian sơn mài khắc của Latoa Indochine tập hợp nhiều công đoạn làm tranh thủ công, như: Gia công cốt gỗ, “hạ nền” khắc vóc, tạo màu, thếp vàng, thếp bạc, cẩn xà cừ, vỏ trứng… rồi mài đi, sơn lại cho đến khi độ bóng của màu chìm xuống, tạo thành độ sâu thẳm cho tranh. “Mỗi tác phẩm đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn giữ được “sự thăng bằng” để bảo đảm hài hòa giữa yếu tố truyền thống và tính sáng tạo. Nếu tỉ mỉ, chi tiết quá sẽ giống một sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiếu tính nghệ thuật, còn nếu để tâm hồn bay bổng tự do quá, lại mất đi cái hồn của tranh dân gian”, họa sĩ Lương Minh Hòa kể.
Với phương pháp này, các nghệ sĩ thuộc Latoa Indochine đã sáng tạo để mang đến “đời sống mới” cho hàng chục mẫu tranh dân gian thuộc các dòng tranh vang bóng một thời: Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống, thông qua việc phản ánh cái hồn, cái tinh thần của tranh dân gian vào một tác phẩm đương đại. Quá trình sáng tạo cho phép có những thay đổi về màu sắc, tạo hình để tạo hiệu ứng mỹ thuật, hay xa hơn là lấy cảm hứng từ các mẫu tranh kinh điển để tạo ra những tác phẩm mới.
Thắp sáng tinh hoa dân tộc
Từ phương thức làm tranh mới mẻ, Latoa Indochine đã thắp sáng “màu dân tộc” trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, ngay lập tức thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng yêu tranh, luôn thiết tha với những giá trị văn hóa truyền thống. Từ triển lãm đầu tiên được mở ra tại Bảo tàng Hà Nội, Latoa Indochine góp mặt tại nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nghệ thuật dân gian trong nước và quốc tế, như: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - năm 2022; Không gian văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc…, cho người xem những cảm nhận mới lạ, độc đáo, đầy thú vị về tranh truyền thống, qua đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa, lịch sử của dân tộc nói chung, giá trị nghệ thuật của các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo tiền đề đưa tranh dân gian trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê đánh giá: “Không chỉ gói ghém, truyền tải nhuần nhị hồn cốt của tranh dân gian, nghệ thuật sơn mài khắc với các lớp dát vàng, dát bạc còn tạo ra những mảng màu đối lập và bắt sáng, khiến họa tiết dân gian trở nên sang trọng và mới mẻ hơn. Các hình ảnh trong tranh sơn mài khắc được thể hiện sắc nét, có chiều sâu, quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng, lớp lớp màu lộng lẫy và uyển chuyển, góp phần nâng tầm giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển”.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tranh dân gian sơn mài khắc là một sáng kiến rất đáng ghi nhận, vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống là sơn mài, sơn khắc, vừa phát huy được tinh hoa của tranh dân gian, mà nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được. “Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh dân gian không còn phổ biến như trước đây, việc mang đến đời sống mới cho tranh dân gian rất cần được khích lệ, nhằm khơi dậy, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống”, ông Trương Quốc Bình nêu.
Thấu hiểu điều này, mới đây Latoa Indochine đã mở ra chương trình giới thiệu, hướng dẫn cách thức hoàn thành một tác phẩm tranh dân gian sơn mài khắc dưới định dạng workshop, nhằm giới thiệu sâu hơn tới công chúng, nhất là các bạn trẻ về nghệ thuật sơn mài, sơn khắc truyền thống, lịch sử các dòng tranh dân gian cũng như cái hay, cái đẹp của hội họa cổ xưa; đồng thời được hướng dẫn thực hành, trải nghiệm một số kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật sơn mài khắc, để làm ra một tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, với cách làm này, những tác phẩm xưa cũ sẽ trở nên gần gũi, những cái hay, cái đẹp của tranh dân gian sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn.
“Tranh dân gian là sự đúc kết văn hóa, nghệ thuật bao đời, nơi phản ánh dấu ấn của cả một thời vàng son lịch sử đất nước. Latoa Indochine mong muốn đưa công chúng “đi đến tận cùng của truyền thống”, trở về những ngày của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý, để rồi sau đó, cùng nhau gìn giữ, tiếp nối, lan tỏa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc. Đó cũng là cách để truyền thống luôn được hiện diện trong đời sống hôm nay”, ông Phạm Ngọc Long bày tỏ.